Chuyên gia: Chưa thể khẳng định ca mắc COVID-19 số 243 lây từ 'ổ dịch' Bạch Mai

Tin tứcThứ Tư, 08/04/2020 15:56:00 +07:00
(VTC News) -

Do kết quả xét nghiệm chưa thấy xuất hiện kháng thể, nên bệnh nhân 243 có thể là ca lây truyền mới trong cộng đồng, không phải từ Bệnh viện Bạch Mai.

Ngày 8/4, chia sẻ về ca bệnh số 243 mắc COVID-19 tại Việt Nam, PGS.TS Trần Đắc Phu - Cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng khẩn cấp các sự kiện y tế công cộng, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, không thể khẳng định ca bệnh này lây nhiễm từ Bệnh viện Bạch Mai.

Theo ông Phu, việc kết quả xét nghiệm của bệnh nhân cho kết quả dương tính với virus corona rất rõ ràng, chắc chắn. Nhưng qua xét nghiệm kháng nguyên của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, bệnh nhân này chưa thấy xuất hiện có kháng nguyên.

Điều này cho thấy, ca bệnh có thể là ca lây truyền mới trong cộng đồng. Tuy vậy, việc lây thế nào và ở đâu thì còn phải điều tra dịch tễ thêm mới có thể xác định rõ.

Chuyên gia: Chưa thể khẳng định ca mắc COVID-19 số 243 lây từ 'ổ dịch' Bạch Mai - 1

PGS. TS Trần Đắc Phu - Cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng khẩn cấp các sự kiện y tế công cộng, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế). (Ảnh: VGP)

Chuyên gia dịch tễ cũng cho rằng, trong tình huống này, việc đặt vấn đề có sự lây lan trong cộng đồng là hết sức quan quan trọng. Bên cạnh đó, việc tìm nguồn lây nhiễm sẽ rất khó khăn nên việc cần làm nhanh chóng nhất là xác định biện pháp dập dịch sao cho hiệu quả.

Theo ông Phu, báo cáo dịch tễ học cho thấy, bệnh nhân số 243 tới Bệnh viện Bạch Mai, nhưng tới ngày 4/4 mới lấy mẫu, sau đó 1 ngày mới có kết quả xác định dương tính với virus corona.

Thời gian trên, bệnh nhân có đi nhiều nơi, tiếp xúc nhiều người và tới nhiều bệnh viện khác nhau, đây chính là những nơi nguy cơ cao có khả năng nhiễm bệnh.

Thực tế ở nước ta hiện nay có những trường hợp lây lan trong cộng đồng nhưng lại rất khó để xác định nguồn lây. Trước đây có thể khẳng định chính xác nguồn bệnh từ ca bệnh nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam. Nhưng trong giai đoạn hiện nay thì rất khó phát hiện, hơn nữa sẽ tốn rất nhiều công sức nếu chỉ tập trung vào đó.

Do vậy, theo ông Phu, việc quan trọng nhất cần làm là phải tập trung phát hiện những ca bệnh tiếp xúc gần với bệnh nhân, qua đó khoanh vùng, cách ly, theo dõi để sớm dập dịch.

Ông Phu cũng khuyến cáo, thời gian tới, song song với biện pháp phòng chống, ngăn chặn dịch, tất các địa phương cần tăng cường rà soát, sàng lọc và kiểm tra, qua đó phát hiện những ca bệnh mới (nếu có). Để từ đó nhanh chóng tập trung khoanh vùng, dập dịch sớm, không để dịch lây lan rộng ra cộng đồng.

Ngoài ra, người dân cũng cần tuyệt đối tuân thủ việc cách ly, giãn cách xã hội. Đây là biện pháp rất quan trọng, ngăn người bệnh tiếp xúc với người lành, tránh việc lây nhiễm bệnh.

“Giãn cách xã hội là vô cùng quan trọng. Việt Nam đã và đang làm rất quyết liệt, quán triệt ngày từ khi số ca bệnh trong cộng đồng chưa cao. Tuy nhiên, việc giãn cách phải làm quyết liệt triệt để tất cả các nơi, các địa phương, chứ không thể nơi này làm, nơi kia không quyết liệt. Bởi hiện nay, chúng ta không biết đâu là ổ dịch, không biết ai là người mang mầm bệnh”, ông Phu nói.

Bệnh nhân 243 đi nhiều nơi, tiếp xúc nhiều người

Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.Hà Nội, bệnh nhân số 243 mắc COVID-19 tại Việt Nam là ông Q.Q.T., 47 tuổi, địa chỉ tại xóm Bàng, thôn Hạ Lôi, xã Mê Linh, huyện Mê Linh, Hà Nội.

Ngày 12/3, ông T. đưa vợ đi khám tại khoa Khám bệnh - phòng khám Miễn dịch dị ứng, Bệnh viện Bạch Mai. Ở đây, ông Q. đưa vợ vào phòng khám, lấy máu xét nghiệm, siêu âm và mua thuốc theo đơn của bác sĩ.

Tới 10h30 ông và vợ ăn cơm tại quán cơm bình dân số 31 ngõ 75 đường Giải phóng. Lúc này, quán chỉ có 2 khách là hai vợ chồng ông Q. Ông cũng khẳng định không mua đồ hay đến nhà ăn Bệnh viện Bạch Mai.

12h30 cùng ngày, ông và vợ về nhà ở Mê Linh bằng xe máy. Trong quá trình đi khám, ông Q. cho biết mình có đeo khẩu trang.

Từ ngày 14/3 đến 25/3, ông Q. dự đám cưới gần nhà, tiếp khách nhiều mâm cỗ.

Ngày 15/3, ông đi đám giỗ ở cùng thôn, tiếp xúc với nhiều người trong gia đình.

Chuyên gia: Chưa thể khẳng định ca mắc COVID-19 số 243 lây từ 'ổ dịch' Bạch Mai - 2

Bệnh viện Đa khoa khu vực Phúc Yên (Vĩnh Phúc), nơi bệnh nhân số 243 mắc Covid-19 từng di chuyển đến. (Ảnh: VOV)

Ngày 21/3, ông Q. có biểu hiện đau mỏi người, ngấy sốt (không cặp nhiệt kế). Do nghĩ bị cảm cúm nên ông tự ra hiệu thuốc gần nhà để mua thuốc về uống. Sau đó một ngày ông thấy đỡ mỏi, không sốt.

Từ ngày 22/3 đến 26/3 và từ 3/4 đến 4/4, ông Q. có đi giao hoa tại chợ hoa Quảng Bá (Tây Hồ) vào buổi tối, khi đi ông có đeo khẩu trang. Thời gian này, ông Q. không có dấu hiệu bất thường về sức khỏe.

Ngoài ra, ông tiếp xúc với nhiều người trong gia đình trong quá trình thu mua hoa và gói hoa tại nhà trước khi giao bán tại chợ hoa trên.

Từ ngày 20/3 đến 23/3 ông Q. có đến một số nhà bạn bè cùng thôn.

Ngày 30/3, sau khi nghe được thông tin những người đến Bệnh viện Bạch Mai trong khoảng từ 10/3 đến 28/3 cần khai báo y tế. Do tại thời điểm này đã qua 14 ngày nên ông Q. được trạm y tế địa phương hướng dẫn tự theo dõi sức khỏe tại nhà.

Ngày 2/4, ông Q. đi tảo mộ và ăn trưa cùng 4 người khác. Trong thời gian từ 2/4 đến 5/4, ông có tiếp xúc với những người trong gia đình và hàng xóm.

Trưa ngày 4/4, ông Q. đưa cháu dâu và cháu trai đến Bệnh viện Đa khoa Phúc Yên (Vĩnh Phúc), tại đây bệnh nhân có tiếp xúc với một bác sĩ.

Sau đó, ông cùng một số người đến Bệnh viện Phụ sản Hà Nội. Trong khoảng thời gian từ 16h30 - 17h cùng ngày, ông tiếp xúc với bác sĩ khám bệnh cho cháu dâu. Ông Q. cho biết trong quá trình này ông có đeo khẩu trang cẩn thận.

17h ngày 5/4, ông cùng em trai tiếp tục đến Bệnh viện Phụ sản Hà Nội. Lúc 20h30 ông có tiếp xúc với bác sĩ tại bệnh viện. Trong thời gian ở đây, ông chủ yếu ngồi ở phòng chờ, đến 23h30 thì ra về.

Ngày 6/4 ông Q. được xét nghiệm cho kết quả dương tính với virus corona.

Video: Phun khử trùng toàn bộ thôn Hạ Lôi (Mê Linh, Hà Nội) sau khi phát hiện ca bệnh số 243

 

 

Phạm Quý
Bình luận
vtcnews.vn