Cục Quản lý thị trường Lạng Sơn xử lý 2.375 vụ vi phạm, xử phạt hơn 33 tỷ đồng

Chính sách thuế và cuộc sốngThứ Tư, 22/12/2021 19:01:00 +07:00
(VTC News) -

Cục QLTT Lạng Sơn phát hiện nhiều vụ việc vận chuyển hàng hóa từ nước ngoài về Việt Nam không rõ nguồn gốc.

Xử lý 2.375 vụ vi phạm, thu về hơn 33 tỷ đồng

Theo đó, Cục Quản lý thị trường tỉnh Lạng Sơn (Cục QLTT Lạng Sơn) cho biết, tính đến ngày 15/12/2021 đơn vị đã kiểm tra 2.908 vụ, trong đó có 2.375 vụ vi phạm (bằng 106,03% so với cùng kỳ năm 2020). Tổng số tiền thu về từ xử lý vi phạm hành chính là hơn 33 tỷ đồng.

Thông qua kiểm tra thị trường, đã xử lý vi phạm nộp vào ngân sách nhà nước hơn 11 tỷ đồng (bằng 48,89% so với cùng kỳ năm 2020).

Cục Quản lý thị trường Lạng Sơn xử lý 2.375 vụ vi phạm, xử phạt hơn 33 tỷ đồng - 1

Cục Quản lý thị trường tỉnh Lạng Sơn xử lý 2.375 vụ vi phạm thu về hơn 33 tỷ đồng trong năm 2021. (Ảnh QLTT Lạng Sơn)

Mặc dù tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp nhưng Cục QLTT Lạng Sơn luôn tổ chức ứng trực đảm bảo 100% quân số ngày làm việc, đảm bảo tối thiểu 50% quân số ngày nghỉ trên địa bàn để nâng cao hiệu quả công tác.

Hoạt động kinh doanh thương mại và dịch vụ diễn ra sôi động, đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng, giá cả hàng hóa ổn định. Những hàng hóa phục vụ nhu cầu thiết yếu của nhân dân như lương thực, thực phẩm, vật tư y tế, thuốc chữa bệnh... vẫn đảm bảo về cung và cầu, không xảy ra hiện tượng khan hiếm hàng hóa, không có hiện tượng đầu cơ, găm hàng, tăng giá quá mức, gây bất ổn thị trường.

Cục Quản lý thị trường Lạng Sơn xử lý 2.375 vụ vi phạm, xử phạt hơn 33 tỷ đồng - 2

Đội QLTT số 6 - Cục QLTT Lạng Sơn kiểm tra phương tiện chở hàng hóa nhập lậu.

Cục QLTT Lạng Sơn cho biết thời điểm giữa tháng 12/2020 đến tháng 02/2021 hoạt động buôn lậu diễn biến phức tạp do nhu cầu hàng hóa trong nội địa tăng dịp trước Tết Nguyên đán.

Đầu tháng 3 diễn biến buôn lậu hoạt động trở lại nhưng giảm hơn nhiều so với đầu quý 1/2021. Phương thức, thủ đoạn buôn lậu là mang, vác, vận chuyển nhỏ lẻ hàng hóa qua các đường mòn biên giới, chủ yếu tập trung tại một số khu vực Đồi Cao, Nà Han thuộc xã Tân Thanh, Ngách Hang Dơi, Đồi 386, Lũng Khơ Đa thuộc xã Tân Mỹ, huyện Văn Lãng,.... sau đó ghi hóa đơn bán hàng vận chuyển về nội địa bằng xe ô tô, bằng dịch vụ chuyển phát nhanh, dịch vụ bưu chính,... Mặt hàng nhập lậu chủ yếu là quần áo may mặc sẵn, hàng tiêu dùng, thực phẩm, mỹ phẩm. Trong đó có nhiều mặt hàng là hàng giả, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Giai đoạn giữa tháng 4 đến tháng 8 tình hình vận chuyển hàng hóa nhập lậu trên địa bàn tỉnh đã giảm rõ rệt, chỉ còn trên địa bàn các xã Yên Khoái, xã Tú Mịch huyện Lộc Bình hoạt động nhỏ lẻ, lén lút nhập lậu sản phẩm gia súc, gia cầm giống, dược liệu.

Từ tháng 9 đến nay, hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới trên địa bàn cơ bản được ngăn chặn, chỉ diễn ra nhỏ lẻ trên một số đường mòn khu vực biên giới các mốc 1227, 1228 thuộc địa bàn Chi Ma huyện Lộc Bình, hàng hóa chủ yếu là vật tư nông nghiệp, là hàng tiêu dùng, phụ kiện điện thoại, thuốc trừ cỏ, giống cây, giun khô.

Tại địa bàn Tân Thanh huyện Văn Lãng, xuất hiện một số đối tượng lén lút xuất, nhập lậu qua tuyến biên giới tại các đường mòn Nà Han thuộc thôn Nà Han, đường Bể nước tại khu 2, khu vực Đồi Cao thuộc xã Tân Thanh, huyện Văn Lãng, hàng hóa xuất lậu chủ yếu là gỗ các loại, linh kiện điện tử; hàng nhập lậu về chủ yếu là mỹ phẩm, vật tư nông nghiệp...với số lượng nhỏ lẻ, không thường xuyên.

Tại địa bàn huyện Tràng Định xuất hiện hiện tượng xuất lậu linh kiện điện tử, nhập lậu một số hàng hóa tiêu dùng với số lượng nhỏ lẻ qua biên giới theo đường sông khu vực biên giới xã Đào Viên huyện Tràng Định.

Cục Quản lý thị trường Lạng Sơn xử lý 2.375 vụ vi phạm, xử phạt hơn 33 tỷ đồng - 3

Đội QLTT số 2 - Cục QLTT Lạng Sơn kiểm tra vật tư y tế trên địa bàn.

Nhiệm vụ, giải pháp cho quản lý thị trường Lạng Sơn năm 2022

Cục QLTT Lạng Sơn cho biết trong quá trình hoạt động vẫn còn tồn tại những khó khăn hạn chế như kết quả về số vụ, số thu từ kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính về gian lận thương mại, thương mại điện tử đạt hiệu quả thấp mặt dù diễn biến tình hình thị trường về loại hình kinh doanh này đã nổi cộm từ hơn năm nay.

Bên cạnh đó cũng hạn chế trong kiểm tra các phương tiện vận chuyển hàng hóa nhập lậu, các điểm kinh doanh đông đúc.

Cục Quản lý thị trường Lạng Sơn xử lý 2.375 vụ vi phạm, xử phạt hơn 33 tỷ đồng - 4

Đội QLTT số 3 - Cục QLTT Lạng Sơn ký quy chế tuyên truyền, phổ biến pháp luật trên địa bàn huyện Lộc Bình.

Nhận định về thị trường tỉnh Lạng Sơn năm 2022, Cục QLTT Lạng Sơn cho rằng hoạt động thương mại nội địa sẽ từng bước ổn định, các hình thức kinh doanh vận chuyển hàng hóa đa dạng phù hợp với tình hình dịch bệnh Covid-19, bên cạnh đó hoạt động thương mại biên giới đang chịu tác động bởi cơ chế, chính sách 2 bên biên giới về phòng chống dịch bệnh Covid-19.

Do vậy, vẫn luôn tiềm ẩn các hành vi vi phạm trong kinh doanh thương mại với các thủ đoạn, hình thức mới, tinh vi hơn nhất là khoảng thời gian từ nay đến hết Tết Nguyên đán, thời tiết chuyển mùa nên nhu cầu tiêu dùng một số hàng hóa sẽ tăng mạnh.

Từ đó, Cục QLTT Lạng Sơn đã đề ra những nhiệm vụ, giải pháp về quản lý thị trường và thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh trong năm 2022. Theo đó, chú trọng tăng cường thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí; thực hiện kỷ luật, kỷ cương hành chính.

Thực hiện tốt vai trò thường trực Ban Chỉ đạo 389 các cấp, tham mưu chỉ đạo các ngành chức năng trong phối hợp thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Đẩy mạnh công tác chống buôn lậu trên các địa bàn trọng điểm, lĩnh vực hóa đơn bán hàng, gian lận thương mại qua XNK, kiểm tra, xử lý hoạt động sản xuất, kinh doanh nhóm hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền; hành vi kinh doanh hàng giả nguồn gốc, xuất xứ, giả mạo về sở hữu trí tuệ, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ; hành vi tăng giá đối với các mặt hàng thực phẩm thiết yếu, vật tư nông nghiệp, xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng ...

Tiếp tục thực hiện nghiêm túc các Kế hoạch kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, trong đó tập trung đối với các đối tượng có hành vi vi phạm liên quan đến hóa đơn bán hàng nhằm phòng ngừa gian lận thương mại về giá, về nguồn gốc hàng hóa, trốn thuế; rà soát, xử lý các hành vi vi phạm trong hoạt động thương mại điện tử, các chương trình khuyến mại, chào hàng có bán hàng hóa của các doanh nghiệp tại các điểm dân cư.

Thực hiện nghiêm túc các Kế hoạch kiểm tra, kiểm soát thị trường nội địa, trong đó tập trung đối với các đối tượng có hành vi vi phạm liên quan đến hóa đơn bán hàng nhằm phòng ngừa gian lận thương mại về giá, về nguồn gốc hàng hóa, trốn thuế; rà soát, xử lý các hành vi vi phạm trong hoạt động thương mại điện tử, các chương trình khuyến mại, chào hàng có bán hàng hóa của các doanh nghiệp tại các điểm dân cư, các dịch vụ vận chuyển hàng hóa có nguy cơ bị lợi dụng lưu thông hàng hóa nhập lậu, hàng giả (bưu chính, chuyển phát nhanh).

Tăng cường phối hợp với các lực lượng chức năng trên địa bàn, xử lý vi phạm liên quan đến vận chuyển hàng hóa nhập lậu; phối hợp cơ quan Thuế quản lý hóa đơn bán hàng, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân lợi dụng hóa đơn để gian lận về giá, chuyển giá nhằm trốn thuế; phối hợp đôn đốc các tổ chức, cá nhân kinh doanh thực hiện nghĩa vụ thuế. Kịp thời xử lý các hành vi vi phạm theo thẩm quyền, thu nộp ngân sách nhà nước tiền phạt, tiền phát mại hàng hóa và tiền áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định.

Phối hợp cơ quan Hải quan và các cơ quan chức năng liên quan thực hiện giám sát hàng hóa từ cửa khẩu vào nội địa nhằm phòng, chống gian lận thương mại  về nguồn gốc hàng hóa, giá hàng hóa; kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm theo quy định hiện hành.

Thành Lâm
Bình luận
vtcnews.vn