Đại biểu Quốc hội: Căn bệnh của không ít cán bộ là thù lâu, nhớ dai

Thời sựThứ Ba, 27/10/2015 05:00:00 +07:00

Đại biểu Quốc hội cho rằng có hiện tượng cán bộ thù lâu, nhớ dai nên các vụ dân kiện quan thì quan luôn luôn thắng.

(VTC News) – Đại biểu Quốc hội cho rằng có hiện tượng cán bộ thù lâu, nhớ dai nên các vụ dân kiện quan thì quan luôn luôn thắng.

Ngày 27/10, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật tố tụng hành chính (sửa đổi).

Góp ý cho dự thảo luật, đại biểu Chu Sơn Hà, Hà Nội cho rằng thời gian qua có hiện tượng ban hành văn bản chưa đúng theo quy định của pháp luật, thậm chí vi phạm luật dân sự, luật đất đai. Nhiều trường hợp, sau 2 năm mới được sửa đổi.
Đại biểu Chu Sơn Hà (đoàn Hà Nội)
Đại biểu Chu Sơn Hà
“Đó là ví dụ sinh động cán bộ không ít người có tư tưởng bảo thủ”, đại biểu Chu Sơn Hà nhận định.

Bên cạnh đó, đại biểu Chu Sơn Hà cũng nhận định: “Căn bệnh thứ 2 của không ít cán bộ là căn bệnh thù lâu nhớ dai”.

Ông Hà lấy ví dụ trong kỳ họp lấy ý kiến dự thảo Bộ luật tố tụng hành chính đối với TP Hà Nội, một Chánh án cấp huyện phản ánh, nếu quy định thẩm quyền của toàn án nhân dân cấp huyện mà xử theo các quyết định của UBND trên địa bàn cấp huyện thì không khả thi. Vì vậy, nhiều bản án dù dân kiện quan nhưng quan luôn luôn thắng dân.

Đại biểu Chu Sơn Hà cũng kể trường hợp Hội đồng xét xử quyết định “quan thua dân”, nhưng ngay lập tức có chuyện xảy ra đối với vị thẩm phán quyết định bản án đó.

“Thẩm phán đó có năng lực, trình độ, nằm trong quy hoạch, nhưng sau đó bị luân chuyển công tác đến vị trí khác. Nói như vậy để thấy bệnh thù lâu nhớ dai trong cán bộ của chúng ta không phải là không có”, đại biểu Chu Sơn Hà nhận định.

Từ thực tế nêu trên, đại biểu Chu Sơn Hà kiến nghị cần nghiên cứu thẩm quyền của cấp huyện chỉ xử các vụ án hành chính từ xã trở xuống, đối với những vụ án hành chính cấp huyện thì do tỉnh xử, cấp tỉnh thì lên toà án tối cao xử.

Việc này để đảm bảo không ảnh hưởng đến quyền, lợi ích cơ bản của công dân.

Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng việc này không phù hợp với chủ trương chung phân cấp cho toà án cấp huyện.

“Tôi nghĩ rằng những việc liên quan đến hình sự, dân sự thì phân cấp. Riêng việc liên quan đến hành chính liên quan đến công dân và bộ máy thì không nên phân cấp”, đại biểu Chu Sơn Hà bày tỏ quan điểm.

Đại biểu Chu Sơn Hà cũng khẳng định người dân không ngại khó khăn khi lên cấp tỉnh, cũng không quan trọng việc thắng kiện được bao nhiêu tiền mà họ cần bảo vệ danh dự, bảo vệ công lý.

Có nhiều vụ án hành chính sau khi xử nhưng vẫn chưa được tổ chức thực hiện.

"Vì vậy nên nghiên cứu khoản nếu như quyết định đã có hiệu lực pháp luật mà cá nhân đó không thực hiện thì phải xử lý hành chính, kỷ luật, hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự", đại biểu Chu Sơn Hà đề xuất.

Đại biểu Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước)
Đại biểu Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước) 
Cũng có cùng quan điểm này, đại biểu Bùi Mạnh Hùng, Bình Phước cho rằng có tình trạng “người dân rất e ngại đi kiện quan”.

Vì vậy, đại biểu Bùi Mạnh Hùng đề xuất trong luật phải quy định cụ thể: “Tòa án nhân dân cấp tỉnh xem xét, xử sơ thẩm các vụ án hành chính liên quan đến cơ quan hành chính, người đứng đầu cơ quan hành chính từ cấp huyện trở nên”.

Cũng theo hướng này, Quốc hội nên xem xét giao cho Tòa án nhân dân cấp cao xem xét, xử sơ thẩm các vụ án hành chính liên quan đến cơ quan hành chính, người đứng đầu cơ quan hành chính cấp tỉnh.

“Tôi biết rằng đây là một vấn đề rất khó về mặt lý luận. Nhưng khó cũng phải làm và tìm giải pháp”, đại biểu Bùi Mạnh Hùng nói.

Ông Hùng cũng cho rằng, điều đó sẽ thực hiện theo đúng tư tưởng của Bác Hồ “điều gì có lợi cho dân thì phải làm”.

Phạm Thịnh
Bình luận
vtcnews.vn