Cơ hội trong chuyển đổi số doanh nghiệp lĩnh vực sản xuất

Chuyển đổi sốThứ Năm, 12/10/2023 16:27:00 +07:00
(VTC News) -

Tập đoàn Điện lực Việt Nam, CTCP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông… là những điển hình cho thấy tiềm năng, cơ hội chuyển đổi số để tạo nên đột phá cho doanh nghiệp.

Với việc đưa toàn bộ quy trình, hoạt động sản xuất của nhà máy, xí nghiệp, cơ sở sản xuất lên môi trường số, ứng dụng công nghệ số vào mọi khâu của quá trình sản xuất, tiêu thụ sản phẩm,… chuyển đổi số trong doanh nghiệp đã, đang đem đến hiệu quả vượt trội so với trước kia. 

Từ câu chuyện của những điển hình thành công trong CĐS doanh nghiệp

Được thành lập năm 1961, CTCP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông (Rạng Đông) nhanh chóng khẳng định được chất lượng, uy tín sản phẩm của mình đối với thị trường, trở thành một cái tên khá quen thuộc với các gia đình Việt trong suốt hàng chục năm qua. 

Trong giai đoạn 2019 - 2023, Rạng Đông thiết lập nên một mặt bằng tăng trưởng mới, trung bình 15% - 20% một năm, cao gấp đôi so với giai đoạn 2015 - 2019. Tổng doanh thu năm 2023 ước đạt 9.000 tỷ đồng, cao gấp 2,5 lần so với năm 2019. Hiện, công ty cũng đang sở hữu một hệ sinh thái sản phẩm, dịch vụ đa dạng, không đơn thuần chỉ còn là bóng đèn, phích nước như giai đoạn đầu thành lập.

Các sản phẩm đã, đang được thông minh hóa, tự động hóa toàn bộ quá trình chiếu sáng nhờ vào kết nối Internet và dữ liệu. Một số sản phẩm tiêu biểu áp dụng vào đời sống mang lại hiệu quả vượt trội như chiếu sáng nông nghiệp với các vườn Thanh Long tại tỉnh Bình Thuận, chiếu sáng ngư nghiệp – tàu cá hay chiếu sáng Nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn.

Để đạt được kết quả ấn tượng đó, Rạng Đông phải trải qua một quá trình “lột xác”, tìm đường chuyển đổi đầy khó khăn. Sau trận hỏa hoạn lịch sử ngày 28/8/2019 gây thiệt hại vô cùng nặng nề cho công ty, Rạng Đông buộc phải thay đổi. Sự lựa chọn đặt tương lai vào chuyển đổi số trở thành quyết sách đúng đắn nhất của toàn thể BLĐ, CBNV công ty.

Không chỉ giúp công ty bước qua giai đoạn khó khăn, phục hồi được những tổn thất của hỏa hoạn, Rạng Đông ngày càng đa dạng hóa các sản phẩm của mình, đổi mới quy trình quản lý, sản xuất và đưa lên môi trường số hóa.

Chỉ trong 3 năm thực hiện chuyển đổi số, Rạng Đông có 4.349 sáng kiến cải tiến kỹ thuật, 70% trong số đó được áp dụng vào thực tiễn sản xuất kinh doanh, trực tiếp tham gia tạo giá trị, từ đó biến công ty trở thành một doanh nghiệp chế tạo công nghệ, chế tạo máy móc thiết bị với những kết quả kinh doanh ấn tượng, trở thành một trong những đơn vị chuyển đổi số thành công tiêu biểu trong khối các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh.

Tương tự Rạng Đông là câu chuyện tại Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Đây cũng là một trong những doanh nghiệp nhà nước tiên phong trong chuyển đổi số và nhanh chóng đạt được những thành tựu ấn tượng.

Ngay từ năm 2020, EVN bắt tay vào đánh giá thực trạng số hóa, ứng dụng khoa học công nghệ của tập đoàn; đồng thời nghiên cứu xu hướng chuyển đổi số trong ngành Điện của các nước trên thế giới và trong khu vực, từ đó có những định hướng, quyết sách đúng đắn trong công cuộc chuyển đổi số của toàn Tập đoàn.

Việc chuyển đổi bắt đầu từ việc “làm mới” những “người cũ”, để toàn thể CBNV, BLĐ làm quen, nắm bắt được những công nghệ mới cho tới việc thay đổi hệ thống, áp dụng … cho đến tiếp thu, học tập và áp dụng các công nghệ này cho mọi khâu hoạt động, kinh doanh, sản xuất của mình.

Đến nay, tập đoàn này liên tiếp 4 năm được vinh danh là Doanh nghiệp chuyển đổi số xuất sắc. Các đơn vị thành viên cũng giành được nhiều giải thưởng chuyển đổi số ở nhiều hạng mục khác nhau. Đặt mục tiêu chuyển đổi số thành công ở 5 lĩnh vực gồm Quản trị nội bộ, đầu tư xây dựng, sản xuất, kinh doanh dịch vụ khách hàng, viễn thông và công nghệ thông tin.

EVN nhận giải thưởng doanh nghiệp chuyển đổi số xuất sắc lần thứ 4 liên tiếp.

EVN nhận giải thưởng doanh nghiệp chuyển đổi số xuất sắc lần thứ 4 liên tiếp. 

Theo báo cáo của EVN, từ đầu năm 2023 đến nay, Tập đoàn công bố 14 giao diện lập trình (API) kết nối với các nền tảng số; 98% thiết bị chính, tương ứng 1,9 triệu hồ sơ của nhà máy điện và lưới điện được cập nhật trong cơ sở dữ liệu thiết bị phần mềm PMIS…

Ở lĩnh vực kinh doanh và dịch vụ khách hàng, EVN còn cung cấp 100% dịch vụ điện trực tuyến; kết nối đa kênh, đa nền tảng trên môi trường số, giúp khách hàng sử dụng điện có thể đăng ký dịch vụ, kết nối với ngành Điện mọi lúc, mọi nơi 24/7.  Tập đoàn cũng triển khai trải nghiệm số hóa cho khách hàng và người sử dụng cuối để tăng sự hài lòng, chăm sóc khách hàng theo hướng “cá nhân hóa”, tự động, lắng nghê, thấu hiểu khách hàng thông qua việc xử lý thông tin.

Trong công tác sửa chữa, bảo dưỡng, khai thác hiệu quả thiết bị, tập đoàn cũng áp dụng triển khai sửa chữa theo các phương pháp tiên tiến nhất, đặc biệt thử nghiệm áp dụng thành công AI trong phân tích hình a nrh, nhận diện 20 đối tượng thiết bị trên đường dây phục vụ công tác giám sát vận hành, phát hiện tình trạng bất thường của các đường dây truyền tải.

EVN cũng xây dựng hệ sinh thái EVNCONNECT, kết nối với các nền tảng gồm Cổng dịch vụ công Quốc gia, hệ thống hóa đơn điện tử của Tổng cục Thuế, Cơ sở dữ liệu dân cư Quốc gia, nền tảng số của nhiều tỉnh thành; kết nối ngân hàng, ví điện tử, Mobile Money…

Theo ông Võ Quang Lâm – Phó Tổng giám đốc EVN, những kết quả mà tập đoàn đạt được không chỉ góp phần vào công cuộc xây dựng nền tảng kinh tế số, xã hội số của Đất nước mà con thúc đẩy, thay đổi mạnh mẽ trong quản trị và sản xuất kinh doanh, nâng cao năng suất trong toàn tập đoàn, tạo nên sức bật lớn trên hành trình phát triển của doanh nghiệp.

Thách thức và cơ hội chuyển mình cho doanh nghiệp nhờ CĐS

Theo một khảo sát của Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA), dù có khoảng 72% doanh nghiệp SME đang tìm cách chuyển đổi số để đưa sản phẩm, dịch vụ mới ra thị trường, nhưng hầu hết họ không biết bắt đầu từ đâu và 92% doanh nghiệp không biết chuyển đổi số như thế nào.

Bên cạnh đó, theo Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, việc CĐS trong các DN hiện nay vẫn đang còn tồn tại một số khó khăn, trở ngại lớn như: Chi phí đầu vào cho CĐS còn cao, hạ tầng CNTT hiện tại kém phát triển, giải pháp về rủi ro an ninh mạng khó tiếp cận, nguồn nhân lực CĐS hạn chế; tổ chức quản lý, quy trình nghiệp vụ, chuỗi cung ứng cần chuẩn hóa; việc thiếu tiếp cận, kiến thức/thông tin về công nghệ số…

Để từng bước tháo gỡ khó khăn, tận dụng và nắm bắt cơ hội, theo ông Bùi Trung Nghĩa, Phó Chủ tịch VCCI thì để thành công, doanh nghiệp cần được cung cấp đầy đủ thông tin để hiểu đúng và lựa chọn cho mình chiến lược và lộ trình chuyển đổi số hiệu quả.

Về định hướng, cần phải khẳng định, chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp là quan trọng nhất. Chuyển đổi số phải được thực hiện dựa trên năng lực và thực trạng của doanh nghiệp và phải hướng tới mục tiêu cuối cùng là nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất thực hiện chuyển đổi số thành công, Chính phủ cũng có những chủ trương, chính sách thúc đẩy CĐS. Trước đó, ngày 3/6/2020, Thủ tướng phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, đặt ra những mục tiêu lớn trong chuyển đổi số quốc gia với tầm nhìn đến năm 2030 Việt Nam trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới.

Ngày 22/4/2022, Thủ tướng cũng ký Quyết định số 505/QĐ-TTg, lấy ngày 10/10 hàng năm là ''Ngày Chuyển đổi số quốc gia'', góp phần thúc đẩy nhanh hơn, mạnh mẽ hơn tiến độ triển khai các nhiệm vụ về chuyển đổi số quốc gia, thực hiện có hiệu quả Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Cũng trong tháng 10/2023, Bộ Thông tin và Truyền thông triển khai chương trình "Tháng 10 - Tháng tiêu dùng số", hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia. Chương trình hướng tới lợi ích của người dân, hỗ trợ thiết thực cho các doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi số.

Bảo Anh
Bình luận
vtcnews.vn