Con "bướm ngọc"là một chàng trai

Tổng hợpThứ Năm, 15/11/2012 09:13:00 +07:00

Chương trình “Cô ấy đẹp” ghi tên tác giả Vũ Ngọc Điệp, đinh ninh là một cô gái. Con “Bướm Ngọc” này chắc xinh...

Chương trình “Cô ấy đẹp” ghi tên tác giả Vũ Ngọc Điệp, đinh ninh là một cô gái. Con “Bướm Ngọc” này chắc xinh. Có góp ý gì cũng nên nhẹ nhàng kẻo tổn thương “Bướm Ngọc”. Có một lỗi. Nhờ thư ký mời Vũ Ngọc Điệp tới phòng kiểm định để trao đổi. Tôi giật mình. Đứng lừng lững bên tôi là một chàng trai cao to có phần “phủi bụi”. Sặc mùi bia.

 “Chương trình có gì sai không bác?”. “Tôi muốn trao đổi với Ngọc Điệp cơ!”“Vâng. Cháu là Ngọc Điệp đây!”

Thực ra là một lỗi có phần vụng dại. Làm phim về phụ nữ dân tộc Thái lại dùng nhạc nền của người Mông. Ngọc Điệp khen sao bác tinh thế.“Cậu lừa tôi cái tên. Tôi mắc. Chứ cái nhạc thì không thể!”

 
Tôi giải thích cho con “Bướm Ngọc” rởm, rằng người Thái ở đồng bằng ven núi, mặc váy đen quấn hẹp dài chấm gót, đi bước ngắn trên địa hình bằng phẳng, âm nhạc của họ cũng bằng lặng như bước chân đi. Còn người Mông ở trên cao phải leo sườn núi dốc, mặc váy có nhiều nếp cộc tới đùi trên xòe rộng mới thích nghi. Và âm nhạc của họ cũng lên bổng xuống trầm thường là quãng tám.Ngọc Điệp thú thực là có nhạc Thái. Nhưng không hay.“ Vậy cậu muốn người ta cười cho sao?” Rồi Ngọc Điệp sửa.

Một tháng làm bốn cái “Cô ấy đẹp” không dễ dàng gì. Đi tìm “Cô ấy đẹp” thật công phu. Đẹp nết là chính. Nhưng cũng cần ưa nhìn. Lấy tài liệu viết kịch bản, rồi bố trí ngày làm phim, sau đó về Đài làm hậu kỳ. Thời lượng chương trình 30 phút ngốn biết bao nhiêu cảnh phim. Phải dàn dựng nhiều bối cảnh tới nhiều phim trường mới sinh động được. Khó thế nhưng không thể hình ít “độn lời” và phỏng vấn, sẽ nhàm chán. Không ai muốn phim mình làm lại bị người xem chê. Nói thế nghĩ thế nhưng còn bao điều lệ thuộc trong đó có kinh phí hạn hẹp và cần phải đi xa. Tựa như làm phim đền chùa phóng viên phải bỏ tiền túi mua đồ lễ bày lên ban thờ có cảnh mà quay. “Cô ấy đẹp” ở Hà Nội không phải là vô hạn. Khai thác mãi cũng cạn. Không kể tới “Cô ấy” còn là đề tài của nhiều chương trình khác Đài khác được các phóng viên khác khai thác. Thế là Ngọc Điệp phải đi xa. Đi xa thời gian đi lại đã ngốn nửa tuần mà chương trình lại phải nộp theo tuần không đúng thời gian trước hai ngày lại lo ngay ngáy bị… hạ bậc.

 
May thay “Bướm Ngọc” là một chàng trai nên thẩm định “Cô ấy đẹp” có độ tinh tế của một người khác giới, và không ngại đi xa. Giữa năm Ngọc Điệp làm luôn hai chương trình liền rồi chào tôi đi Sài Gòn tìm “Cô ấy đẹp” ở vùng đất tận miền trong. Có bạn bè mách mối cậu ta đã tìm được một “Cô ấy đẹp” là… bà họa sĩ  Đặng Ái Việt. “Bà ấy đẹp” thật, nghĩa cử cao đẹp quá. Ngoài 60 tuổi vẫn dong duổi trên chiếc xe Chaly cũ rão đi suốt mọi miền đất nước để vẽ chân dung các Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng.

Mà “Bà ấy” Đặng Ái Việt chỉ lo nếu không khẩn trương thì không kịp bởi các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng đều đã quá già quá yếu. Nhóm làm phim của Vũ Ngọc Điệp phải thuê chiếc xe máy dong duổi bám theo người họa sĩ già xuống Tiền Giang. Những con đường liên xã liên thôn nhỏ hẹp nhóm làm phim của Điệp phải đèo người đèo máy. Lại gặp hôm trời mưa đường trơn ngã chổng vó. Tôi xem phim những cảnh quay phía trước, phía sau, phía ngang đủ thấy anh quay phim vất vả phải dừng ngắt từng cảnh liên tục mới ghi được những cảnh sinh động như thế lại dưới trời mưa. Và tất nhiên người họa sĩ già cũng phải “diễn” theo yêu cầu của anh quay phim.

 
Chàng “Bướm Ngọc” hỏi tôi: "Bác có biết bác Phạm Khắc không? Bác Ái Việt là Phạm Khắc phu nhân đấy!” “- Thế ư? Trai tài gái sắc!” Nghệ sĩ Nhân dân Khạm Khắc là nhà điện ảnh nổi tiếng. Ông từng nhiều năm làm Giám đốc Đài Truyền hình thành phố Hồ Chí Minh. Vũ Ngọc Điệp khoe thế nhưng không đưa vào “Cô ấy đẹp”. Bởi nghĩa cử và tài năng của họa sĩ Nguyễn Ái Việt đã quá đẹp rồi không cần đắp thêm chi tiết nào nữa.

Đúng là chàng “Bướm Ngọc” hơi bị tinh. Xem xong phim tôi hỏi Ngọc Điệp đi xa nên kiếm được đề tài hay. Điệp cười cười: “Hay nhưng…lõm!” Chắc chắn rồi. Đừng hòng đi làm phim bây giờ có “phong bì” như một thời truyền hình còn hiếm hoi. Còn phải bỏ tiền mua đĩa sao cho “nhân vật” vài bản kỷ niệm để cảm ơn họ. Qúy hồ có đề tài mà làm. Trong chuyến đi ấy Vũ Ngọc Điệp còn làm được một “Cô ấy đẹp” Hoàng Tiểu Hương, người làm rung động hàng triệu trái tim Việt, nuôi hàng trăm đứa trẻ có hoàn cảnh khó khăn như một bà mẹ nhân từ. Lại còn dành sẵn mỗi con một “Sổ đỏ” trong khu nhà trung tâm cô gây dựng ở tỉnh Bình Dương.

 
Gần đây Vũ Ngọc Điệp lên tận Điện Biên không phải nơi thành phố mà là lên một xã vùng biên giới cách thành phố 50 cây số để làm một “Cô ấy đẹp” là một cô giáo từ miền xuôi lên gắn bó với sự nghiệp giáo dục nơi vùng cao dân tộc Mông. Những cảnh quay đường mưa lầy trồi sụt, những khúc suối lởm chởm đá nước chảy xiết cô giáo phải lội đưa xe qua, xem phim thương cô giáo vất vả nhưng phía sau hình ảnh ấy tôi hình dung ra nhóm làm phim còn vất hơn vì phải vác máy bắt hình liên tục ở mọi góc độ và nhiều cỡ cảnh mô tả tình huống. Chuyến đi này Ngọc Điệp cũng thâm canh thêm một phim nữa: “Các cô ấy đẹp”, đó là “Những phụ nữ Thái giữ hồn văn hóa trang phục dân tộc Thái”.

Hôm qua, nơi cửa sổ tầng ba đứng hút điếu thuốc bạc hà quà của Mạnh Trường đi Hàn Quốc về cho, bất chợt gặp Vũ Ngọc Điệp xà cột khoác chéo vai băng băng qua, khuôn mặt dài như cái bơm. Hỏi, cậu ta thở hắt ra than: Cháu buồn quá. Săn được một đề tài độc, một cô giáo sáng tạo một mô hình dạy toán cho học sinh phổ thông trung học… mù. Nhưng ông hiệu trưởng yêu cầu phải có công văn của Đài, được Sở Giáo dục - Đào tạo giới thiệu, và cả kịch bản phim nữa.

Chạy lo có tất cả rồi, ông hiệu trưởng trực tiếp sửa lại kịch bản, chia thành 3 phần đều nhau. Phần đầu nói về nhà trường. Phần giữa nói về các giáo viên trong đó trung tâm là ông hiệu trưởng. Phần cuối mới là cô giáo ấy. Qua sông phải lụy đò. Cháu chấp nhận quay theo yêu cầu mặc dù chương trình của mình là “Cô ấy đẹp” chứ đâu phải là “Ông hiệu trưởng đẹp”. Quay gần xong thì ông hiệu trưởng yêu cầu tiếp, khi nào dựng phải để ông ấy lên Đài giám sát cháu dựng xem có đúng với yêu cầu của ông ấy không. “- Đắng sít không bác?” Tôi bật ho sặc khói thuốc nồng bạc hà xứ lạnh Hàn Quốc vì cười.

Cứ ngồi trong phòng lạnh trên ghế êm ở Đài thẩm định tác phẩm của người ta mà không hiểu được những khó khăn “chảy nước mắt” như trường hợp của “Bướm Ngọc” vừa kể, rồi phán và nhăm nhăm bắt lỗi hạ bậc, nghĩ lại thấy mình dở quá, vô cảm quá.         

Trà San Tuyết                                                                      

 

     

Bình luận
vtcnews.vn