Chuyện chưa kể của giới cầu thủ: Khỏe nhưng vẫn vô sinh

Thể thaoThứ Sáu, 02/12/2011 09:22:00 +07:00

(VTC News) - Người ta vẫn thường bảo nhau thế này: “Đừng trông ương ương mà tưởng là chín”. Dẫu mình đồng da sắt, cơ bắp đầy người nhưng bị vô sinh thì cũng vứt

(VTC News) - Hỏi ngẫu nhiên 10 đứa trẻ tại Brazil rằng nghề nghiệp nào làm chúng cảm thấy thích nhất, dám chắc cả 10 đứa đều khẳng định là bóng đá. Làm thí nghiệm tương tự với tập mẫu ở Anh, kết quả có lẽ cũng không dưới 80% ủng hộ ý kiến trên.
Tại sao cái nghiệp quần đùi áo số được ưa chuộng đến vậy? Bề nổi thì ai cũng nhìn ra, nhiều tiền (thu nhập tròm trèm cũng tầm vài triệu euro/năm), nổi tiếng và được rất nhiều người hâm mộ. Nhưng có một lý do khác, tế nhị và “sâu sắc” hơn, ấy là được gái “thèm”.
Đẹp trai có gì là sai? 

Không cần đợi đến lúc mười chín, đôi mươi, các cô gái mới thuộc nằm lòng câu tục ngữ: “Lấy vợ xem tông, lấy chồng xem giống”. Thân đã làm một thằng đàn ông, nếu không thể trị quốc, bình thiên hạ, thì cũng nên biết cách “tề gia”, nghĩa là làm cho gia đình yên ấm, hay đơn giản hơn là thỏa mãn được nhu cầu của người bạn đời, ít nhất là những thứ thuộc về bản năng.
Và nếu nghĩ theo hướng như vậy thì việc trao thân gửi phận cho một anh cầu thủ vừa to cao, vừa khỏe mạnh, lại rủng rỉnh về tiền bạc, xem ra là sự lựa chọn không thể sáng suốt hơn.
Nhưng ông trời không cho không ai cái gì. Cuộc sống xa hoa mà cô gái nào cũng mơ ước được một lần bước chân vào ấy hoa ra lại tiềm ẩn một niềm bất hạnh không gì bù đắp nổi: vô sinh.
Là một WAGs có phải lúc nào cũng hạnh phúc? 

Nghe thì có vẻ lạ bởi các cụ nhà ta chẳng đã từng nói: “Con lợn có béo thì cỗ lòng mới ngon” đó sao? Nhưng đây không phải một câu chuyện của ngày Cá tháng Tư và nguy cơ ấy, nghe thì tưởng vô lý, nhưng hóa ra lại có thật.
Hãy thử tưởng tượng một anh chàng, cao như Ibra, khỏe như “Voi rừng” Drogba và dẻo dai như “Báo đen” Eto’o ngày nào cũng phải quần quật trên sân mười mấy tiếng đồng hồ. Khỏe thì cũng khỏe đấy, nhưng mà việc để chỗ kín nóng nực thường xuyên trong một thời gian dài như vậy, xem ra không ổn tẹo nào. Mà khoa học đã chứng minh rồi, động vật nếu gặp môi trường nóng quá hoặc lạnh quá đều có xu hướng lười vận động. Mấy anh chàng “tinh binh” cũng vậy, chúng trở nên lười nhác, thậm chí đứt đầu, cụt đuôi như chơi. Thành thử, chủ có sung nhưng quân cũng chẳng thể nào “cung”  được.
Nguy cơ đến từ phía bên trong, nghe thì có vẻ nguy hiểm nhưng ít nhất còn không gây ra đau đớn gì về mặt thể xác. Còn nguy cơ đến từ yếu tố bên ngoài thì đúng là không đỡ được. Nghĩ mà xem, một vật thể nặng hơn 400g, bay với vận tốc khoảng 100 km/h, dư sức hạ gục một anh chàng vạm vỡ như Essien. Cỡ như người thép còn bị hạ, thì nói gì đến cái vẫn bay phấp phới khi cầu thủ chạy. Nhẹ thì đau, rát; nặng thì cong, vẹo, có khi còn phải đi phẫu thuật chỉnh hình. Súng ống đã qua “xì-tút” thì đạn được làm sao đủ nhiệt được.
Họa hoằn thoát khỏi những “cái bẫy” vật lý trên, thì giới cầu thủ cũng khó lòng chạy trốn được những tai nạn sinh học. Bóng đá là một lĩnh vực luôn dư thừa áp lực và sức ép. Cứ nhớ đến cảnh John Terry mất ngủ mấy đêm sau khi sút hỏng quả penalty ở trận chung kết Champions League 2008 với MU là đủ hiểu. Người bản lĩnh, giàu tinh thần lạc quan còn đỡ; chứ như mấy anh choai choai, miệng còn hôi sữa thì không tìm đến gái và rượu lúc bị stress mới là lạ. Và sau mỗi lần như vậy, “đàn nòng nọc” không những thiếu về mặt số lượng, còn yếu cả về mặt chất lượng nữa. Hậu quả là chủ nhân của chúng rất dễ lâm vào cảnh “trên bảo dưới không nghe”.
Người ta vẫn thường bảo nhau thế này: “Đừng trông ương ương mà tưởng là chín”. Dẫu mình đồng da sắt, cơ bắp đầy người nhưng bị vô sinh thì cũng vứt. 
Kiếp cầu thủ đôi khi cũng có những chuyện khó nói thế đấy.
Quân Hào
Bình luận
vtcnews.vn