Dân số Việt Nam đang "già hóa "

Thời sựThứ Năm, 22/07/2010 03:20:00 +07:00

(VTC News) - Trong thập kỷ 1999 – 2000, tỷ lệ người già tăng trong khi tỷ lệ trẻ em giảm mạnh. Chỉ số già hóa của dân số nước ta tăng từ 24,3% lên 35,5%.

(VTC News) - Trong thập kỷ 1999 – 2000,  tỷ lệ người già tăng trong cơ cấu dân số Việt Nam tăng nhanh trong khi tỷ lệ trẻ em giảm mạnh. Ban Chỉ đạo Tổng điều tra dân số và nhà ở Trung ương cho biết, chỉ số già hóa của dân số nước ta tăng từ 24,3% lên 35,5%.

Tại Hội nghị, Ban Chỉ đạo Tổng điều tra dân số và nhà ở Trung ương đã chính thức công bố kết quả cuộc Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009. Theo đó, vào thời điểm 0 giờ ngày 1/4/2009, dân số Việt Nam là 85.846.999 người. Trong đó nam giới có 42.413.143 người, chiếm 49,4%. Tính từ cuộc Tổng điều tra trước đó, số dân Việt Nam tăng thêm 9.523 nghìn người (bình quân mỗi năm tăng 952 nghìn người).

 

Tuy lượng dân số tăng nhưng so với chu kỳ 10 năm trước nhưng mức gia tăng dân số lại giảm đáng kể. Tỷ suất tăng dân số bình quân năm giảm từ 1,7% thời kỳ 1989 – 1999 xuống còn 1,2% của thời kỳ 1999 – 2009.

 

Theo số liệu cuộc Tổng điều tra năm 2009, có 54 dân tộc anh em sinh sống trên lãnh thổ cả nước, trong đó dân tộc Kinh có 73,594 triệu người (chiếm 85,7%) và các dân tộc còn lại có 12,253 triệu người. Điều đáng nói, tỷ suất tăng dân số của dân tộc Kinh là 1,1%, thấp hơn nhiều so với con số 1,6% của các dân tộc thiểu số.

 

Từ năm 2006 đến nay, tổng tỷ suất sinh của nước ta liên tục giảm và đạt dưới mức sinh thay thế (2,03 con/phụ nữ). Thêm vào đó, điều đáng mừng là tỷ suất chết của trẻ em dưới 1 tuổi của Tổng điều tra 2009 tính cho 12 tháng trước thời điểm điều tra giảm xuống còn 16 (phần nghìn) so với 36,7  trong Tổng điều tra 1999. Điều này nói lên sự thành công của các chương trình y tế quốc gia nói chung, cũng như của chương trình chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em nói riêng.

 

Tỷ trọng dân số nhóm tuổi 15 – 64 (là nhóm tuổi chủ lực của lực lượng lao động) tăng từ 61,1% lên 69,1%. Đây là một lợi thế rất lớn đối với sự nghiệp công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước, nếu tận dụng được tính ưu việt về lực lượng lao động của thời kỳ này trong vài thập kỷ tới vì đang ở thời kỳ “cơ cấu dân số vàng”.

 

 Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho những cá nhân có thành tích xuất sắc cho cuộc Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009 - Ảnh: Chinhphu.vn



Thế nhưng dân số Việt Nam đang có xu hướng bị già hóa. Trong thập kỷ 1999 – 2000, tỷ lệ người già tăng trong khi tỷ lệ trẻ em giảm mạnh. Chỉ số già hóa của dân số nước ta tăng từ 24,3% lên 35,5%.


Kết quả điều tra về nhà ở cho thấy số hộ có nhà ở kiên cố chiếm 46,3%, hộ có nhà đơn sơ chỉ còn 7,8%. Diện tích ở bình quân đầu người của cả nước là 16,7m2. Trong khi tỷ trọng hộ sử dụng diện tích nhà ở từ 60 m2/nhà đã tăng lên 51,5% thì cả nước vẫn còn có 2,4% số hộ sử dụng nhà dưới 15 m2, tăng 0,2% so với 10 năm trước.

 

Về giáo dục, nét đáng chú ý là tỷ lệ biết chữ của người 15 tuổi trở lên năm 2009 đã đạt 94%. Tuy nhiên Việt Nam vẫn còn hơn 1,5 triệu người thất nghiệp.

 

Phát biểu tại buổi lễ tổng kết, Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng khẳng định: "Kết quả cuộc điều tra đã phản ánh đúng những thành tựu phát triển kinh tế xã hội trong 10 năm qua của đất nước ta. Dân số Việt Nam đang trong thời kỳ “cơ cấu dân số vàng”. Nhóm tuổi của lực lượng lao động vượt trội so với nhóm tuổi phụ thuộc mở ra một tiềm năng to lớn để đưa đất nước ta bước vào thời kỳ phát triển nguồn, phồn thịnh đất nước. Tuy nhiên, điều này cũng có thể tạo ra những thách thức trong tương lai, đòi hỏi nhà nước phải ban hành và thực hiện đồng bộ các chính sách phù hợp".




Trường Sơn

Bình luận
vtcnews.vn