Clip nữ sinh đánh bạn: Đừng nói rằng cả xã hội bó tay!

Bạn đọc viếtThứ Tư, 24/03/2010 10:18:00 +07:00

(VTC News) Chúng ta có thể làm gì hơn thay vì ngồi chờ xuất hiện những clip mới để phê phán, lên án và xử lý những trường hợp riêng lẻ?

(VTC News) Sau khi những clip nữ sinh đánh nhau, vô số phản hồi của độc giả đã gửi về, bày tỏ bức xúc, cũng như tìm cách lý giải cho hiện tượng xuống cấp về đạo đức trong một bộ phận giới trẻ hiện nay. Trong đó, có một bức thư khá tâm huyết của độc giả Đức Tuấn gửi về, với nỗi trăn trở: Chẳng lẽ chúng ta đều bó tay cả rồi sao???

Đến bây giờ, khi những clip nữ sinh đánh nhau liên tục xuất hiện, cái sau tàn bạo hơn cái trước, thì có lẽ không còn gì để “kinh hoàng”, “bàng hoàng”, không còn gì để người ta không ngờ đến được nữa. Giờ đây, tất cả cũng đã quá mệt mỏi với việc theo dõi, chờ đợi thông tin, đã chán ngán với việc tìm kiếm những em Quỳnh Anh, những trường Trần Nhân Tông, những vườn hoa Pasteur cụ thể. Thay vào đó, giờ đây, là những nỗi lo có thật, nỗi lo hiện hữu, không chỉ của từng người cha, người mẹ về môi trường nơi gửi gắm con em mình, mà là nỗi sợ hãi của bất kỳ ai có chút lương tâm, nỗi sợ hãi thường trực đã trở thành bức xúc, đặt ra trước mắt chúng ta một dấu hỏi cay đắng: chẳng lẽ cả xã hội này bó tay thật rồi sao?!

 

Chúng ta làm gì, ở đâu, khi tất cả những chuyện đó xảy ra, hết lần này đến lần khác?

 

Những cô cậu học sinh trong clip, các em dẫu chưa đủ lớn để chịu trách nhiệm như một người trưởng thành đối với hành vi của mình, thì chí ít, đã quá thừa lớn để ý thức được điều đó. Thế nhưng, cái gì diễn ra trong đầu óc các em, khi thản nhiên hành xử theo lối xã hội đen, thản nhiên nhìn bạn bị đánh, thản nhiên quay clip và phát tán lên mạng như một thú vui bệnh hoạn? Phải chăng đồng thời với việc oán trách người lớn không hiểu mình, các em cũng tự cho phép mình đi ngược những chuẩn mực xã hội thông thường, như một lối phản ứng tiêu cực? Hay là, các em đang lấy đó làm cái cớ để biện minh cho một lối sống khó chấp nhận, một lối sống sẵn sàng vứt bỏ tất cả để thỏa mãn cái tôi của mình, “cái tôi” ích kỷ, “cái tôi” thích chơi trội, “cái tôi” không cần nghĩ đến hậu quả, không cần đặt mình vào vị trí của người khác – không phải để nghĩ cho họ, mà chỉ để hiểu mình đang làm gì, có giống với hành động của một con người có lương tâm hay không?

 

Các thầy cô giáo ở đâu, khi học trò của mình đánh nhau một cách nhẫn tâm như những kẻ côn đồ có hạng? Thầy cô đã dạy những gì để các em coi lao vào túm tóc nhau là cách giải quyết vấn đề? Thầy cô đã dạy gì để những học sinh cùng lớp nhìn các bạn mình giẫm đạp lên nhau một cách thản nhiên như không phải chuyện của mình? Thầy cô đã ở đâu khi đám học trò đó lâm vào khủng hoảng giá trị, không còn phân biệt nổi cái đúng và cái sai, cái tốt và cái xấu, khi những đứa trẻ cần có người giúp chúng chọn lựa giữa một thế giới quá rộng, quá tràn ngập thông tin, choáng ngợp trước những điều chưa được ai kiếm định?

 

Các bậc phụ huynh ở đâu, khi con cái mình trốn học, tụ tập đánh nhau, khi những đoạn clip có hình ảnh con mình lan tràn trên mạng, và chỉ miễn cưỡng lộ diện khi công an tìm đến tận nhà? Các phụ huynh ấy đã dạy con họ những gì, để chúng coi những xích mích nhỏ giữa bạn bè thành những xúc phạm khủng khiếp đến mức phải đáp lại bằng những trận đòn thù? Giá sử những vụ việc này không được báo chí phanh phui, thì phải chăng các bậc phụ huynh vẫn cứ vô tư với những gì đang xảy ra, vì đơn giản là nó không diễn ra ngay trước mắt mình? Và ngay cả khi đã không còn tránh né được mà phải vào cuộc, thì ai đó trong những bậc phụ huynh kia hãy thử nói xem mình làm được những gì? Có bao giờ mỗi người tự nghĩ rằng, con cái là tấm gương phản ảnh về cha mẹ chúng?

 

Nhưng trách ai đây? Trách các thầy cô, trách cha mẹ các em, trách bản thân các em? Ai lỗi nặng hơn, ai có trách nhiệm lớn hơn? Một cuộc tranh cãi không có điểm dừng, để nói rằng cái tốt nhiều hơn hay cái xấu nhiều hơn, rằng 8x có tốt hơn 9x… Trách cơ chế, trách nền giáo dục ư? Quá ảo. Cơ chế là ai? Nền giáo dục là ai? Ai chịu trách nhiệm về tất cả những điều đang xảy ra, những điều không một nhà giáo dục nào mong muốn, không một nền giáo dục nào dạy người ta? Sai lầm bắt đầu từ điểm cụ thể nào, từ bài giảng cụ thế nào, từ quy định cụ thể nào? Làm thế nào nếu một ý kiến “học sinh mất gốc” đưa ra, thì hàng chục ý kiến sẽ phản biện lại rằng những chuyện đánh nhau chẳng phải điều gì mới mẻ, thậm chí những chuyện giết người đổ máu cũng không chờ đến thế kỷ 21 này mới có, và phải thừa nhận rằng những chuyện này không xảy ra ở những trường có kỷ luật nghiêm khắc, chất lượng đào tạo cao, cũng có nghĩa rằng chất lượng giáo dục vẫn đang tỉ lệ thuận với đạo đức học đường?

 

Bài toán thực sự khó, khi nghiệm của nó là phức hợp của quá nhiều con tính. Tất cả đều chỉ biết kêu lên: Khủng khiếp quá! Thay đổi, phải thay đổi đi thôi! Nhưng ai sẽ nói được rằng làm thế này hay thế khác sẽ thay đổi được hiện thực? Kỷ luật em này, đuổi học em kia, đó phải chăng là cách, như một số người nói, để răn đe và phòng ngừa? Hay đó chỉ là cách giải quyết đằng đuôi, nếu không nói là phản tác dụng nếu gặp phải những học sinh ngang bướng, càn quấy, không sợ bị đuổi học? Phải dạy các em “tiên học lễ, hậu học văn” ư? Vậy phải xem “học lễ” đó như thế nào, hay chỉ là những miếng ghép vá víu từ những nền giáo dục tạm cho là hiệu quả, nhưng lại chắp từ những mảnh không phù hợp, những điều mà chỉ rất, rất lâu sau người ta mới thấy hết hậu quả, khi đã làm hỏng một hay một vài thế hệ, như đã từng xảy ra trong quá khứ?

 

Mà một bài toán phức thì không bao giờ giải được, nếu như các phần của nó vẫn cứ chờ nhau…

 

Nguyễn Đức Tuấn (Hà Nội).

 

Bình luận
vtcnews.vn