Đại học Huế mở 3 ngành đào tạo mới, dừng tuyển sinh 2 ngành

Giáo dụcChủ Nhật, 14/01/2018 14:42:00 +07:00

Theo dự kiến, năm 2018 Đại học Huế tuyển dụng 12.250 chỉ tiêu cho 118 ngành đào tạo đại học, trường sẽ mở thêm 3 ngành đào tạo mới và dừng tuyển sinh 2 ngành.

Ngày 14/11, theo thông tin Đại học Huế cung cấp cho báo chí, dự kiến tuyển sinh năm 2018 của trường là 12.250 chỉ tiêu cho 118 ngành đào tạo đại học của 8 trường đại học thành viên, 2 khoa trực thuộc và 1 phân hiệu.

Theo đó, Đại học Huế tuyển sinh thêm 3 ngành mới gồm: ngành Quản trị khách sạn, ngành Quản trị nhà hàng và dịch vụ ăn uống của Khoa Du lịch và ngành Kinh tế xây dựng của phân hiệu Đại học Huế tại Quảng Trị.

Ngoài ra, Trường Đại học Kinh tế và Trường Đại học Nông Lâm Huế cũng đang hoàn thiện hồ sơ mở một số ngành mới (sẽ có thông báo bổ sung trước khi xét thí sinh nộp hồ sơ vào Đại học Huế năm 2018).

sai-pham-hang-loat-5-truong-dai-hoc-lon-bi-xu-ly-the-nao-0

Năm 2018, Đại học Huế sẽ mở thêm ít nhất 3 ngành đào tạo và dừng tuyển sinh 2 ngành. 

Đại học Huế cũng thông báo, trong năm 2018 sẽ dừng tuyển sinh 2 ngành đào tạo đại học gồm: ngành Đồ họa của Trường Đại học Nghệ thuật, ngành Sư phạm Kỹ thuật Công nghiệp của Trường Đại học Sư phạm và tất cả các ngành đào tạo trình độ cao đẳng của Trường Đại học Nông Lâm.

Được biết, đây là những ngành tuyển sinh rất khó khăn do số lượng thí sinh thi vào  ít.

Về phương thức tuyển sinh, Đại học Huế có 3 phương thức gồm:

Xét tuyển dựa vào kết quả của kỳ thi trung học phổ thông quốc gia. Áp dụng cho tất cả các ngành đào tạo của các trường đại học thành viên, khoa trực thuộc, phân hiệu Đại học Huế tại Quảng Trị.

Xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi trung học phổ thông quốc gia hoặc dựa vào kết quả học tập ở cấp trung học phổ thông (học bạ) kết hợp với thi tuyển năng khiếu. Áp dụng đối với các ngành năng khiếu của Trường Đại học Sư phạm, Trường Đại học Khoa học, Trường Đại học Nghệ thuật và Khoa Giáo dục Thể chất.

Xét tuyển dựa vào kết quả học tập ở cấp trung học phổ thông. Áp dụng cho phân hiệu Đại học Huế tại Quảng Trị (60% chỉ tiêu ngành) và một số ngành đào tạo của Trường Đại học Nông Lâm (16/22 ngành).

Trước đó ngày 2/1, Thủ tướng và đoàn công tác của Chính phủ cũng đã có buổi làm việc tại Đại học Huế. Tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc biểu dương những thành quả đã đạt được của Đại học Huế; yêu cầu lãnh đạo, cán bộ tiếp tục nỗ lực để phát huy hơn nữa thành quả, thế mạnh.

Thủ tướng đề nghị nhà trường khắc phục những khó khăn, hạn chế, chú trọng hơn nữa công tác đào tạo, nghiên cứu; thúc đẩy hợp tác quốc tế, đào tạo nhân lực cho Lào, Campuchia và Myanmar; chăm lo tốt đời sống cán bộ, viên chức, người lao động…

thu-tuong-1-3-2123396

 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc với Đại học Huế trong ngày 2/1.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Đại học Huế đào tạo nhiều ngành, cả tiến sĩ, thạc sĩ nhưng tỷ lệ việc làm của sinh viên ra trường chưa cao. Đặc biệt là các ngành Sư phạm, Nông lâm, Giáo dục thể chất có tỷ lệ có việc làm cực kỳ thấp.

Số bài báo trên tạp chí quốc tế của Đại học Huế là khá cao, đây 1 trong 5 trường đại học lớn của quốc gia, nhưng hướng nghiên cứu của Đại học Huế chưa rõ nét. Hoạt động sáng tạo và khởi nghiệp cho sinh viên còn mờ nhạt, cơ sở vật chất còn thiếu thốn".

PGS.TS Nguyễn Quang Linh - Giám đốc Đại học Huế kiến nghị Chính phủ tiếp tục đầu tư xây dựng Khu đô thị Đại Huế với kinh phí 100 triệu USD; cho Đại học Huế hoạt động như cơ chế Đại học Quốc gia để thực hiện lộ trình tự chủ Đại học; có chủ trương để Đại học Huế tái cấu trúc và hoàn thiện cơ cấu tổ chức của các đơn vị thành viên và trực thuộc; đầu tư nguồn lực để phát huy lợi thế của Đại học Huế ở các lĩnh vực có thế mạnh: Y dược, Nông lâm, Xã hội và nhân văn; Công nghệ thông tin, Mỹ thuật, Sư phạm; hỗ trợ Đại học Huế đào tạo nguồn nhân lực cho Lào, Campuchia và Myanmar…

Video: Cách đăng ký tuyển sinh trực tuyến vào các trường mầm non, lớp 1 và lớp 6

NGUYỄN VƯƠNG
Chuyên đề: Tin nóng trong ngày
Bình luận
vtcnews.vn