Cựu Phó Tổng SCB thừa nhận làm sai quy trình tín dụng khoản vay 1.500 tỷ đồng

Pháp đìnhThứ Tư, 13/03/2024 12:51:51 +07:00
(VTC News) -

Trần Thị Mỹ Dung (cựu Phó Tổng Giám đốc SCB) thừa nhận làm sai quy trình tín dụng khi cho bị cáo Dương Tấn Trước (cựu Tổng Giám đốc Công ty Tường Việt) vay tiền.

Sáng 13/3, TAND TP.HCM bước sang ngày thứ 7 xét xử các bị cáo trong vụ án sai phạm tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và nhiều tổ chức khác với phần xét hỏi của các luật sư.

Vào đầu phần xét hỏi, luật sư Nguyễn Thị Kim Vinh đề nghị bị cáo Trần Thị Mỹ Dung (cựu Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng SCB) giải thích rõ về các khoản vay đã cơ cấu.

Trả lời, bị cáo Dung cho rằng, các khoản vay đã cơ cấu là khoản vay đã tới hạn nhưng không trả, đến thời hạn trả nhưng không trả thì được cơ cấu thời gian dài hơn. Theo đó, khoản vay này sẽ cơ cấu cả gốc và lãi và hầu hết các khoản vay tại SCB cơ cấu cả gốc lẫn lãi.

Bị cáo Trần Thị Mỹ Dung.

Bị cáo Trần Thị Mỹ Dung.

Luật sư: “Hồ sơ đã giải ngân từ trước, giờ chỉ làm hồ sơ?".

Thực tế hầu như tất cả khoản vay ở SCB đều là khoản vay ngắn hạn; một là trả vào, hai là cơ cấu. Trả vào thì buộc phải có khoản vay mới để đáo hạn khoản vay cũ. Khoản vay mới khi giải ngân ra thì không ra khỏi ngân hàng mà trả luôn, tất toán khoản vay cũ. Tức là những khoản vay này đã được rút ra từ trước”, bị cáo Dung trình bày.

Theo bị cáo, bản thân không nhớ bao nhiêu khoản vay giải ngân vì số lượng nhiều, thời gian đã lâu. Ngoài ra cũng không có thống kê khoản nào rút ra, khoản nào chi tiền mặt, nên không có số liệu chính xác.

Thời điểm của bị cáo gần như thời điểm cuối cùng vụ án xảy ra, đây là thời điểm tới hạn của rất nhiều khoản vay tại SCB. Hầu hết khoản vay của bị cáo ký thời gian đó dùng để thanh toán lại những khoản vay cũ”, bị cáo Dung nói.

Luật sư hỏi tiếp: “Bị cáo có đề nghị tách bạch ra để thể hiện rõ vai trò của bị cáo trong số tiền bị cáo buộc giúp sức?"

Dung cho rằng, từ ngày vụ án xảy ra tới nay, bị cáo luôn có tâm niệm mình làm sai mình nhận, không né tránh. Tuy nhiên với số liệu thất thoát quá lớn, số tiền đã giải ngân ra không chỉ trả các khoản vay cũ, hành vi của bị cáo chỉ là che giấu đi những khoản vay cũ đã bị thất thoát.

Số tiền thất thoát đã có từ trước rồi. Bị cáo đã tất toán khoản nợ cũ, tạo khoản nợ vay mới chứ không phải đem tiền ra khỏi ngân hàng. Kính mong HĐXX xem lại phần gây thất thoát của bị cáo”, Dung trình bày.

Luật sư Nguyễn Thị Vĩnh Kim đề nghị bị cáo Dung đánh giá về tài sản bảo đảm khoản vay 1.500 tỷ đồng của Công ty Tường Việt.

Các bị cáo tại phiên toà.

Các bị cáo tại phiên toà.

Đối với khoản vay của Tường Việt, bị cáo Dung nhận làm sai quy trình tín dụng. Tuy nhiên theo bị cáo Dung, thời điểm thực hiện khoản vay, có tài sản đảm bảo. 

Công ty này có dự án lớn ở Quận 2 cũ (nay là TP Thủ Đức), bị cáo đánh giá dự án này cao. Bị cáo đánh giá cổ phần đó định giá thấp nhất 3.900 tỷ đồng. Với số tiền của Tường Việt lúc đó đảm bảo, và dư, dư rất nhiều”, bị cáo Dung nói.

Về việc nâng khống tài sản, cựu Phó Tổng Giám đốc SCB cho biết khi vào SCB bị cáo thần tượng và tin tưởng Trương Mỹ Lan, nên bị cáo làm việc với tinh thần trung thành tuyệt đối. Khi nhắc đến bị cáo Trương Mỹ Lan, bị cáo Dung xúc động và được luật sư khuyên bình tĩnh.

Tại phiên xét xử hôm 7/3, bị cáo Dương Tấn Trước - Cựu Tổng Giám đốc Công ty Tường Việt khai được bị cáo Trương Mỹ Lan thưởng 1.500 tỷ đồng khi hỗ trợ pháp lý cho bị cáo Lan, xin cấp phép cho bị cáo Trương Mỹ Lan ở hai dự án Mũi Đèn Đỏ và dự án Sài Gòn Bình An.

Với số tiền này, bị cáo Trương Mỹ Lan cũng chỉ đạo đồng phạm tại SCB cho Công ty Tường Việt vay 1.500 tỷ đồng, dù các tài sản đảm bảo không đúng, không phù hợp, nhưng thực chất là rút tiền SCB để bị cáo Trương Mỹ Lan cho bị cáo Dương Tấn Trước 1.500 tỷ đồng, và thực tế đã giải ngân 1.498 tỷ đồng.

Theo cáo trạng, Trần Thị Mỹ Dung trực tiếp nhận chỉ đạo, thường xuyên trao đổi, bàn bạc với Trương Mỹ Lan để truyền đạt, chỉ đạo các thành viên khác tại Ngân hàng SCB hợp thức hồ sơ khống, giải ngân để rút tiền cho Lan sử dụng.

Bị cáo Dung biết rõ, các khoản vay của Trương Mỹ Lan nhưng đứng tên các cá nhân, công ty "ma", giải ngân, rút tiền của SCB ra trước, sau đó mới hoàn thiện hợp thức hồ sơ cho vay. Các đơn vị tại Ngân hàng SCB không có việc thẩm định khách hàng, thẩm định tài sản bảo đảm, không quan tâm phương án vay vốn, bỏ qua quy trình cho vay thông thường theo quy định pháp luật.

Với hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn, Trần Thị Mỹ Dung đã giúp sức cho Trương Mỹ Lan chiếm đoạt số tiền hơn 200.690 tỷ đồng và gây thiệt hại cho Ngân hàng SCB số nợ lãi phát sinh 69 tỷ đồng.

Cũng như một số cựu lãnh đạo khác trong Ngân hàng SCB, bị cáo Dung được Trương Mỹ Lan cho 300.000 cổ phần tại SCB, tương đương 3 tỷ đồng.

Trước đó, tại phiên xét hỏi ngày 7/3, bị cáo Dung cũng đề nghị được nộp khắc phục 1 tỷ đồng.

Bình luận
vtcnews.vn