Có 200 triệu đồng nên cho vay lấy lãi hay gửi ngân hàng?

Tài chínhThứ Năm, 21/12/2023 06:47:00 +07:00
(VTC News) -

Nhiều người hiện vẫn có xu hướng lựa chọn gửi tiền ngân hàng thay vì cho vay lấy lãi vì đảm bảo an toàn tốt hơn.

Trên thực tế, nếu cho vay tiền và lấy lãi thì đây là một món nợ, trong nhiều tình huống sẽ khó đòi, đồng thời cũng dễ gây sứt mẻ tình cảm giữa người vay và người cho vay, khi cho vay mà không đòi được.

Anh Trần Đức Minh (Hà Cầu, Hà Đông) cho biết, có tiền và cho vay lấy lãi là việc làm thất sách. “Có nhiều trường hợp con nợ không có tiền trả nên xù nợ, mọi thiệt hại đổ vào người cho vay. Vì vậy, nếu có 200 triệu đồng thì tốt nhất là gửi ngân hàng hoặc đầu tư cái gì đấy thiết thực, vừa an toàn lại vừa không lo khó xử”, anh Minh nói.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Anh Trần Vũ Phương (Phương Liệt, Thanh Xuân) cũng kể, anh tiết kiệm được một khoản tiền khoảng hơn 200 triệu đồng. Ban đầu anh gửi tiết kiệm ngân hàng, 6 tháng đầu gửi từng tháng và cho lãi suất thấp. Sau đó anh gửi hẳn 24 tháng để có lãi suất cao hơn.

Trong khi đó, một người bạn của anh Phương cũng có số tiền gần 200 triệu đồng và đã cho người quen vay với lãi suất cao gấp 2 lần gửi ngân hàng. Ngay khi cho vay tiền, người cho vay đã được trả lãi 3 tháng và 3 tháng tiếp theo, người vay trả lãi rất sòng phẳng. Thế nhưng từ tháng thứ 7 trở đi, với lý do làm ăn khó khăn, người vay không trả, thậm chí là tránh mặt, không nghe điện thoại.

“Bạn bè mà dính đến tiền bạc thật sự rất phiền phức, có khi mất luôn cả tiền lẫn bạn. Do vậy, theo tôi, có tiền tốt nhất là gửi ngân hàng dù lãi suất thấp nhưng an toàn”, anh Phương chia sẻ.

Về nội dung này, Luật sư Lê Văn Thiệp, Trưởng văn phòng Luật sư Toàn Cầu tư vấn, theo điều 468 bộ luật Dân sự thì lãi suất vay do các bên thỏa thuận nhưng không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay.

Như vậy, với số tiền cho vay 200 triệu đồng, thì tiền lãi tối đa là 40 triệu đồng/năm, tương đương 3,33 triệu/tháng. Nếu lấy lãi vượt quá lãi suất theo quy định thì số tiền vượt quá này sẽ không có hiệu lực.

Cũng theo luật sư Thiệp, hiện nay chỉ có quy định xử phạt hành chính từ 10 - 20 triệu đồng đối với hành vi: "Không đăng ký ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự mà cho vay tiền có cầm cố tài sản hoặc không cầm cố tài sản với lãi suất cho vay vượt quá tỷ lệ lãi suất theo quy định của bộ luật Dân sự" (điều 12 Nghị định 144/2021/NĐ-CP).

Còn nếu cho vay với lãi suất vượt quá 100%/năm, thu lợi bất chính từ 30 triệu đồng trở lên, hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi cho vay lãi nặng, hoặc đã bị kết án về tội cho vay lãi nặng, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì có thể bị xử lý hình sự về tội cho vay lãi nặng.

Cùng với đó là rủi ro về mặt dân sự khi cho vay mà không được trả khiến người cho vay bức bối, bực dọc. Do vậy, phương án tốt nhất là nếu có 200 triệu thì nên gửi ngân hàng chứ không nên cho vay lấy lãi.

PHẠM DUY
Bình luận
vtcnews.vn