Chuyện trộm cắp ở 'khu rừng ngàn tỷ' trên núi Ngọc Linh

Khám pháThứ Sáu, 16/10/2015 06:29:00 +07:00

Chỉ trong một đêm, vườn sâm Ngọc Linh trị giá tiền tỷ của ông Hồ Văn Phong bị nhổ trộm sạch sẽ.

(VTC News) - Chỉ trong một đêm, vườn sâm Ngọc Linh trị giá tiền tỷ của ông Hồ Văn Phong bị nhổ trộm sạch sẽ.


Kỳ 3: Trộm cắp ở 'khu rừng ngàn tỷ'
 

Cuốc bộ nửa ngày, thì chúng tôi đến được thôn 3 (Trà Linh, Nam Trà My, Quảng Nam), gồm vài nóc nhà loe hoe trên lưng núi. Phía trái của làng, là những ngôi nhà nhỏ như chuồng chim, xây cất như nhà sàn, xếp đều tăm tắp ở khoảnh đất rộng, thoáng, trông xuống thung lũng.

Phó bí thư Đảng ủy xã Trà Linh Hồ Văn Bút bảo đó là khu vực để lương thực, gồm thóc, lúa, ngô của đồng bào Xê Đăng. Điều lạ là đồng bào không để thóc lúa ở trong nhà, mà để ở một cái chòi nhỏ ngoài bìa rừng.

Ở vùng núi cao, rừng thẳm này, Nhà nước vẫn phải cứu đói vì thiếu thóc gạo, thế nhưng, xưa nay, nơi đây chưa từng xảy ra trộm cắp lương thực bao giờ.

Mỗi lần vào làng của người Xê Đăng, phải đi qua 3 lần cổng. Những cái cổng vào xóm 4, tức làng Tắc Xanh quả thực khiến nhiều người yếu vía phải dựng tóc gáy.

 
 
Để vào làng Tắc Xanh phải qua 3 lần cổng
Để vào làng Tắc Xanh phải qua 3 lần cổng 

Lớp cổng thứ nhất phải đi qua cái cầu tre ọp ẹp, lớp cổng thứ 2 đi qua cây gỗ, và lớp cổng cuối cùng phải qua mặt những hình nộm bằng gỗ tay cầm kiếm nhìn phát khiếp.

Điều đặc biệt nữa, là các ngôi nhà trong xóm cứ nối với nhau thành một "dây". Tức là, để vào làng, phải đi qua cổng, đi qua trước nhà đầu làng, rồi lại đi qua cổng và nhà tiếp theo, cứ thế cho đến hết. Nhà nào ở cuối xóm, thì phải đi qua lần lượt từng nhà trong xóm. Theo anh Bút, điều này để thể hiện tính đoàn kết bản làng. Ngoài ra, người lạ vào làng, thì ngay lập tức cả làng biết.

Nhưng, việc đi qua các ngôi làng Xê Đăng kiểu này quả thực… vất vả. Cứ qua nhà nào, lại phải chào hỏi nhau bằng… bát rượu. Đồng bào Xê Đăng uống rượu bằng bát. Nhà nào cũng có vài bình rượu cần ở giữa nhà. Khách cứ hút một hơi phải hết một bát. Chủ nhà "đo bụng" khách bằng cách đổ thêm bát nước vào chum rượu mà không tràn ra ngoài.

Chủ uống 1 bát rượu, thì khách phải uống 3 bát, cứ thế nhân lên. Rượu cần nhạt, nên uống no bụng không say, mà đã say thì suốt 3 ngày cứ biêng biêng khó tả. Giờ, rượu sâm có sẵn trong nhà, nên ngoài rượu cần, thì khách thoải mái uống rượu sâm củ, rượu lá sâm.

Cổng cuối cùng có những hình nhân bằng gỗ gác hai bên
Cổng cuối cùng có những hình nhân bằng gỗ gác hai bên 

Ngồi uống rượu lá sâm ngâm với chân sơn dương hoang dã săn được trên núi Ngọc Linh, ông Hồ Vă Điết, kể cho chúng tôi nhiều chuyện thú vị về sâm Ngọc Linh. Ông Điết sinh năm 1944, nguyên là Chủ tịch UBND xã Trà Linh khóa đầu tiên, từ năm 1976.

Tôi từng viết bài về hành trình tìm ra sâm Ngọc Linh của dược sĩ Đào Kim Long. Ông Long kể rằng, ông chính là người phát hiện ra sâm Ngọc Linh vào ngày 19/3/1973, và ông đã hướng dẫn đồng bào Xê Đăng cách dùng sâm để bồi bổ sức khỏe, chữa bệnh. Hồi tìm ra sâm, ông bảo đồng bào phải giấu cây thuốc này đi, kẻo khoe ra sẽ bị giết, bởi nó quá quý. Từ đó, đồng bào gọi sâm là cây thuốc giấu.

Có ý kiến cho rằng, đồng bào Xê Đăng ở quanh núi Ngọc Linh đã biết đến cây thuốc này từ lâu, và gọi nó là cây thuốc giấu. Ông Đào Kim Long được đồng bào chỉ cho, nên mới biết.

Những ngày lang thang ở núi Ngọc Linh, gặp những người già, thì họ đều bảo rằng, trước kia không ai biết đến cây sâm Ngọc Linh và nó mọc đầy rừng cũng không biết dùng. Ông Hồ Văn Điết còn khẳng định rằng: "Đảng và cách mạng vào đây đã chỉ cho người dân cây thuốc giấu (sâm Ngọc Linh) và hướng dẫn người Xê Đăng dùng cây thuốc này".

Ông Hồ Văn Điết khẳng định người Xê Đăng chỉ biết đến cây sâm từ năm 1973
Ông Hồ Văn Điết khẳng định người Xê Đăng chỉ biết đến cây sâm từ năm 1973 

Ông Hồ Văn Phong, Nguyên Bí thư Đảng ủy xã Trà Linh, hiện đang sống ở làng Tắc Xanh, cũng khẳng định rằng, năm 1973 người Xê Đăng mới biết dùng sâm Ngọc Linh và người tìm ra nó, chỉ cho đồng bào chính là ông Đào Kim Long.

Hôm tôi gặp, ông Hồ Văn Phong vừa vừa mới nghỉ hưu được hơn tháng. Ông Phong đã trả lời thắc mắc của tôi, rằng vì sao nhà nào ở Trà Linh cũng sở hữu vườn sâm, ít cũng trị giá vài trăm triệu, nhiều thì hàng trăm tỷ, mà sao Trà Linh vẫn là xã nghèo, nhiều gia đình phải cứu đói bằng gạo.

Ông Phong lấy luôn ví dụ từ nhà mình. Gia đình ông vốn khá giả, sở hữu vườn sâm vài ngàn cây. Ông Phong là người "giác ngộ" sớm, nên trồng sâm từ năm 1979, cùng thời với các đại gia Hồ Văn Du, Hồ Văn Lượng, những người hiện có vườn sâm trăm tỷ.

Thế nhưng, vì làm cán bộ, tham gia vào chính quyền, nên ông không sâu sát, không mở rộng được vườn sâm nhà mình. Ông chỉ sở hữu vài ngàn cây sâm. Vườn sâm của ông lâu năm, nên giá trị rất lớn. Vườn của ông có gần 1000 cây sâm nhiều năm tuổi. Hàng năm, ông chỉ thu hạt, thu lá cũng đủ sống dư giả.

Ông Hồ Văn Phong
Ông Hồ Văn Phong 

Thế nhưng, vào tháng 8/2014, vườn sâm của ông Phong và 4 hộ dân trong nhóm bị nhổ sạch sẽ, không còn một cây nào.

Đợt đó, ông Phong và cả 4 thành viên trong nhóm đều đi tập huấn dưới Tam Kỳ 4 ngày. Cả nhóm đều là cán bộ xã, trồng trong rừng sâu, nghĩ không ai biết vị trí vườn sâm của mình, nên chủ quan bỏ ngỏ mấy ngày, không cắt cử người trông nom.

Lực lượng công an huyện, xã đã đến vườn sâm của nhóm để thu thập thông tin, định giá tài sản mất cắp. Riêng vườn sâm của ông Phong được định giá hơn tỷ đồng. Đến nay, thủ phạm vẫn chưa được tìm thấy.

Từ khá giả, 5 hộ gia đình trồng sâm trong nhóm ông Phong đã hóa nghèo vì mất trắng vườn sâm. Về hưu rồi, ông Phong mới tính gây dựng lại vườn sâm.

Lương y chữa dạ dày Phạm Văn Thanh bên vườn sâm trồng ở Ngọc Linh
Lương y chữa dạ dày Phạm Văn Thanh bên vườn sâm trồng ở Ngọc Linh 

Mấy ngày đi rừng với Phó bí thư Hồ Văn Bút, anh cứ lặng lẽ, không nói gì cả. Chúng tôi đề nghị anh dẫn vào vườn sâm nhà mình, nhưng anh lắc đầu từ chối, dù rất nể chúng tôi.

Theo anh, để chúng tôi vào được vườn sâm, thì phải có sự đồng ý của nhóm, gồm 10 người. Từng ấy người "bỏ phiếu", thì chắc chắn chúng tôi không thể vào vườn sâm được.

Ngồi uống rượu ở nhà anh Bút, ông Phong mới tiết lộ rằng, chính anh Bút cũng vừa bị trộm sâm. Điều đau lòng, người trộm sâm không xa lạ, mà chính là cậu em ruột Hồ Văn Báo, sinh năm 1991, trú cùng thôn.

Hôm chúng tôi lên Ngọc Linh, thì Báo vừa mới bị công an bắt khi mang sâm đi tiêu thụ. Mấy năm trước, Báo cũng từng đi tù 2 năm vì tội trộm 2kg sâm của người dân trong làng. Vì là anh em, nên anh Bút cũng không tiết lộ, cũng không muốn kể.

Những ngày ở thủ phủ sâm Ngọc Linh, nghĩ đến chuyện trộm sâm, mà đau lòng. Công sức của đồng bào Xê Đăng suốt nhiều năm ròng lặn lội rừng sâu, hầu hết đều thành công cốc, nuôi bọn trộm và các đầu nậu.

Những toán trộm thường đi xuyên từ phía Kon Tum sang. Chúng vượt núi nhiều ngày, rồi xâm nhập vườn sâm để đào bới.

Quả sâm Ngọc Linh
Quả sâm Ngọc Linh 

Ông Phong đặt nghi vấn rằng, nhiều khả năng, các vụ trộm sâm có sự móc nối giữa người ngoài và thành phần bất hảo ở Trà Linh. Chỉ có những kẻ sống ở đây, mới nắm được di biến động của các thành viên bảo vệ. Như vườn sâm của nhóm ông Phong, chỉ những người thân cận mới nắm được chuyện cả nhóm đi tập huấn, để trống vườn sâm.

Ngoài ra, công tác bảo vệ vườn sâm cực kỳ nghiêm ngặt, nên không dễ gì kẻ trộm đột nhập được. Ngoài con người, thì còn hàng loạt công cụ, vũ khí bảo vệ vườn sâm. Xung quanh vườn, thường là các hầm, hào sâu, cắm chông bên dưới. Người ngoài vào vườn sâm, có thể rơi xuống hố và chết tươi vì hầm chông. Rồi hệ thống bẫy cụp, hệ thống bẫy tên tự động cũng được giăng như ma trận trong rừng, nên kẻ lạ mặt vào được đã khó, ra được khỏi rừng mà giữ được mạng sống thì là kỳ tích.

Chuyện trộm cắp sâm xảy ra như cơm bữa, đã trả lời cho câu hỏi vì sao mua sâm tại vườn lại đắt hơn của đầu nậu, dù đều là sâm Ngọc Linh xịn. Trong khi giá sâm 5-7 năm tuổi mua tại nhà người dân Xê Đăng là 50 triệu đồng, thì mua của các đầu nậu buôn sâm có thể chỉ 30 đến 40 triệu đồng. Lý do là vì các đầu nậu chuyên thu gom được sâm của bọn trộm. Mà bọn trộm chẳng mất công đầu tư, chăm sóc, nên giá nào chúng cũng bán.

Còn tiếp…


Phạm Ngọc Dương
Bình luận
vtcnews.vn