Chuyện ít biết về tác giả bài thơ xúc động 'Bơi vào đi' vào đề thi chuyên văn tỉnh Kiên Giang

Giáo dụcThứ Hai, 11/06/2018 11:22:00 +07:00

Tác giả của bài thơ "Bơi vào đi" trong đề thi chuyên văn tỉnh Kiên Giang là Đại úy Hoàng Hải Lý, một cây bút không chuyên, hiện đang công tác tại Trường Sĩ quan Không quân tại TP. Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.

Mới đây trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT chuyên, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Kiên Giang đã đưa bài thơ vào Phần Đọc hiểu (chiếm 3 điểm) của đề thi chuyên Ngữ văn. Điều đặc biệt, tác giả của bài thơ này - Đại úy Hoàng Hải Lý là một cây bút không chuyên, anh hiện đang công tác tại Trường Sĩ quan Không quân tại TP. Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.

Với lời thơ chân thành, tình cảm, bài thơ “Bơi vào đi” đã giành Giải thưởng “Bạn đọc làm báo cùng Tuổi trẻ” do Báo Tuổi trẻ tổ chức vào tháng 8/2016.

34593430_111820299713562_4067279178284662784_n

Đại úy Hoàng Hải Lý.

Đại úy Hoàng Hải Lý sinh ra và lớn lên trên quê hương Lệ Thủy, Quảng Bình. Từ nhỏ, anh đã đam mê đọc những cuốn sách về người lính. Nhờ vậy mà hơn ai hết, anh hiểu được sự kiên cường, bất khuất trong chiến đấu của họ và càng thấu hiểu, gắn bó trong đời thường. Nhìn gương Đại tướng Võ Nguyên Giáp, ước mơ trở thành anh bộ đội Cụ Hồ của cậu bé Lý càng thêm mãnh liệt.

Thế nhưng, để đáp ứng nguyện vọng của gia đình, anh tạm gác ước mơ để theo học ngành cầu đường sắt và sau đó làm việc tại Công ty Quản lý Đường sắt Bình Trị Thiên.

Con đường binh nghiệp đến với anh như một sự tình cờ. Trong một đợt tuyển quân đi nghĩa vụ quân sự ở công ty, anh đã trúng tuyển. Trong môi trường mới với kỷ luật, rèn luyện cao độ, may mắn luôn nhận được sự quan tâm, động viên của cấp trên, anh đã nỗ lực hết mình hoàn thành tốt nhiệm vụ cấp trên giao phó, đồng thời tranh thủ ôn thi lại. 

de thi

 “Bơi vào đi” đã thực sự tạo nên một “cơn bão” lòng với bất cứ ai dù chưa một lần được đến với quần đảo Trường Sa.

Kết quả đã không phụ lòng người, anh thi đỗ vào Trường Sĩ quan Không quân. Ra trường, anh được giữ lại làm cán bộ quản lý học viên của trường. 

Với Hoàng Hải Lý, ngoài nhiệm vụ chính ở trường, trong anh còn có một tình yêu vô cùng mãnh liệt với thơ văn viết về người lính. Anh mượn thơ để truyền tải tâm tư, nguyện vọng, khát khao được dâng hiến tuổi xuân phụng sự cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc của bản thân cũng như của đồng đội.

Trong mỗi câu văn hay bài thơ của anh, bạn đọc có thể nhận thấy quan điểm rõ ràng, thái độ, lý tưởng chưa bao giờ chấp nhận cho sự mập mờ, mụ mị, lắt léo.

Bạn bè thời phổ thông cho biết, Hoàng Hải Lý thường được giáo viên chọn đi thi học sinh giỏi môn văn và anh rất tích cực tham gia viết Báo Hoa học trò. 

Thơ của Hải Lý thường có chủ đề về tình yêu, hậu phương người lính, ẩn chứa sự biết ơn với những người vợ, người mẹ cam chịu thiệt thòi, gánh vác việc nhà để các anh yên tâm tập trung cao độ cho công việc.  

Anh đã từng viết nhiều truyện ngắn, bài thơ giàu cảm xúc ca ngợi người lính đăng trên Báo Người Hà Nội, Báo Phòng không - Không quân, Tạp chí Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh…. Nhiều bài thơ tình lãng mạn, truyện ngắn chân thực, sinh động nói lên những suy tư của mình về tình yêu người lính.

Những câu chuyện Hải Lý viết chứa chất mộng mơ, trong sáng và nhân văn. Trong đó phải kể đến truyện ngắn “Hương quỳnh” là một câu chuyện tình đẹp giữa người lính Việt Nam và cô sinh viên Học viện Ngoại giao. Người đọc cảm nhận được sự thánh thiện, mãnh liệt và không kém phần tiếc nuối.

Dẫu là truyện ngắn, bài thơ hay tác phẩm báo chí thì tất cả đều ngời lên ý chí bảo vệ cái đúng, bảo vệ nhân dân, bảo vệ Tổ quốc. Đặc biệt những bài thơ viết về người lính trong thời bình đã làm lay động bao trái tim bạn đọc gần xa và một trong những vần thơ ấy đã bay vào khuông nhạc đầy phiêu lãng, trữ tình của các nhạc sĩ Quỳnh Hợp, Thanh Khang, Viết Hùng, Quốc Dũng….

Tên tuổi của Hoàng Hải Lý thực sự được công chúng biết đến khi là tác giả của bài thơ gây xúc động mạnh “Bơi vào đi”.

Đây là bài thơ vừa được đưa vào đề thi chuyên Ngữ Văn Kiên Giang. Đó là bài thơ anh sáng tác vào những ngày đầu tháng 8/2016 do vô tình xem được bức ảnh của người cựu binh Thành cổ Quảng Trị Lê Bá Dương về hai chú chó quyến luyến bơi theo không muốn rời người chiến sĩ khi hết thời gian quân ngũ trở lại bờ tại đảo Đá Thị thuộc quần đảo Trường Sa.

Nhớ về hoàn cảnh sáng tác bài thơ này, Đại úy Hoàng Hải Lý cho biết, khi nhìn bức hình, trong lòng anh dâng trào nỗi niềm cảm xúc, câu chữ cứ tuôn trong anh như một dòng chảy. Xuất phát từ tình thương với chú chó, anh đã chưa cần đến 10 phút để hoàn thành bài thơ trong sự ngỡ ngàng của tác giả tấm ảnh.

Video: Quang Hải, Tiến Dũng vào đề thi Ngữ văn Bình Dương

Và gần như anh đã không phải sửa bất kỳ một chữ nào. Bằng lối thơ nhẩn nha, giản dị, thấm đẫm chất trữ tình, “Bơi vào đi” đã thực sự tạo nên một “cơn bão” lòng với bất cứ ai dù chưa một lần được đến với quần đảo Trường Sa.

Kết thúc bài thơ, tác giả đã khiến người đọc không thể cầm được nước mắt khi lời cầu khiến được buông ra nhẹ nhàng mà nghẹn ngào, xúc động: “Về đi mày, đừng bơi nữa, mắt cay...”.

Người lính trẻ gốc Quảng Bình đã mượn lời người chiến sĩ Hải quân như khản gào, cầu xin chú chó Vàng hãy quay lại đảo để làm bạn với những anh lính mới, tiếp tục thiên chức cùng chiến sĩ bảo vệ mảnh đất máu thịt ngoài khơi xa Tổ quốc. Qua bài thơ, người đọc có thể phần nào cảm nhận được nơi Trường Sa bão gió ngoài tinh thần kiên cường, bất khuất của những người lính đảo, còn là sự gần gũi, ấm áp chan chứa tình người giữa chú chó và người chiến sĩ.

Đó có lẽ đã là nguồn động lực, một sức mạnh tinh thần to lớn để các chiến sĩ vượt qua những gian khó đang thường trực từng giờ, từng phút. Thực sự mà nói, việc bài thơ được đưa vào trong chương trình thi chuyên là một niềm vinh dự lớn với bất kỳ cây bút nào.

Hải Lý cho biết, anh vẫn nhớ cái đêm ngay sau ngày được thông báo bài thơ được vào chương trình thi, anh đã vui sướng đến mất ngủ. Điều đặc biệt, ngoài những lời chúc mừng, anh đã nhận được rất nhiều những ý kiến trao đổi từ các chuyên gia trong lĩnh vực văn học để bình bàn về giá trị nội dung cũng như nghệ thuật mà bài thơ đem lại. Tin rằng với sức lan tỏa ấy, bài thơ sẽ còn có sức sống mãnh liệt cùng năm tháng.

Ngô Khiêm
Bình luận
vtcnews.vn