Đại biểu Quốc hội: 'Kỷ luật giáng chức dễ dẫn đến nể nang, né tránh'

Thời sựThứ Hai, 10/06/2019 20:30:00 +07:00

Theo đại biểu, việc kỷ luật giáng chức đối với cán bộ dễ dẫn đến tình trạng nể nang, né tránh, không đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật.

Chiều 10/6, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức.

Một trong những nội dung ghi nhận nhiều ý kiến đại biểu là đề xuất bỏ hình thức kỷ luật “giáng chức” để bảo đảm xử lý kỷ luật nghiêm đối với người giữ chức vụ có hành vi vi phạm.

Theo tờ trình của Chính phủ, Phương án 1: Không tiếp tục quy định hình thức kỷ luật giáng chức, bởi vì việc quy định đồng thời 2 hình thức kỷ luật “giáng chức” và “cách chức” áp dụng đối với những người giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý dễ dẫn đến tình trạng nể nang, chỉ áp dụng hình thức “giáng chức” thay vì phải áp dụng hình thức “cách chức”.

Hơn nữa, quy định về hình thức kỷ luật giáng chức là không phù hợp với việc bố trí công chức theo vị trí việc làm. Hình thức “giáng chức” thực chất là bổ nhiệm vào chức vụ thấp hơn, trong khi đó tại vị trí được bổ nhiệm xác định đủ số lượng lãnh đạo, quản lý.

Vì vậy, để bảo đảm tính nghiêm minh, sự nghiêm khắc đối với các hành vi vi phạm, đặc biệt là các hành vi vi phạm của công chức lãnh đạo, quản lý, tránh tình trạng lợi dụng quy định để xử lý kỷ luật ở mức độ nhẹ hơn thì dự thảo Luật không tiếp tục quy định hình thức kỷ luật giáng chức.

Phương án 2: Giữ hình thức kỷ luật giáng chức như Luật CBCC hiện hành, bởi vì quy định hình thức xử lý kỷ luật “giáng chức” đối với những người giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý là cần thiết, mang tính răn đe cao. Việc bỏ đi một hình thức kỷ luật sẽ gây khó khăn trong việc áp dụng hình thức kỷ luật tương ứng với hành vi vi phạm của đội ngũ công chức lãnh đạo, quản lý.

daibieu1

Đại biểu Nguyễn Thị Phúc (đoàn Hưng Yên). 

Thảo luận về nội dung này, đại biểu Nguyễn Thị Phúc (đoàn Hưng Yên) đồng ý việc bỏ hình thức kỷ luật giáng chức đối với công chức thay bằng hình thức kỷ luật cách chức, để đảm bảo tương ứng với 4 hình thức kỷ luật đảng viên gồm: khiển trách, cảnh cáo, cách chức, khai trừ.

Việc áp dụng hình thức giáng chức dễ dẫn đến tình trạng nể nang, né tránh, không đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật.

“Quy định hình thức kỷ luật giáng chức sẽ xung đột với việc bố trí công chức theo vị trí việc làm, bởi giáng chức thực chất là bổ nhiệm vào vị trí chức vụ thấp hơn, trong khi vị trí đó đã xác định đủ số lượng lãnh đạo quản lý. Hơn nữa, người bị kỷ luật giáng chức mà vẫn công tác trong cơ quan cũ hay trong lĩnh vực chuyên môn cũ sẽ gây khó khăn cho người lãnh đạo mới và trong thực thi nhiệm vụ và tham mưu” – đại biểu đoàn Hưng Yên nêu ý kiến.

Cùng chung quan điểm, đại biểu Phạm Văn Hoà (đoàn Đồng Tháp) đồng ý bỏ hình thức kỷ luật giáng chức như dự thảo luật. Theo ông, hình thức giáng chức có khả năng áp dụng để bao che hay cảm tính cho cán bộ bị kỷ luật. Thời gian qua, hình thức này có áp dụng nhưng không nhiều. Nếu cán bộ bị kỷ luật đến mức cách chức thì sẽ cách chức, thấp hơn là cảnh cáo, còn giáng chức không đảm bảo tính răn đe, có thể nể nang mà xử lý nhẹ hơn.

Nếu cách chức qua thời hạn bị kỷ luật thì cũng có thể được bổ nhiệm nếu người đó đủ điều kiện. Lưu ý thời hiệu xử lý kỷ luật, đại biểu đoàn Đồng Tháp cho rằng, nếu công chức bị kỷ luật cách chức thì thời hạn phải sau 2 năm mới được bổ nhiệm lại chức vụ cũ hoặc tương đương, còn nếu mới 1 năm bị kỷ luật mà được bổ nhiệm lại thì không hợp lý.

Trong khi đó, đại biểu Trương Thị Yến Linh (đoàn Cà Mau) cho rằng, các hình thức xử lý kỷ luật đối với công chức theo luật hiện hành bao gồm hình thức giáng chức là phù hợp, có tính đến mức độ, tính chất vi phạm, có tính răn đe cao và bảo đảm tính công bằng.

daibieu2

Đại biểu Trương Thị Yến Linh (đoàn Cà Mau). 

Theo đại biểu đoàn Cà Mau, thực tế, nhiều trường hợp có sai phạm nhưng chưa tới mức bị cách chức, buộc thôi việc hay xử lý trách nhiệm hình sự nên bị xử lý giáng chức.

Với kinh nghiệm chuyên môn của họ, tuy không còn công tác ở vị trí trước kia, nhưng vẫn có khả năng công tác ở vị trí thấp hơn, thậm chí có thể dẫn dắt những người yếu kinh nghiệm, điều này có lợi cho Nhà nước. Do vậy, đại biểu đề nghị giữ nguyên quy định giáng chức như hiện hành.

Kim Anh/VOV.VN
Bình luận
vtcnews.vn