Cơ hội kiếm lương nghìn USD cho sinh viên tốt nghiệp ngành làm đẹp

Diễn đànThứ Tư, 25/10/2023 19:36:00 +07:00
(VTC News) -

Sau 4 năm được đào tạo bài bản, sinh viên tốt nghiệp ngành làm đẹp có thể nhận mức lương trên 20 triệu đồng và có thể kiếm được việc làm ở nhiều nước trên thế giới.

Đó là những chia sẻ của TS Lesie Đỗ (Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội) khi nói về cơ hội cho sinh viên sau khi tốt nghiệp ngành làm đẹp. Đây cũng là xu hướng nghề nghiệp khá mới mẻ cho các bạn trẻ hiện nay.

Tìm kiếm việc làm trong và ngoài nước

Theo Euromonitor International, ngành công nghiệp chăm sóc cá nhân và làm đẹp toàn cầu sẽ hồi phục mạnh mẽ sau thời kỳ COVID-19 với mức tăng trưởng 3%. Trong đó, chăm sóc da là ngành tiên phong tăng trưởng cao trong tương lai với doanh thu toàn cầu đạt 181 tỷ USD vào năm 2025.

Đồng thời, báo cáo “Thị trường chăm sóc cá nhân và sắc đẹp toàn cầu phân loại theo loại sản phẩm, theo kênh phân phối, theo khu vực. Sự cạnh tranh, dự báo và cơ hội, 2026” của Reportlinker.com, cũng cho thấy ngành chăm sóc cá nhân và làm đẹp toàn cầu đạt trị giá 422,72 tỷ USD vào năm 2020 và dự kiến ​​đạt 558,12 tỷ USD trong giai đoạn dự báo. 

Trước đây, nhu cầu làm đẹp dường như chỉ dành cho một bộ phận những người có điều kiện kinh tế khá giả hoặc tập trung chủ yếu vào phụ nữ. Tuy nhiên, ngày nay, quan điểm này đã thay đổi. Làm đẹp đang có xu hướng trở thành nhu cầu thiết thực hàng ngày đổi với nhiều người hơn kể cả nam và nữ giới.

Minh chứng cho điều đó là ngày càng nhiều trung tâm chăm sóc sắc đẹp mọc lên khắp nơi. Từ thành thị đến nông thôn, từ những phố xá sầm uất cho tới những con ngõ nhỏ không khó để chúng ta có thể tìm kiếm tiệm làm tóc, làm móng, chăm sóc da, trang điểm… 

TS Lesie Đỗ (Đỗ Hiếu Leslie Hân), chuyên gia trong lĩnh vưc làm đẹp, tốt nghiệp chương trình Master tại Đại học Mesterbrev (Na Uy), hiện là giảng viên Trường Cao đẳng nghề Công  nghệ cao Hà Nội, cũng cho biết: “Nếu chúng tôi đào tạo được một năm 100 sinh viên tốt nghiệp, thì thực tế nhu cầu thị trường cần tới 150-200 nhân sự”.

Làm đẹp hiện đang là ngành học thu hút với nhiều bạn trẻ.

Làm đẹp hiện đang là ngành học thu hút với nhiều bạn trẻ. 

Vị chuyên gia này cũng khẳng định: “Sau 4 năm được đào tạo bài bản, chắc chắn mức lương khởi điểm của các bạn khi tốt nghiệp sẽ ở ngưỡng 20 triệu đồng và còn có cơ hội phát triển hơn thế nữa trong tương lai. Chưa kể, ngay trong quá trình học tập, các bạn đã có thể ‘vừa học vừa hành’ giúp kiếm thêm thu nhập và tăng kinh nghiệm thực tế cho bản thân”.

Là người từng có hàng chục năm làm việc tại nhiều nước trên thế giới, TS Leslie Đỗ chia sẻ không chỉ ở Việt Nam, cơ hội việc làm của sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành làm đẹp còn rất rộng mở ở các nước trên thế giới.

“Đặc thù của người Việt Nam là vóc dáng nhỏ nhắn, đôi bàn tay khéo léo và chịu được công việc chân tay kéo dài nhiều giờ. Do đó, chúng ta rất phù hợp để làm việc trong ngành chăm sóc sắc đẹp như trang điểm, chăm sóc da, làm tóc, mi, móng.

Các nước khác cũng rất ưa chuộng nhân lực của nước ta khi tuyển người làm trong lĩnh vực này”, ông Leslie Đỗ nói.

Nhân lực ngành làm đẹp ‘vừa thiếu vừa thừa’

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, ngành làm đẹp cũng như nhân sự trong ngành này dường như ít được coi trọng ở Việt Nam. Họ thường được gắn với danh xứng là thợ: Thợ cắt tóc, thợ trang điểm, thợ làm móng. Nhiều người còn có quan niệm “không biết làm gì thì đi làm cắt tóc, gội đầu”.

Nhận định về vấn đề này, TS Leslie Đỗ cho biết: “Yếu tố quan trọng dẫn đến thực tế đáng buồn này đó là phần lớn nhân viên đang làm việc trong lĩnh vực này đều không được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp, không được cấp bằng như các ngành nghề khác.

Họ chỉ trải qua các khóa đào tạo theo hình thức ‘cầm tay chỉ việc’, trong thời gian rất ngắn từ 3 đến 6 tháng nhận về một giấy chứng nhận không có giá trị khi bạn muốn xuất khẩu lao động”.

Do đặc thù, tính chất công việc nên ngành làm đẹp cần được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp.

Do đặc thù, tính chất công việc nên ngành làm đẹp cần được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp. 

Lý giải nguyên nhân những khóa đào tạo này vẫn thu hút nhiều học viện, chuyên gia này đánh giá: “Sự nóng vội, muốn kiếm tiền ngay của những bạn trẻ khiến họ rơi vào “bẫy”.

Họ vừa bị bóc lột sức lao động trong quá trình học vừa không được dạy các kiến thức chuyên ngành cơ bản nhưng rất quan trọng để có thể sống lâu dài bằng nghề, thậm chí phát triển mạnh trong nghề, nên rất dễ bị đào thải khi tuổi cao”.

Vị chuyên gia này dẫn ra ví dụ: “Ở nước ta, hầu hết khách gội đầu đều được gãi tóc, thậm chí gãi rất mạnh như “lấy được”. Tuy nhiên, hành động này là sai lầm rất cơ bản vì gãi tóc nhiều sẽ khiến da đầu bị xước xát, hư tổn, mất dưỡng chất trên tóc và da đầu.

Thậm chí, nhiều cơ sở còn sử dụng hóa chất trực tiếp lên da đầu. Đó là nguyên nhân rất dễ khiến nhiều khách hàng đi salon liên tục mà vẫn rụng, khô, hư tổn. Để đưa ra cho khách hàng lời khuyên phù hợp, nhân viên phải được đào tạo và hiểu được cấu trúc da đầu”.

Ngoài ra, TS Leslie nhận thấy tại nhiều cơ sở làm đẹp ở Việt Nam, khách hàng thường không nắm rõ thông tin về loại hóa chất mình sử dụng.

Nhân viên dường như chỉ phân biệt được hóa chất là của nước ngoài hay trong nước nhưng không rõ thành phần, tác dụng phụ, đối tượng chống chỉ định sử dụng.

“Nếu đó là phụ nữ có bầu, khách hàng bị dị ứng với hoá chất thì chuyện gì sẽ xảy ra?

Bên cạnh đó, việc dùng hóa chất không rõ nguồn gốc còn khiến cả nhân viên và khách hàng có nguy cơ tiếp xúc với chất độc mà không hay biết. Liệu người đang hành nghề làm đẹp có được dạy những kiến thức rất cơ bản này?”, ông băn khoăn.

Vì vậy, theo vị chuyên gia này, để có thể làm việc trong ngành chăm sóc sắc đẹp (bao gồm các môn chủ đạo là trang điểm, làm tóc, mi, móng, da, spa), sinh viên cần được đào tạo trong 4 năm.

Họ cần được đào tạo bài bản, chuyên sâu và đầy đủ trước khi có thể hành nghề. Đồng thời, họ hoàn toàn có thể được cấp bằng từ trung cấp, cao đẳng, đại học, trên đại học như các ngành nghề khác.

Ông cũng nhấn mạnh ngoài đào tạo về chuyên môn, trong quá trình thực hành, các sinh viên còn cần được trang bị những “kỹ năng mềm” như khả năng giao tiếp, chăm sóc, am hiểu tâm lý khách hàng…

Đây là những điểm cộng quan trọng giúp họ giữ chân khách hàng và tăng giá trị của bản thân khi hành nghề.

“Tôi tin rằng với một lực lượng nhân sự được đào tạo chuyên nghiệp, có bằng cấp được quốc tế công nhận, chắc chắn ngành chăm sóc sắc đẹp tại Việt Nam sẽ còn phát triển mạnh mẽ hơn nữa. Cơ hội việc làm và thu nhập là hai yếu tố giúp ngành nghề này sẽ được coi trọng trong tương lai”, TS Leslie nhận định.

Minh Anh
Bình luận
vtcnews.vn