Công Vinh: Sự ấm ức của lựa chọn số 3

Thể thaoThứ Ba, 22/01/2013 12:00:00 +07:00

Được thừa nhận ở SLNA và ĐTQG nhưng Vinh vẫn miệt mài dưới cái bóng của Quyến ở SEA Games 23. Nó chỉ kịp viết thêm vào quyết tâm của mình một câu: Phải trở thàn


Được thừa nhận ở SLNA và ĐTQG nhưng Vinh vẫn miệt mài dưới cái bóng của Quyến ở SEA Games 23. Nó chỉ kịp viết thêm vào quyết tâm của mình một câu: Phải trở thành số 1.


Lần đầu trả lời phỏng vấn

Sau buổi tối đăng quang ở JVC Cup, SLNA lên xe để trở về khách sạn Kim Liên trong tiếng hát hò rộn ràng của các cầu thủ. Đội bóng xứ Nghệ hôm đó vui lắm. Từ trưởng đoàn Nguyễn Hồng Thanh, HLV Hữu Thắng, các cầu thủ trụ cột như Ngô Quang Trường, Võ Đức Lam cho đến những cầu thủ trẻ như Vinh, ai cũng cười nói như trẻ lên ba.

Vinh-Quyến trong màu áo ĐTQG

Tối đó, cả đội được được xả trại nhưng phải dự bữa cơm tập thể để đảm bảo sức khỏe. Trưởng đoàn Nguyễn Hồng Thanh luôn là con người chu đáo, ông không bao giờ để cầu thủ rời trại mà đói, hoặc vui quá quên ăn. Với những cầu thủ trẻ như Vinh, ông bắt ăn hết suất hằng ngày mới được đứng lên.

Tôi nhớ rõ buổi tối hôm đó, SLNA ăn cơm ở tầng hai khu A khách sạn Kim Liên. Đám phóng viên bủa vây đội bóng xứ Nghệ ở Mỹ Đình đã về hết. Chỉ còn tôi và một đồng nghiệp nữa theo về tận khách sạn. Chúng tôi muốn phỏng vấn Công Vinh, muốn gặp mầm non tương lai của xứ Nghệ xem “em nó” ngoài đời thế nào.

Nhưng ở lần gặp gỡ ấy, tôi đi vì tò mò nhiều hơn là thán phục. Vì tôi thán phục Quyến – ngôi sao của cả nền bóng đá cơ. Công Vinh mới quá, không biết có bằng Quyến không.

Vinh hồi đó chưa dùng điện thoại. Mọi liên lạc đều nhờ bác Thanh và các đồng đội cho đỡ tốn kém. “Con nhà nghèo, đá đấm chưa đến nơi, giờ mà dùng thì lấy tiền đâu?”, trưởng đoàn Nguyễn Hồng Thanh giãi bày.

Chúng tôi đề nghị được gặp Vinh, ông Thanh hơi lưỡng lự một chút nhưng cuối cùng cũng đồng ý nhưng thòng một câu: “Em nó đang ăn cơm, các anh đợi lát. Nhớ là khen ít thôi nhé, nó còn trẻ”. Tôi hỏi lại: “Vinh thế nào chú, cháu muốn hỏi chú trước?”. “Hắn tốt. Tôi khẳng định là hắn tốt. Vài năm nữa sẽ tốt hơn Quyến”.

“Tốt hơn Quyến sao, trời ơi”. Tôi nghĩ bụng, “ông Thanh nói quá không?”. Như dò được ý định của tôi, ông Thanh nói một hồi: “Tôi đảm bảo với anh. Khả năng thằng Vinh không kém thằng Quyến. Hắn còn hơn cái tốc độ và ý chí.

Hắn chẳng ngại thằng ni. Hắn vào bóng mạnh, va chạm quyết liệt. Quân hậu vệ không để ý là ăn đòn như chơi. Hơn nữa, hắn có định hướng tốt hơn thằng Quyến. Thằng này gan lắm…”. Tôi gật gật nhưng bụng vẫn nghĩ : “Để xem”!

Công Vinh giđã là ngôi sao số 1 của bóng đá Việt Nam

Vinh bước ra từ phòng ăn, bước về phia chúng tôi. Hành lang hơi tối nhưng tôi vẫn thấy rõ, một thằng nhỏ dong dỏng cao, đầu chẳng để kiểu gì, tóc thẳng tắp, nham nhở. Nó mặc áo phông sáng màu để ngoài quân, đi dép lê, miệng vẫn còn nhai gì đó, đến gần chúng tôi mới ngừng.

Lúc đó, trông Vinh vừa giống anh thợ hồ, vừa giống thư sinh chờ thi, tuyệt nhiên không thấy dáng… đá bóng. Thế mà trên sân, nó khác hẳn. Mạnh mẽ, sốc vác.

Vinh  nhoẻn cười, e ngại nhìn chúng tôi từ đầu đến chân. Nó trả lời từng câu một, mỗi câu nghĩ một lúc, nói rất ngắn gọn, trọng tâm, không thừa, dù hơi ngây ngô.

Bây giờ nghĩ lại, tôi mới nhận ra một điều, Vinh có tố chất trả lời báo chí như một ngôi sao từ lúc đó, nhưng bây giờ “quái hơn, khách sáo hơn và trải đời hơn”, nên khó… bẫy! Đấy có lẽ là lần đầu tiên Vinh trả lời phỏng vấn. Chính nó cũng không nghĩ , về sau mình lại trở thành trung tâm của những cuộc trò chuyện kiểu như thế.

Bệ phóng SEA Games và nỗ lực của “kẻ số 3”

Trở về SLNA vài ngày, Vinh được HLV Alfred Riedl nhấc lên Tuyển. Cùng với Như Thuật, nó là 2 suất “đỗ vớt” cuối cùng. Nhận tin từ trưởng đoàn Hồng Thanh, Vinh mừng như phát điên. Giấc mơ tấm bé cuối cùng đã trở thành hiện thực. Nhưng nó hiểu, để chen chân vào tốp sao số của bóng đá, đây chỉ là cơ hội thứ nhất.

Vinh lên Tuyển chẳng chút e dè. Nó chấp nhận nấp sau cái bóng của Văn Quyến và là tiền đạo “số 3”, sau Phan Thanh Bình.

Vinh cắn răng luyện tập. Nó chinh phục các đàn anh chỉ sau vài ngày. Từ đội trưởng Nguyễn Hữu Thắng, đội phó Minh Phương, tiền vệ Tài Em và trung vệ bị loại trước thềm SEA Games vì nghi án bán độ Vũ Như Thành… tất cả đều cho rằng, Vinh hơn Thanh Bình mọi mặt và xứng đáng đá cặp với Văn Quyến trên hàng công.

Văn Quyến lay lắt tìm lại chđứng

Nhưng HLV Alfred Riedl không nghĩ thế. Ông thuộc tuýp người bảo thủ. Ông cho rằng, một cầu thủ đá V.League rồi trình độ chắc chắn hơn một cầu thủ chưa trải nghiệm sân chơi này. Nhà cầm quân người Áo một mực tin vào tiền đạo Đồng Tháp và Vinh chỉ được ra sân  khi Quyến cần nghỉ ngơi hoặc Bình cần phải ra vì mệt.

SEA Games 23, nó chỉ được đá chính 1 trận duy nhất với ĐT Lào (1-0, Công Vinh là người ghi bàn duy nhất). Trong trận đấu được coi là… thủ tục đó, Vinh chơi tốt nhất. Nó nỗ lực chạy từ đầu đến cuối, cố gắng tranh cướp như một cầu thủ đánh chặn, dù đá tiền đạo.

Sự nỗ lực của Vinh giúp nó ghi điểm trong mắt tất cả mọi người. Ai cũng thương và muốn lên tiếng thay nó vì sự “bất công” ở Tuyển. Nhưng HLV Alfred Riedl vẫn thế. Vinh chỉ là lựa chọn số 3, sau Quyến và Phan Thanh Bình.

Vinh buồn. Nó đã mất ngủ nhiều đêm, đã khóc rấm rức vì suy nghĩ rập khuôn của ông thầy người Áo. Nhưng ngày hôm sau, nó lại lao vào tập như con thiêu thân. Nó dồn “căm thù” vào những buổi tập và chắt chiu từng cơ hội ra sân.

Có thời điểm, Vinh nổi nóng với chính mình, cào cấu tư duy, lao cả đầu vào tường vì thất vọng khi nỗ lực không được ghi nhận. Nó chưa biết tìm cách nào hay hơn để chinh phục Alfred Riedl…

SEA Games 23, Việt Nam lại về Nhì như lời nguyền không thể giải trước người Thái và chuyện ấm ức của Công Vinh cũng vì thế chẳng được ai quan tâm nữa. Nhưng cũng từ giải đấu đó, Vinh đã xác định được cho mình một con đường: Phải trở thành số 1. Nhưng nó hiểu, chặng đường không đơn giản vì Quyến vẫn sừng sững ở đó…


Theo Bảo Thắng - Đức Anh (Bóng Đá Toàn Cầu)

Bình luận
vtcnews.vn