Chuyện của những người bó chân (P2)

Tổng hợpThứ Hai, 09/08/2010 06:01:00 +07:00

"Theo phong tục nơi tôi sống thì những người già trong làng bắt đầu bó chân các cô gái trẻ ở độ tuổi lên 6. Đó là thời điểm tôi bắt đầu bó chân".

"Theo phong tục nơi tôi sống thì những người già trong làng bắt đầu bó chân các cô gái trẻ ở độ tuổi lên 6. Đó là thời điểm tôi bắt đầu bó chân".

Trương Thục Liên

"Bó chân là một phong tục trước đây... Tôi nghĩ không ai thực sự biết là thời điểm nào. Chẳng có lý do xác thực cho việc làm đó - mọi người chỉ nghĩ nó đẹp mắt còn đàn ông sẽ chọn hoặc từ bỏ bạn dựa trên cỡ chân của bạn. Có một câu nói nổi tiếng, "Nếu không bó chân, bạn không lấy chồng được" - nhưng sự thật thực sự không phải vậy. Bạn có thể vẫn có một tấm chồng dù bạn có đôi chân tự nhiên. Mọi người nói điều đó chỉ cốt để duy trì phong tục. Họ thích việc làm đó và nghĩ chân nhỏ mới là đẹp.

Theo phong tục nơi tôi sống thì những người già trong làng bắt đầu bó chân các cô gái trẻ ở độ tuổi lên 6. Đó là thời điểm tôi bắt đầu bó chân. Vải bó chân chỉ có thể mua được qua những người phụ nữ từng trải này. Khi mẹ đưa tôi tới một người hàng xóm cao tuổi để bó chân, bà không giải thích bất cứ điều gì về việc đó cho tôi.

Bà chỉ bảo rằng tất cả chúng tôi đều phải làm việc đó cốt để lấy chồng. Phụ nữ nào cũng phải bó chân, rất ít trường hợp ngoại lệ. Những ai không bó chân thì tôi đoán chắc chẳng ai dành nhiều chú ý tới họ. Đôi khi họ còn bị chòng ghẹo hoặc đánh đập trước công chúng. Mọi nguời đàm tiếu về họ và nói rằng họ sẽ chẳng bao giờ tìm được chồng.

Quả là một thay đổi lớn với tôi khi phải bó chân. Trước khi bắt đầu bó chân, thậm chí tôi còn không đi giày – Tôi chỉ chạy chân không. Về sau tôi phải quấn chân mình chặt khít bằng những mảnh vải dài. Mẹ không cho tôi nới các dải vải bó ra. Tuy vậy, cha tôi lại không nghe bà. Ông cảm thấy có lỗi với tôi và tháo những dải vải bó ra khi mẹ tôi không trông thấy. Sau đấy tôi cũng làm điều này khi lớn hơn và ở ngoài tầm kiểm soát của bà.

Năm 12, 13 tuổi tôi đã bắt đầu phải làm việc trên đồng. Tôi làm mọi việc mà những người khác phải làm và tôi vô cùng đau đớn. Bất cứ khi nào bắt đầu đau nhiều tôi lại tháo những tấm vải bó ra để làm việc. Kể từ khi tôi liên tục tháo vải bó, chân tôi chẳng bao giờ đạt tới cỡ chuẩn mực, khoảng 7.6 cm. Hầu hết các phụ nữ ở làng tôi chân đều nhỏ hơn chân tôi.

Bạn thấy đấy, khi một cô gái tới tuổi “cập kê”, bà mối sẽ tìm một người đàn ông thích hợp với cô gái trẻ. Sau đấy bà sẽ sắp xếp một cuộc “kiểm tra chân”. Người đàn ông sẽ tới nhà cô gái để xem chân cô. Nếu anh ta nghĩ chúng quá lớn, anh ta sẽ gạt bỏ cô. Mẹ tôi rất lo về đôi chân khá lớn của tôi.

Tôi cố gắng để chân tôi tự do trong suốt kỷ nguyên Cộng hoà (1911-1949). Các nhà cầm quyền dân tộc chủ nghĩa tới làng tôi và nói rằng phụ nữ phải giải phóng cho đôi chân còn đàn ông phải cắt đuôi sam tóc. Họ lấy đi tất cả vải bó vì thế chúng tôi không có gì để quấn chân. Những phụ nữ lớn tuổi và những người có chân nhỏ xíu không bị yêu cầu tuân theo, nhưng tôi thì có.

Thời gian ấy tôi khoảng 24, 25 tuổi và nghĩ thật tuyệt vời khi chân được tự do. Rốt cuộc, thật khó đi lại và tôi luôn đau đớn, nhưng tôi không thể thích nghi với đôi chân được tháo bó. Không có vật đỡ nên đau đớn nhiều hơn vì vậy tôi không có lựa chọn nào khác hơn là bắt đầu bó chân lại. Bây giờ chân tôi không gặp vấn đề bởi tôi không phải làm việc nữa. Tôi vẫn tiếp tục bó chân để hỗ trợ cho việc đi lại. Những đôi giày tôi có này do một người bà con đã mất làm và để lại cho tôi. Tôi không thể tự làm giày cho mình được nữa – Tôi quá già rồi!"

Thạch Quế Hoa

"Năm nay tôi 81 rồi và tôi bó chân từ năm 5 tuổi. Tôi chưa bao giờ nghĩ tới việc để chân mình tự do bởi nếu làm vậy tôi sẽ không thể đi lại. Một số phụ nữ quyết định trả tự do cho đôi chân khi chính quyền mới xuất hiện và nói chúng tôi nên làm vậy.

Khi bắt đầu bó chân tôi còn quá nhỏ nên không đặt bất cứ câu hỏi nào về việc đó. Tôi không hiểu chút nào về tập tục đó mà chỉ làm theo những mệnh lệnh của mẹ tôi. Bà sẽ đánh tôi nếu tôi làm khác đi. Tôi chỉ nhớ rằng chân mình phải được làm cho nhỏ nhất có thể - nếu to, chúng sẽ không đẹp. Tôi không nhớ việc đó đã khiến tôi đau nhiều thế nào...vì nhỏ nên xương tôi vẫn đủ mềm để có thể tạo khuôn khá dễ dàng.

Gia đình tôi luôn có một số cửa hàng kinh doanh nhỏ ở thị trấn, vì thế chưa bao giờ tôi phải lao động trên đồng ruộng. Công việc thường ngày của tôi là chăm sóc nhà cửa, nhưng tôi chưa bao giờ ngần ngại khi ra ngoài bởi đôi chân bó. Tôi có thể đi bộ xa tới mức độ nào tôi muốn, thậm chí là cả ngày.

Tôi chẳng lo bị ngã, bắt đầu từ khi quá nhỏ bạn đã phải thích nghi với điều đó. Bạn có thấy đôi giày tôi đang mang đây không? Tôi luôn đi những đôi giày như thế này - rộng ở gót, nhọn dần xuống đầu mũi. Tôi tự làm chúng bởi chẳng ai làm những kiểu giày này để bán nữa. Khi tôi còn trẻ và chuẩn bị kết hôn chúng tôi có người làm giày để làm của hồi môn cho tôi ... mình tôi có tới 22 đôi hoặc hơn. Một khoản hồi môn bắt buộc phải có ít nhất là chừng đó.

Số giày trong khoản hồi môn của bạn phải nhiều màu khác nhau, mỗi đôi mang một ý nghĩa khác nhau và được dùng cho những dịp khác nhau. Phụ nữ trẻ sau khi kết hôn có thể mang giày đỏ. Phụ nữ lớn tuổi hơn chỉ nên mang giày màu xanh da trời hoặc giày đen. Giày trắng dùng để đi dự tang lễ hoặc trong thời kỳ để tang. Rất phức tạp ...chỉ riêng trong lễ cưới, diễn ra trong vài ngày dài, một cô gái cần nhiều đôi giày đa phần là màu đỏ. Dĩ nhiên chúng chúng được thêu nhiều màu khác nhau, nhưng bắt buộc phần lớn chúng là màu đỏ. Trong đêm tân hôn, khi cô dâu dành đêm đầu tiên ở nhà chồng, cô phải đi giày màu xanh da trời.

Tôi không biết phong tục này xuất phát từ đâu nhưng trong thời đại tôi mọi người đều làm vậy, dù bạn có là ai đi chăng nữa. Mục đích của việc làm này gồm hai mảng: đầu tiên, một phụ nữ không được coi là hấp dẫn nếu không bó chân. Đây là chuẩn mực duy nhất cho việc quyết định vẻ đẹp. Không ai muốn kết hôn với một phụ nữ có đôi chân to - chân to không hấp dẫn chút nào hết. Thứ hai, chân bạn càng nhỏ thì bạn sẽ càng tìm được người chồng tốt hơn - có thể là người giàu hoặc có địa vị trong xã hội. Đó là sự thật.

Vương Lý

"Năm tôi 17 cha mẹ quyết định đã đến lúc cho tôi chuẩn bị hôn nhân, vì vậy sau đấy tôi bắt đầu bó chân. Ở làng tôi các cô gái không thể bước vào nơi thờ tổ tiên của gia đình nếu chân chưa bó, và trước khi kết hôn bạn không chỉ phải vào nơi thờ tự của gia đình bạn mà còn cả nơi thờ tự của gia đình chồng tương lai của bạn để chào và báo cáo với tổ tiên. Lệnh của tổ tiên là các phụ nữ phải bó chân. Chúng tôi không thể ... không dám để tổ tiên thấy trừ khi chúng tôi đã bó chân mình.

Khi mẹ nói với tôi đã đến lúc phải bó chân, bà nói rằng nếu không làm vậy sau này tôi không thể bước vào nơi thờ tổ tiên để dâng đồ cúng. Tôi biết rằng điều này có nghĩa là tổ tiên sẽ không phù hộ cho tôi và gia đình tương lai của tôi, vì thế tôi bắt đầu bó chân.

Trước khi một cô gái bắt đầu bó chân cô ta phải làm việc vất vả trên đồng ruộng như mọi người khác. Ở thời ấy, tất cả chúng tôi đều nghèo và tất cả các thành viên trong gia đình đều phải làm việc đồng áng. Mặc dù vậy, sau khi bó chân, công việc của tôi được giới hạn ở nhà và sân. Đây là điều mà mọi gia đình đều làm, không phân biệt giàu hay nghèo.

Tôi nhớ mấy tuần lễ đầu tiên bó chân hết sức đau đớn. Cách chúng tôi bó là kéo các ngón chân gập xuống phía dưới. Ba năm sau, cha mẹ tìm cho tôi một người chồng và tôi kết hôn.

An Huy(Theo Josephrupp)
Bình luận
vtcnews.vn