CLB Nam Định thảm bại trên khán đài, đánh mất 'thương hiệu' cả nước từng ngưỡng mộ

Bóng đá Việt NamThứ Năm, 10/08/2023 07:56:00 +07:00
(VTC News) -

Khi cổ động viên công khai quay lưng với đội bóng, CLB Nam Định mất đi tài sản lớn nhất và cũng chính là thứ làm nên thương hiệu mà cả V-League từng ngưỡng mộ.

"Tôi phải vay mượn cảm xúc để cổ vũ cho câu lạc bộ Nam Định", ông Nguyễn Văn Quân - một cổ động viên trung thành và nổi tiếng của bóng đá Nam Định nói đầy chua chát trên mạng xã hội. Đội bóng thành Nam nay khác xưa, tiềm lực tài chính mạnh hơn, nhiều ngôi sao hơn, nhưng các CĐV của họ lại không còn cảm nhận được sự gắn bó với CLB.

Tài sản lớn nhất của bóng đá Nam Định

Cảm xúc chính là loại mực mà bóng đá Nam Định đã dùng để viết nên một chương riêng cho mình kể từ ngày trở lại V-League vào năm 2018. CLB Nam Định bao năm qua luôn nằm trong nhóm những đội bóng "nhà nghèo", căng mình để trụ lại với giải đấu hạng cao nhất của bóng đá Việt Nam. Nhưng đội bóng thành Nam có một thứ để luôn vỗ ngực tự hào rằng chẳng có nhà vô địch nào sánh bằng - đó là những khán đài rực sắc vàng với lá cờ "Hào khí Đông A" cả ở sân nhà lẫn sân khách.

Cổ động viên chính là "chất" đặc biệt của CLB Nam Định.

Cổ động viên chính là "chất" đặc biệt của CLB Nam Định.

Có lẽ không cổ động viên nào quên được pha nước rút thần tốc từ phần sân nhà của Đinh Viết Tú trong trận đấu với Viettel. Bàn thắng của hậu vệ này đưa Nam Định trở lại V-League sau nhiều năm chìm sâu ở các hạng đấu thấp. Người Nam Định như mở hội ngày ấy, họ cuối cùng cũng được sống lại không khí bóng đá đỉnh cao từ cái thời mà sân bóng còn mang tên Chùa Cuối.

Ở V-League 2018, CLB Nam Định đứng áp chót và chỉ có suất đá play-off sau rất nhiều nỗ lực ở các vòng đấu cuối cùng. Chuyện huấn luyện viên Nguyễn Văn Sỹ "cắm" cả sổ đỏ nhà mình để lo cho cầu thủ cả tỉnh Nam Định biết. Từng có lúc các cổ động viên Nam Định cũng phải góp tiền vào để tặng cho cầu thủ - vì đội bóng chẳng dư dả để thưởng đậm. Thứ mà đội bóng nhận từ tay người hâm mộ không chỉ là đồng tiền mà còn lớn hơn thế - tấm chân tình.

CLB Nam Định 1-2 CLB Công an Hà Nội

Sân Thiên Trường lúc nào cũng chật kín khán giả, bất kể đội nhà trong hoàn cảnh nào. Cổ động viên Nam Định nói đùa rằng chỉ có "hâm" thì mới "mộ" một đội bóng đá thua liên tục, lối chơi cũng chẳng có gì rõ ràng, hấp dẫn. CLB Nam Định - trước năm 2023 - chẳng có ngôi sao nào ngoài Đinh Viết Tú và Lê Sỹ Minh - cầu thủ hiếm hoi được các đội bóng khác... quan tâm.

Thứ khiến cho các cổ động viên Nam Định "hâm" để mà "mộ" chính là sắc màu quê hương. Nói theo kiểu truyền thông bóng đá phương Tây, không khí bóng đá ở Thiên Trường được ví như "tín ngưỡng". Họ đến sân để được hô vang 2 tiếng quê hương. CLB Nam Định nghèo nhưng tự hào chơi "chất", chơi "sạch". 

Có lúc, CLB Nam Định gặp nhiều thử thách vô hình như sai lầm tệ hại của các trọng tài ở giai đoạn trụ hạng V-League 2020. Mọi thứ đều chống lại đội bóng thành Nam, chỉ có người hâm mộ giữ lửa chiến đấu cho họ. Gian khổ trở thành sợi dây kết nối bền chặt nhất nối cổ động viên Nam Định với đội bóng. Đó chính là sức mạnh giúp họ vượt khó thành công. Sân Thiên Trường được thừa nhận là chảo lửa cuồng nhiệt nhất V-League. 

Đội bóng ấy dù thua nhưng vẫn được ghi nhận là chiến đấu hết mình, đá vì quê hương và người hâm mộ. CLB Nam Định những ngày ấy hiểu rằng họ chẳng có gì ngoài tài sản quý giá nhất là các khán đài rực lửa.

Có tiền, ngôi sao nhưng thảm bại trên khán đài

Từng có nhận định rằng: "Nếu Nam Định xuống hạng thì đó là thất bại của V-League". Giải đấu mất đi cổ động viên Nam Định là tổn thất. Giờ đây, CLB Nam Định không còn phải lo rớt hạng, nhưng thất bại trên khán đài là điều hiển hiện.

Tối 9/8, cộng đồng theo dõi V-League rúng động khi Hội cổ động viên bóng đá Nam Định tuyên bố giải thể. Phải nói là rúng động, vì họ là một trong những biểu tượng lớn nhất của tình yêu bóng đá ở Việt Nam trong những năm gần đây.

Trận thua CLB Công an Hà Nội lấy đi nhiều điều của CLB Nam Định.

Trận thua CLB Công an Hà Nội lấy đi nhiều điều của CLB Nam Định.

CLB Nam Định thua 3 trận liên tiếp và đã 5 trận liền không thắng trên sân nhà. Chuyện đó chẳng là gì nếu so với thời đội bóng phải căng mình đua trụ hạng. Điều đáng nói ở đây là cách đá mà kể cả có thắng cũng khó làm xuôi đi những cái cau mày của khán giả. Khán đài sân Thiên Trường lác đác vang lên tiếng... la mắng dành cho lãnh đạo CLB, HLV Vũ Hồng Việt.

Thất bại của thầy trò HLV Vũ Hồng Việt trước CLB Công an Hà Nội là giọt nước tràn li. Công văn yêu cầu chấn chỉnh tinh thần thi đấu của VPF không thể có sức nặng bằng hành động ném trống, trả áo và cơn bức xúc của những người hâm mộ đội mưa đến sân cổ vũ theo lịch trình quen thuộc bao nhiêu năm qua.

"Vay mượn cảm xúc" là thứ chua chát nhất mà người hâm mộ Nam Định có thể nói ra được. CLB Nam Định giờ đây có tiền, có ngôi sao, có suất ở nhóm đua vô địch, nhưng họ đánh mất tài sản lớn nhất - thứ làm nên thương hiệu của bóng đá thành Nam ở sân chơi V-League.

Chiếc trống đồng hành với CLB Nam Định trong mọi trận đấu sân nhà, sân khách bị CĐV ném xuống sân.

Chiếc trống đồng hành với CLB Nam Định trong mọi trận đấu sân nhà, sân khách bị CĐV ném xuống sân.

Khoản "nợ cảm xúc" ấy, ai là người trả? Cần phải nhìn nhận rằng, thông báo của các thành viên ban chấp hành Hội cổ động viên Nam Định không có giá trị về tính pháp lý. Tuy nhiên, những con chữ đánh máy đó có sức nặng về cái tình của những người yêu bóng đá đích thực. Bất kì đội bóng nào - nếu đá vì người hâm mộ - đều không được phép dửng dưng trước động thái như vậy.

Tất nhiên, khó có chuyện khán đài sân Thiên Trường trống vắng. Người hâm mộ dễ nổi giận và cũng dễ thứ tha. Mùa sau, CLB Nam Định chơi thật hay, thật đẹp, vẫn có khán giả. Nhưng, mỗi đội bóng đều cần một phần cốt lõi, ngọn lửa cần được truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác. Bóng đá Nam Định có truyền thống hàng chục năm và nhiều người đồng hành cùng đội bóng thành Nam nhiều năm qua đã chọn cách từ bỏ.

CĐV Nam Định mang áo đến trụ sở CLB để trả lại.

CĐV Nam Định mang áo đến trụ sở CLB để trả lại.

CLB Nam Định và nhà tài trợ có lẽ chẳng khó khăn gì để xây dựng lại một hội cổ động viên mới. Lấp đầy Thiên Trường khó khăn hơn chút, nhưng không phải không thể. Liệu trong cơn khủng hoảng vừa qua, có cuộc đối thoại nào giữa những người có trách nhiệm với đại diện hội cổ động viên hay không? Câu hỏi này chưa có đáp án.

Đội bóng có tiền, có ngôi sao mà mất đi cổ động viên hâm mộ thì vẫn là thất bại, thậm chí là thảm bại ê chề nhất trong muôn kiểu làm bóng đá. 

Ví tình yêu của CĐV Nam Định đẹp, trong sáng và cao quý như pha lê, thì trên khối pha lê ấy đã có một vết nứt lớn và khó lòng xoá đi được. Nếu CLB Nam Định trân quý tài sản lớn nhất là người hâm mộ thì đây là vết sẹo không thể không đau.

Duy Anh
Bình luận
vtcnews.vn