Chuyện "làm ăn" ở khu di tích Chùa Thầy

Bạn đọcThứ Bảy, 09/04/2011 09:09:00 +07:00

(VTC News) - Du khách nào không chịu nộp tiền, lập tức mấy thanh niên xuất hiện dằn mặt. Du khách trả tiền vì lỡ cầm bông hoa giả phải xếp hàng dài.

(VTC News) - “Thần thánh” trong thời đại hiện nay nhiều khi bị người ta lợi dụng kiếm lời trong những lễ hội. Hiện tượng này diễn ra tràn lan ở hội chùa Thầy.

Lễ hội Chùa Thầy được tổ chức từ mùng 5 đến mùng 7 - 3 âm lịch hàng năm (dương lịch năm nay là từ mùng 7 đến 9-4). Thời tiết trong khoảng thời gian này thường rất nồm, “đá cũng chảy mồ hôi” - theo lời của người dân nơi đây, vì thế đường leo núi hoặc đường xuống hang Cắc Cớ rất trơn. Tôi đi đến Chùa Thầy vào đúng ngày lễ hội, thời tiết hôm đó rất chiều lòng người, nhưng đường leo núi thì vẫn rất trơn do những trận mưa phùn mấy hôm trước đó.

Ai vào thắp hương ở bàn thờ Lữ Gia, người phụ nữ trông coi bàn thờ cũng dúi cho một tập giấy vàng. Hóa vàng xong, du khách mới biết không phải miễn phí. 

Trên những gò đống, dọc bên cạnh những bậc thang đá dựng đứng không đều nhau dẫn lên chùa Cao, xuất hiện những biển hiệu “bói chỉ tay”. Chủ của những biển hiệu đấy là những ông thầy áo the, khăn xếp chỉnh tề. Ai đi qua cũng được nhận những lời mời vào xem chỉ tay, tướng số.

Vì tò mò nên tôi dừng lại ngó xem một gian hàng bói toán có vẻ khá đắt khách. Cô gái trẻ tầm tuổi đôi mươi, đang xòe tay ra để ông lão xem chỉ tay một cách rất chăm chú, như “nuốt chửng” từng từ từng chữ thầy nói ra, thỉnh thoảng gật đầu tán thành, đôi mắt mở to tỏ rõ sự ngạc nhiên.

Ông thầy vừa cầm chiếc bút bi vẽ đường trên tay cô gái vừa “phán”. Đường sống, đường tình, đường học, rồi những nét vẽ xanh ngang dọc, mỗi đường ông nói vài câu để miêu tả cho cô bé từ quá khứ, hiện tại cho đến tương lai. Xung quanh cũng có khá nhiều những cô cậu trẻ đang tròn mắt lắng nghe một cách thích thú.

Giấy vàng du khách vứt bừa bãi thành đống trong hang Cắc Cớ. 

Chỉ có một đoạn đường ngắn từ chân núi cho đến chùa Cao mà có đến 6 gian hàng bói toán chèo kéo khách.

Vòng ra sau chùa Cao là đường lên hang Cắc Cớ. Đường xuống hang là những bậc thang đá dốc và rất trơn. Hai bên cầu thang là lan can bằng sắt để cho những người khách đi lễ hội xuống hang có thể bám vào đi.

Bên trong hang Cắc Cớ, cứ vài mét lại thấy một ban thờ nhỏ xíu, có bát hương để du khách cắm. Các hòn đá, hình nhũ được người ta “thổi” lên thành cậu nọ, thánh kia. Cạnh bàn thờ có một hai người gác. Du khách vái lạy, đặt tiền, vừa quay gót là họ nhặt ngay cho vào túi.

Bàn thờ Tướng quân Lữ Gia, một nhân vật tôn làm huyền thoại gắn với hang Cắc Cớ nghi ngút khói hướng. Hầu như ai xuống hang cũng thắp nhang trên bàn thờ vị tướng thời Triệu Đà này.

Mỗi du khách vào xem bể xương, người đàn bà này đều đưa cho một bông hoa giả. Trót cầm bông hoa rồi, du khách mất 30 ngàn đồng. 

Thắp nhang xong, người phụ nữ ngồi cạnh đưa cho du khách một tập giấy tiền bảo: “Thắp hương rồi, ông (bà, cô, chú, anh, chị em) hóa vàng cho Tướng quân Lữ Gia đi, Tướng quân sẽ phù hộ độ trì cho”.

Du khách tưởng đặt lễ rồi, sẽ được hóa vàng miễn phí. Thế nhưng, đốt xong mấy tờ vàng mã (ở khay hóa vàng to tướng cạnh ban thờ), lập tức chị ta đòi tiền. Số tiền nhiều hay ít phụ thuộc vào số lượng tiền vàng mà du khách đã hóa, ít nhất cũng 10 ngàn, nhiều vài chục ngàn. Lúc này, những người đem tiền vàng đi hóa mới tẽn tò, và có cảm giác bực bội vì bị lừa.

Tôi giương máy ảnh chụp cảnh đó, lập tức một người đàn bà và một thanh niên xua đuổi, tỏ vẻ khó chịu. Họ cáu gắt và đuổi tôi đi.

Có cả vạn du khác chen nhau xem bể xương và bị những người lợi dụng thần thánh kia "móc túi". 

Đi qua bàn thờ Lữ Gia thì đến bể xương, mà theo truyền thuyết, bể chứa 3000 bộ hài cốt của nghĩa quân Lữ Gia. Ai cũng tò mò muốn nhìn vào bên trong, rồi chụp ảnh, ném tiền lẻ vào trong đó. Nghĩ mà tội cho những bộ hài cốt, phải “đón” rác rưởi của những du khách vô ý thức.

Bên cạnh bể xương là một chiếc bàn chứa rất nhiều hoa giả, gọi là cây vàng cây bạc dùng trang trí bàn thờ. Cứ mỗi một người xem bể xương xong đều được một phụ nữ đưa cho một cây vàng hoặc cây bạc, nói là mang về để lấy may. Du khách vui vẻ nhận lấy, cám ơn, tưởng là quà của Ban tổ chức lễ hội.

Thế nhưng, vừa quay ra, đi được chừng 5m, thì một thanh niên chặn lại, yêu cầu vào chiếc bàn ngay vách đá nộp tiền cho một người phụ nữ. Người phụ nữ này thu tiền luôn tay mà không kịp. Cứ mỗi cành hoa giả, trị giá chừng 1 ngàn đồng, du khách phải nộp 30 nghìn. Du khách nào không chịu nộp tiền, lập tức mấy thanh niên xuất hiện dằn mặt. Du khách trả tiền vì lỡ cầm bông hoa giả phải xếp hàng dài.

Bể xương biến thành... bể rác. 

Khi tôi chụp ảnh bàn thu tiền thì bị một người phụ nữ tiến đến che ngang bàn thờ không để cho chụp. Họ nói: “Vào đây tham quan thôi chụp cái gì mà chụp, chụp cái bàn này làm gì? Xem xong rồi thì đi đi”.

Trong 3 ngày lễ, hàng vạn lượt khách ra vào hang để xem bể xương, có bao nhiêu người bị những người này lợi dụng thần thánh để móc túi? Con số thực sự là không nhỏ. Thậm chí, mấy ngàn bộ xương trong bể cũng bị người ta biến thành công cụ để kiếm chác.

Đã vậy, những bộ hài cốt cũng không được những người lợi dụng trục lợi này chăm sóc cẩn thận. Khi nhìn vào bên trong bể xương, tôi giật mình khi nhìn thấy những bộ xương, những chiếc đầu lâu đã bị đen sì, bẩn thỉu, lẫn với rác rưởi.

Thực trạng lợi dụng thần thánh kiếm chác ở lễ hội chùa Thầy rất gây phản cảm. Mong rằng, ban tổ chức kiểm tra, xem xét để rút kinh nghiệm trong những lần tổ chức tiếp theo.

Hương Trang
Bình luận
vtcnews.vn