Cụ ông 2 lần sắm vai vua và 1 lần tai kề họng súng

Thời sựThứ Sáu, 26/02/2010 03:48:00 +07:00

(VTC News) - Tôi hẹn ngày lễ Tịch điền sau trở lại, để lại được thấy cụ khoác lên mình tấm áo long bào, mở những đường cày kỳ vọng cho một năm mới ấm no.

(VTC News) - Cụ là Đinh Trọng Tế 82 tuổi, người có vinh dự được 2 lần chọn hóa thân thành vua Lê Đại Hành trong lễ hội Tịch điền. Sau tấm áo nâu như bao cụ già trong làng, cuộc đời hoạt động cách mạng của cụ Tế cũng thật vẻ vang.

Tình cờ được chọn làm "vua"

Cái duyên cụ Đinh Trọng Tế được chọn hóa thân thành vua Lê Đại Hành trong lễ tịch điền thật tình cờ. Năm 2009, lễ tịch điền lần đầu tiên được phục dựng sau hàng trăm năm mai một khiến người dân ở các làng xã Đọi Sơn rộn ràng niềm vui. Một cụ già trong xã đã được chọn để đóng vai vua Lê Đại Hành. Không may, sau buổi tập đầu tiên, ông cụ chẳng may mắc bệnh nặng không thể tiếp tục đảm nhận công việc quan trọng này. Cả xã, huyện rồi cả tỉnh Hà Nam nháo nhác đi tìm người thay thế khi chỉ còn một hai buổi tập nữa là đến chính hội.

Cụ Đinh Trọng Tế hóa thân thành vua Lê Đại Hành mở những đường cày đầu tiên cho lễ hội năm nay.

Tương truyền, vào năm Đinh Hợi niên hiệu Thiên Phúc thứ 7 (năm 987), khi vua Lê Đại Hành đích thân xuống ruộng cày ở vùng Đọi Sơn đã đào được một hũ vàng. Đến năm 988, vua cày ở vùng Bàn Hải lại được một hũ bạc, vì vậy hai thửa ruộng trên được đặt tên là "Kim ngân điền" (ruộng vàng bạc).

Từ đó, lễ hội Tịch điền được các vua đời sau noi theo, tổ chức long trọng hơn và là một trong những ngày hội chính của đất nước vào mùa xuân.
Tiêu chuẩn đặt ra phải là bô lão trong làng đức cao vọng trọng lại phải có phong thái của của một đấng đế vương xưa. Tình cờ một thành viên trong BTC xem lại băng ghi hình buổi tập luyện đầu tiên đã phát hiện cụ Tế ung dung ngồi ở hàng ghế sau. Ngay lập tức, cụ Tế được mời để đóng vai nhà vua Lê Đại Hành.

Năm đó, mọi nghi lễ đều diễn ra suôn sẻ, lễ hội đã thành công gây được những ấn tượng tốt đẹp với lãnh đạo Nhà nước và nhân dân khắp nơi về tham dự. Năm nay, cụ Tế lại được chọn hóa thân thành vua Lê Đại Hành một lần nữa.

“Tự hào lắm anh ạ. Đây là một vinh dự lớn không chỉ của riêng tôi mà còn của gia đình, dòng họ”, khoác lên mình tấm long bào thực hiện các nghi lễ ngày hội, cụ Tế
dâng tràn cảm xúc. Nhìn tác phong đĩnh đạc, phong thái ung dung tự tại của cụ Tế, ít người có thể chê trách được điều gì.

Cụ Tế cũng là một kho sử sống của làng, vì vậy mọi lễ nghi, cách thức cụ đều nắm trong lòng bàn tay. Khi phóng viên hỏi làm thế nào cụ thể hiện được thần thái của một vị vua khiến ngừời xem hội phải vô cùng thán phục, cụ cười: “Từ hồi còn thanh niên tôi đã đi bộ đội. Môi trường quân sự giúp tôi có được tác phong đó. Vì vậy khi mọi người mời tôi vào vai vua tôi đã tập luyện rất nhanh, không khó khăn gì”.

Cụ Tế mặc áo long bào chuẩn bị cho các nghi thức của buổi lễ.

“Nếu năm sau còn đủ sức khỏe tôi sẽ tiếp tục đảm nhận công việc này. Được cống hiến cho làng xóm, tôi thấy rất vui và tự hào”, cụ Tế nói.

Súng kề tai ẫn không khai các cơ sở cách mạng

Ngày còn bé, khi Việt Minh về giải phóng mảnh đất quê hương, thấy thấp thoáng ngọn cờ đỏ, cụ Tế cùng đám trẻ trong làng trèo tường, lội ruộng theo đoàn quân giải phóng đi phá đồn địch, bắt quan huyện tay sai. "Sau đó các anh chiến sĩ đã khuyên tôi nên về nhà nhưng tôi nhất định đi theo đoàn quân giải phóng”, cụ Tết bồi hồi nhớ lại.
Cụ Tế bồi hồi kể lại cuộc đời hoạt động cách mạng đầy gian nan của mình
Khoảng năm 1950, Pháp cho quân về làng càn quét và bắt được cụ Tế. Chúng dùng mọi thủ đoạn để bắt cụ khai ra các cơ sở cách mạng nhưng cụ quyết không khai. Thậm chí, quân Pháp đã dẫn cụ ra trường bắn, kề súng lên mang tai uy hiếp nhưng cuối cùng chúng vẫn không cách nào lấy được thông tin.

Hôm đó, không giết được cụ Tế, quân Pháp đã trói cụ ở gốc bàng ở bãi cách xa làng rồi về tuyên truyền cho nhân dân khắp làng rằng cụ đã đầu hàng và khai ra các cơ sở cách mạng. Người dân trong làng đều cho rằng cụ Tế không khai nên đã bị quân địch giết hại.

Sau ngày bị bắt, cụ Tế bị giải đi khắp các trại giam ở Phủ Lý, Thanh Liêm (Hà Nam) rồi rới Nhà máy Chai (Nam Định) sang bốt chùa Non Nước (Ninh Bình)… Ròng rã hàng năm liền, cụ Tế cũng không thể nhớ hết mình đã được chuyển đi bao nhiêu nhà ngục, bị chúng đánh đập tra tấn sống đi chết lại không biết bao nhiêu lần.

Kết thúc chiến dịch Biên giới Thu Đông, Pháp thua trận nên rút toàn bộ quân ở các địa phương. Nhờ đó mà cụ Tế và 4 chiến sĩ du kích khác cũng được thả. Sau khi trở về địa phương, cụ Tế lại bị nghi là theo giặc. Cụ chỉ còn cách nhận những công việc khó khăn nhất, nguy hiểm nhất để thể hiện lòng trung thành với Cách mạng.

Năm 1954, miền Bắc hoàn toàn giải phóng, cụ Tế làm xã đội trưởng và giữ nhiều chức vụ quan trọng trong làng, trong xã. Cả đời cụ hoạt động cách mạng, phục vụ đất nước. Tiếp nối truyền thống tốt đẹp của gia đình, các con của cụ đều đi theo cách mạng và lập được nhiều thành tích vẻ vang.

Câu chuyện về cuộc đời cụ vẫn còn rất dài, miên man bên chén trà nóng nghi ngút khói. Chia tay cụ, tôi đã hẹn ngày lễ năm sau trở lại để lại được thấy cụ khỏe mạnh, khoác lên mình tấm áo long bào, mở những đường cày kỳ vọng đầu tiên cho một năm mới ấm no.

Phạm Thịnh
Bình luận
vtcnews.vn