Công dân @ tuổi nhí

Tổng hợpThứ Sáu, 02/12/2011 02:43:00 +07:00

Điều đáng nói, phần mềm này được viết nên bởi một cậu bé mới có…11 tuổi.

     “Nu na nu nống.

      Đánh trống phất cờ.

      Mở hội thi đua.

      Chân ai sạch nhất…”

      Những câu hát đồng dao, những trò chơi ngộ nghĩnh đã trở thành một phần ký ức tuổi thơ của không ít người.

      Nào trò nu na nu nống, kéo cưa lừa xẻ. Nào bịt mắt bắt dê, mèo đuổi chuột, nhảy dây, ô ăn quan… đã quen thuộc với nhiều thế hệ người Việt Nam. Nhưng bây giờ, trong cuộc sống hiện đại, không phải đứa trẻ nào cũng biết, cũng được chơi.

 

      Một phần mềm về “Trò chơi dân gian Việt Nam” với giao diện của một website gồm 3 phần: Trang chủ - Giới thiệu - Trò chơi. 22 trò chơi truyền thống dành cho trẻ em, đầy đủ từ hình ảnh, cách chơi, nguồn gốc, cùng rất nhiều những bài đồng dao đã được lập nên với mong muốn phổ biến nhiều hơn tới mọi người những nét đẹp của cuộc sống thuần Việt một thời. Điều đáng nói, phần mềm này được viết nên bởi một cậu bé mới có…11 tuổi.

      Sân trường Tiểu học Yên Hòa quận Cầu Giấy Hà Nội. Giờ ra chơi, các em học sinh có nhiều trò chơi để thư giãn. Ở một góc sân trường, các bạn gái thì hào hứng với trò chơi chuyền. Góc kia, các bạn trai thi đá cầu. Có trò chơi ô ăn quan, cờ vua… Ở một góc khác, một nhóm học sinh lại đang hào hứng chơi quăng dây. Trên những gương mặt háo hức và hồn nhiên ấy, có tác giả của phần mềm trò chơi dân gian Việt Nam: Nguyễn Kỳ Anh – một cậu bé thay vì thích những trò chơi điện tử, hiện đại, lại luôn thích chơi những trò chơi dân gian, với cách lý giải của riêng mình: “Thích trò chơi dân gian vì bổ ích, đỡ tốn tiền bố mẹ…”

      Nguyễn Kỳ Anh sinh ra ở nước ngoài, đến năm 7 tuổi, cậu bé mới về Việt Nam học lớp 1. Đó cũng là lúc Kỳ Anh lần đầu biết tới những trò chơi dân gian Việt Nam từ những câu chuyện của bà nội, được bà dạy cho cách chơi, hát cho nghe những câu đồng dao ngộ nghĩnh… Điều đó thực sự đã là một ấn tượng sâu sắc, một kỷ niệm ngọt ngào với Kỳ Anh.

Hiếm có cậu bé nào lại có ấn tượng mạnh mẽ đến vậy với các trò chơi dân gian. Kỳ Anh đã tự mình mày mò tìm hiểu thêm về các trò chơi mà không cần đến sự trợ giúp của người lớn. Không còn thích những trò chơi điện tử nữa, dường như thế giới diệu kỳ đượm màu sắc cổ tích của những trò chơi dân gian Việt Nam đã cuốn hút Kỳ Anh hơn hết thảy. Và ý định lập một website về trò chơi dân gian đã đến với Kỳ Anh bắt đầu từ một tình cảm như thế.

Kỳ Anh và ông bà nội

       11 tuổi, chỉ biết đến tin học từ hơn một năm nay thôi, mỗi ngày chỉ ngồi máy tính chưa đến 2 giờ đồng hồ, Kỳ Anh đã lập website trò chơi dân gian bằng chính sức mình. Sau hơn 2 tháng tự tìm hiểu và mày mò, Kỳ Anh đã dựng xong website “Trò chơi dân gian Việt Nam” bằng công cụ viết web là HTML và Microsoft frontpage.

       Một điều thật đáng ngạc nhiên ở lứa tuổi như cậu. Chính tính cách hiếu động, thông minh từ bé đã khiến Kỳ Anh luôn gây bất ngờ cho người lớn. Ông nội Kỳ Anh cứ sững sờ theo dõi việc cậu cháu trai mình làm mỗi ngày.

      Từ ý tưởng về phần mềm trò chơi, Kỳ Anh nhờ tới sự tư vấn của thầy giáo dạy tin học ở trường. Chính thầy giáo cũng thừa nhận sự thông minh của cậu bé này, hầu như phần mềm không phải chỉnh sửa gì nhiều. Kỳ Anh tự mình làm mọi việc, từ hệ thống hóa tư liệu đến xây dựng nền tảng nội dung cho website, thầy giáo cũng chỉ góp ý cho Kỳ Anh nên và không nên lựa chọn những trò chơi nào để đưa vào phần mềm cho phù hợp với lứa tuổi trẻ em mà thôi.

      Phần mềm hoàn thiện cũng là lúc Kỳ Anh đem chia sẻ với những bạn bè cùng lớp. Cậu bé đã giới thiệu với các bạn những trò chơi dân gian có trong phần mềm, chỉ dẫn cụ thể từ nguồn gốc, lịch sử, cách chơi và minh họa bằng những hình ảnh, clip sinh động mà Kỳ Anh đã dày công sưu tập.

      Các bạn học rất hào hứng với những gì Kỳ Anh thuyết trình với họ. Những trò chơi mèo đuổi chuột, rồng rắn lên mây, chơi đu chơi chuyền, giờ trở nên gần gũi quen thuộc với các em học sinh Trường Tiểu học Yên Hòa.

      Phần mềm “Trò chơi dân gian Việt Nam” của Nguyễn Kỳ Anh – học sinh Trường Tiểu học Yên Hòa – Cầu Giấy – Hà Nội đã giành được Giải khuyến khích tại Hội thi Tin học trẻ thành phố Hà Nội năm 2011. Nhưng hơn thế, ý tưởng của em đã được nhân rộng và trở thành hoạt động ngoại khóa thiết thực và bổ ích tại chính ngôi trường em đang học.

      Lại một điều ngạc nhiên nữa: Kỳ Anh được Trường Đại học FPT Hà Nội thu nhận em là sinh viên đặc biệt tại ngôi trường Công nghệ Thông tin chuyên biệt này. Ý tưởng độc đáo và tư chất thông minh, khả năng tự học của Kỳ Anh được đánh giá cao, được trường Đại học FPT nhận đỡ đầu và bồi dưỡng thêm. Thời gian này, Kỳ Anh dành 1 tuần 2 buổi đến học cùng các tân sinh viên của Đại học FPT một khóa học về lập trình Alice – môn học được coi như nhập môn về lập trình hiện đại do trường Đại học CMU – Mỹ phát triển, đang được triển khai rộng rãi tại Đại học FPT.

      Mong ước ngày nào của Kỳ Anh khi nói với ông bà nội, rằng cháu muốn  được trở thành sinh viên Đại học FPT, thì giờ đây, gần như đã thành hiện thực. Kỳ Anh tỏ ra rất hào hứng với môn học mới. Về nhà, cậu giở giáo trình của nhà trường ra tự tìm hiểu thêm. Kỳ Anh đã có thể tự mình tạo được những hình ảnh chuyển động khá phức tạp từ hình ảnh tĩnh theo yêu cầu của môn học. 

      Thời gian này, ngoài giờ học ở Trường Tiểu học Yên Hòa và học thêm về lập trình ở Đại học FPT, Kỳ Anh vẫn tiếp tục hoàn thiện thêm phần mềm “Trò chơi dân gian Việt Nam”, với mong muốn một ngày gần nhất, phần mềm này sẽ trở thành một website hữu ích về trò chơi dân gian Việt Nam được đông đảo mọi người biết tới.

      “- Sau nữa thì sao. Mong ước ấy?” “- Em muốn trở thành một Hacker mũ trắng!”

      Ôi! Ước mơ thật ngộ nghĩnh. Nhưng cũng thật đáng trân trọng của một cậu bé thông minh, đáng yêu. Tin rằng một ngày nào đó, Kỳ Anh sẽ làm được nhiều điều hơn thế…

      Khiếu Bảo Thanh Vân

Bình luận
vtcnews.vn