Chuyện mỹ nhân kén chồng đầy tiếc nuối và chữ 'duyên' mà Phật dạy

Chuyện bốn phươngThứ Ba, 05/07/2022 11:30:00 +07:00
(VTC News) -

Câu chuyện kén chồng tiếc nuối đến đau lòng của cô tiểu thư nhà quan cho thấy sức mạnh của chữ "duyên", khiến người tình tưởng đã ở trong vòng tay cũng đành ly biệt.

Trong cuộc đời, ta gặp biết bao người; hoặc thoáng qua, hoặc gắn bó cả cuộc đời; hoặc để lại ân tình, hoặc khắc sâu thù hận... Tất cả không ngoài nhân duyên.

Bài thơ Có khi nào của nhà thơ Bùi Minh Quốc khiến mọi người rung động vì những tiếc nuối dường như ai cũng gặp, mà chắc rằng với một người cũng không phải chỉ một lần:

Có khi nào trên đường đời tấp nập
T
a vô tình đi lướt qua nhau
Bước lơ đãng chẳng ngờ đang để mất
Một tâm hồn ta đợi đã từ lâu.

Chuyện mỹ nhân kén chồng đầy tiếc nuối và chữ 'duyên' mà Phật dạy - 1

Có khi nào trên đường đời tấp nập, ta vô tình đi lướt qua nhau?

Có sự tiếc nuối đó là chúng ta không hiểu nhân duyên, không biết đón lấy nhân duyên, không biết gìn giữ nhân duyên. Thế nên, nhân duyên đến rồi đi. Khi ta hiểu thì nhân duyên đã như bóng câu qua cửa sổ.

Theo lời Phật dạy, nhân là phần chính có năng lực phát sinh, duyên là phần phụ để hỗ trợ cho nhân phát sinh ra sự vật. Nhân duyên là một quy luật, theo đó mọi sự vật trong vũ trụ đều do nhân duyên phối hợp với nhau mà thành, khi nhân duyên hết thì sự vật ấy sẽ không còn.

Ví dụ, nếu chỉ có hạt thóc là nhân thì chẳng bao giờ chúng ta có cây lúa cả. Để có cây lúa, phải có biết bao duyên: đất, nước, độ ẩm, ánh sáng, phân bón, thời tiết… Liệt kê ra thì còn có rất nhiều những điều kiện vật chất nữa.

Nhưng như thế vẫn chưa đủ, còn phải có những yếu tố thuộc về con người: quy trình gieo hạt để thành mạ, nhổ mạ cấy lúa để thành cây, rồi sự siêng năng, kinh nghiệm chăm sóc… của người nông dân thì hạt thóc mới thành cây lúa.

Và, cũng trải qua bao nhiêu công đoạn, bao nhiêu nhân duyên nữa chúng ta mới có bát cơm. Vậy nên mới có câu ca tự ngàn xưa mà cha ông đúc kết:
Ai ơi bưng bát cơm đầy
Dẻo thơm một hạt, đắng cay muôn phần.

Đủ nhân, đủ duyên ắt sẽ có quả. Nhân duyên đứng từ góc độ xã hội mà quán chiếu thì còn vi diệu hơn nữa. Nhân chính là chúng ta, còn duyên là các điều kiện, hoàn cảnh để mọi người gặp gỡ, kết hợp với nhau hay gặp rồi tan. Nhưng, dù hợp hay tan, tan hay hợp, tất cả vẫn để lại trong chúng ta muôn vàn khía cạnh hỉ - nộ - ái - ố thật là đa dạng.

Đường đời tấp nập, trong một ngày ta gặp biết bao người già-trẻ-trai-gái, xinh-xấu-đẹp-tốt... từ biết bao hoàn cảnh trên đường, trong chợ, chốn quê, nơi cơ quan... Rồi một tháng, một năm..., số người gặp cứ thế mà tăng lên cả trăm cả ngàn.

Số người đã gặp một lần trên đường đời tấp nập ấy, liệu gặp lại lần thứ hai được mấy người? Ít lắm. Rồi trong số họ, liệu trở thành bạn bè ta được mấy người? Số lượng này chắc chắn còn ít hơn nữa, hay thậm chí chỉ là con số không tròn trĩnh.

Chuyện mỹ nhân kén chồng đầy tiếc nuối và chữ 'duyên' mà Phật dạy - 2

Thế nên từ xưa mới có câu thơ: “Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ, Vô duyên diện kiến bất tương phùng”. Thế đấy, có duyên thì ngàn dặm xa nhau vẫn thường gặp lại, còn vô duyên thì có đối mặt nhau đây cũng như không gặp. Chẳng khác gì “trên đường đời tấp nập, ta đã vô tình đi lướt qua nhau”!

Đủ nhân duyên, trên đá hoa vẫn nở Lại nhớ câu chuyện phát nguồn của cả bài thơ: Ngày xưa, nhà viên ngoại nọ có cô con gái vô cùng xinh đẹp giỏi giang. Theo truyền thống, trai khôn dựng vợ, gái lớn gả chồng, viên ngoại đăng bảng tuyển rể. Qua nhiều vòng loại, có ba chàng trai vào được vòng cuối. Ai cũng khỏe mạnh, đẹp trai, tài nghệ ngút trời. Thế nhưng, gái xinh chỉ có một và dường như nàng đã để mắt đến một người.

Để đảm bảo công bằng, kén rể dựa trên thực lực của từng người, viên ngoại ra đề lần cuối để họ phát huy tối đa năng lực. Chàng thứ nhất văn thơ lai láng, ông giao phải viết được 300 bài thơ. Chàng thứ hai chạy nhanh như gió, ông bảo lên Tràng An mượn trống. Chàng thứ ba có tài thiện xạ được lệnh bắn rụng hết lá của cây ngô đồng. Ai trả bài xong trước được cưới mỹ nhân.

Bên cạnh người đẹp đang miệt mài quạt mát, dâng trà động viên, chàng trai giỏi thơ phú càng muốn đẹp lòng, càng mong được kết duyên với ý trung nhân nên tâm hồn lai láng, những áng thơ tuôn ra dào dạt.

Chàng lại càng miệt mài khoa tay thảo những nét như phượng múa rồng bay. Những tờ giấy hoa tiên gần như phủ kín khắp sân, công việc gần như đã hoàn tất. Bài thơ thứ 300 chỉ còn một nét chấm hết là xong. Nàng dâng chén trà, chàng giơ tay đón. Chàng - nàng nhìn nhau, tưởng ngày kết duyên loan phụng đã cận kề.

Nhưng than ôi, trà vừa lên môi, dấu chấm cuối cùng chưa kịp điểm thì... Thùng! Thùng! Thùng! Tiếng trống Tràng An đã dội về. Hoa vừa hé bỗng cánh gãy nhụy tan như gặp bão dông, tình vừa chớm nở đã vội ly tan.

Mối duyên đôi trẻ bỗng chốc không thành. Ngẫm đến nhân duyên, tức cảnh sinh tình, nàng bỗng thốt:

Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ
Vô duyên diện kiến bất tương phùng
Ẩm thị ngã trà hoàn ngã trản
Tràng An chi cổ dĩ bồng bồng

Dịch nghĩa:

Ngàn năm duyên may tình vẫn gặp
Vô duyên đối mặt sự không thành
Chàng uống trà xong, xin trả chén
Tràng An đã giục trống liên thanh!

Thế đấy, hai người đối mặt, tình trong như đã, vậy mà nhân có nhưng  duyên chưa đủ nên trong đời hiện tại họ gần nhau đến thế, mong muốn, khát khao đến thế mà vẫn không thể đến được với nhau. Còn ai đó cách xa ngàn dặm mà tiếng trống giục liên thanh như thông báo nhân duyên đã tròn đủ.

Còn chúng ta là những con người - những "nhân" may mắn có "duyên" là công ty, văn phòng, tập thể… nên đã hội tụ lại,  gặp được nhau rồi cùng làm việc với nhau. Như vậy là nhờ hữu duyên mà những con người ở mọi miền, thậm chí còn ở những quốc gia khác nhau được gặp mặt, được làm chung, được phấn đấu cùng một mục đích. Thiết nghĩ, nhân duyên ấy quý lắm, cần phải được tất cả mọi người cùng gìn giữ!

Pháp Định
Bình luận
vtcnews.vn
Đọc tiếp