Đằng sau chuyện đại gia dùng gậy golf đánh người

Thời sựThứ Năm, 26/09/2013 08:06:00 +07:00

(VTC News) – Đằng sau chuyện đại gia dùng gậy golf đánh người là hàng loạt vấn đề khiến dư luận xôn xao.

(VTC News) – Đằng sau chuyện đại gia dùng gậy golf đánh người là hàng loạt vấn đề khiến dư luận xôn xao.

Những ngày qua, việc ông Nguyễn Đức Sơn - Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Quản lý & Phát triển nhà Hà Nội - dùng gậy chơi golf "gõ vào đầu" nhân viên phục vụ tên Công ở sân golf Tam Đảo (Vĩnh Phúc) khiến nhân viên này phải nhập viện điều trị đang gây xôn xao dư luận.

Không chỉ bức xúc trước cách hành xử bị đánh giá là “vô văn hóa”, “côn đồ” của vị “đại gia” này, cư dân mạng còn thi nhau mổ xẻ các vấn đề khác đằng sau vụ việc.

Tổng thu nhập của đại gia ‘khủng’ cỡ nào?

Xưa nay người đời vẫn không ngừng tranh cãi rằng golf là đỉnh cao thể thao hay thú chơi quý tộc. Nhưng có một điều chắc chắn ai cũng dễ nhận thấy, nếu không có thẻ hội viên hoặc không được “bảo lãnh", người lạ đừng hòng "lớ xớ" vào khu vực dành riêng cho các golfer.

Không quý tộc sao được khi theo một thống kê mới đây, tại Việt Nam chỉ có khoảng hơn 100 người Việt chơi golf thường xuyên.

Tại Việt Nam, golf được xem là thú chơi quý tộc
Tại Việt Nam, golf được xem là thú chơi quý tộc (Ảnh chỉ có tính minh họa: Internet) 
Nhân viên sân golf Tam Đảo (Vính Phúc) cho biết, nếu là người chơi lẻ, mỗi lần đi đánh golf người chơi phải trả phí sân 1.722.000 đồng/ngày thường và 2.667.000 đồng/ngày cuối tuần.

Ngoài ra, còn các phí khác như phí caddie (người phục vụ) hơn 500 nghìn đồng; phí xe di chuyển trong sân khoảng hơn 500 nghìn đồng; thuê gậy 504 nghìn đồng/bộ; thuê giày hơn 200 nghìn đồng...

Theo nhân viên kinh doanh sân golf Tam Đảo, nếu trở thành hội viên, người chơi phải bỏ tiền ra mua thẻ tối thiểu một năm 1.500 USD (hơn 30 triệu đồng). Khi có thẻ, mỗi lần đi đánh golf trả thêm 462.000 đồng phí sân. Riêng ngày cuối tuần 2.037.000 đồng. Đây là mức thẻ thấp nhất của sân golf Tam Đảo.

Ngoài ra, nếu làm thẻ dài hạn, phí ghi danh tối thiểu 25 năm gần 800 triệu đồng và mức 48 năm sẽ là khoảng 1,544 tỷ đồng. Hàng năm, mỗi hội viên phải nộp hơn 17 triệu đồng phí bảo dưỡng.

Theo học một khóa học chơi golf ở sân Tam Đảo, người học nộp 8 triệu đồng cho 10 buổi học lý thuyết. Sau đó, các buổi học thực hành trên sân phải trả tiền sân riêng. Cả khóa học hết khoảng hơn 10 triệu đồng.

Người chơi cũng cần trang bị một bộ gậy, tùy vào mỗi người mà chọn gậy cho phù hợp, giá thị trường trung bình 40 triệu đồng/bộ. Ngoài ra, người chơi golf cũng cần trang bị quần áo, giày dép, bóng...

Là tổng giám đốc một công ty nhà nước thuộc sự quản lý, giám sát và theo dõi của UBND TP Hà Nội, hưởng lương 10 triệu đồng/tháng (120 triệu đồng/năm), ông Sơn lấy đâu ra tiền để có thể tới sân golf Tam Đảo chơi 2 lần một tuần? 

Đó là câu hỏi lớn mà dư luận đang đặt ra. Vụ việc càng được đẩy lên đỉnh điểm khi cách đây không lâu, hàng loạt “sếp công ích” ở thành phố Hồ Chí Minh lộ “lương khủng”.

Rõ ràng, đã đến lúc Hà Nội cần công khai, làm rõ mức thu nhập thực sự của “đại gia” này.

Hướng xử lý của lãnh đạo Hà Nội
TGĐ Nguyễn Đức Sơn dùng gậy golf đánh ngất xỉu nhân viên phục vụ tại sân golf Tam Đảo (Vĩnh Phúc)
TGĐ Nguyễn Đức Sơn dùng gậy golf đánh ngất xỉu nhân viên phục vụ tại sân golf Tam Đảo (Vĩnh Phúc) 
Đến tối 24/9, ông Nguyễn Thinh Thành - Chánh Văn phòng UBND TP Hà Nội - cho biết, văn phòng vẫn đang chờ ông Nguyễn Đức Sơn nộp bản tường trình sự việc. “Anh Sơn xin phép nộp bản tường trình muộn vì một vài lý do cá nhân”, ông Thành nói.


Về hướng xử lý, ông Thành khẳng định: “Chúng tôi sẽ giao cho Sở Nội vụ xác minh giải trình, từ đó đề xuất biện pháp xử lý theo quy định. Quan điểm của thành phố là sẽ xử lý vụ việc một cách nghiêm túc”.

Trong khi đó, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Phan Đăng Long cho rằng phải xem xét cả tư cách Đảng viên của ông Sơn.

Thông tin từ một cán bộ tại Ban điều hành sân golf Tam Đảo, trước đó vào ngày 6/7/2013, một người trong nhóm của ông Sơn đến chơi golf tại sân cũng đã gây thương tích cho chị Trần Thị Thương (25 tuổi, nhân viên Caddie) khiến chị này phải nằm viện điều trị một tháng, hiện vẫn phải nghỉ điều trị vì sức khỏe chưa hồi phục, chi phí tiền viện hết khoảng 13 triệu đồng.

Biên bản xác nhận vụ gây thương tích cho chị Thương ghi rõ người đứng tên gây hậu quả là ông Hữu - bạn ông Sơn. Nhưng theo xác nhận của cán bộ tại sân golf Tam Đảo, vẫn có những nghi vấn về một “thủ phạm” thật sự khác và ông Hữu chỉ là người nhận lỗi thay. Và người bị nghi về thủ phạm thật chính là ông Sơn.

Liên quan đến vụ việc này, ông Sơn khẳng định đó là do bạn ông gây ra, đã giải quyết ổn thỏa, đền bù cho nạn nhân 11 triệu đồng. Thế nhưng dư luận vẫn xôn xao liệu dùng gậy golf đánh người có phải là thói quen của vị giám đốc một doanh nghiệp nhà nước này?

Ngoài việc dùng gậy chơi golf đánh vào đầu người phục vụ thì ông Nguyễn Đức Sơn, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Quản lý & Phát triển nhà Hà Nội còn bị nhân viên ở đây tố là đang cá độ về buổi chơi hôm đó.

Theo luật pháp Việt Nam, tội chơi bạc, cá độ có thể bị phạt đến 7 năm tù giam. Còn về tội đánh người của ông Sơn, tuy bị hại đã không đưa đơn kiện nhưng nếu phải ra tòa, giám đốc Sơn cũng sẽ có thể phải lĩnh thêm 7 năm tù. Tổng hợp hình phạt cho ông Sơn có thể lên đến 14 năm tù giam.

Dư luận một lần nữa hoài nghi: Tiền liệu có “xoa dịu” tất cả?

Trên đây mới chỉ là 2 vấn đề lớn đang được dư luận đặc biệt quan tâm sau vụ việc này. Chưa bàn tới văn hóa ứng xử của một bộ phận quan chức Việt, có lẽ các tổ chức uy tín trên thế giới nên xếp Caddie, đặc biệt Caddie cho quan chức Việt vào danh sách những nghề nguy hiểm nhất thế giới sau phóng viên chiến trường, thợ mỏ, ngư dân hay công nhân xây dựng.

Minh Quân

Bình luận
vtcnews.vn