Chủ tịch Tập Cận Bình thực hiện tham vọng Trung Quốc vô địch World Cup thế nào?

Thể thaoThứ Sáu, 20/11/2015 11:00:00 +07:00

Ngay trong những ngày đầu tiên của năm mới Ất Mùi 2015, Chủ tịch Tập Cận Bình đã thổ lộ ba điều ước với nền bóng đá nam Trung Quốc

(VTC News) - Ngay trong những ngày đầu tiên của năm mới Ất Mùi 2015, Chủ tịch Tập Cận Bình đã thổ lộ ba điều ước với nền bóng đá Trung Quốc, trong đó có đề cập đến giấc mơ vô địch thế giới.

* Chủ tịch Tập Cận Bình mê bóng đá nổi tiếng Trung Quốc

Trung Quốc là một siêu cường thể thao. Chẳng mấy người nghi ngờ về điều này bởi tại đấu trường châu Á, họ luôn dễ dàng giành ngôi đầu bảng tổng sắp với số HCV thường gấp đôi đoàn về nhì.
Chủ tịch Tập Cận Bình nghe Thủ tướng Anh nói về chức vô địch World Cup 1966 của Tam Sư
Chủ tịch Tập Cận Bình nghe Thủ tướng Anh nói về chức vô địch World Cup 1966 của Tam Sư 
Không chỉ ở ASIAD, sức mạnh khủng khiếp của các VĐV Trung Quốc còn được thừa nhận trên trường thế giới. Họ cùng với Mỹ thường xuyên thống trị các môn thi đấu Olympic. Đặc biệt là ở môn bơi lội, số VĐV đẳng cấp quốc tế của Trung Quốc tiệm cận rất gần với siêu cường số một Mỹ.

Tuy nhiên, bóng đá ở đất nước 1,4 tỷ dân lại là một câu chuyện rất khác, đặc biệt là bóng đá nam. Nếu như bóng đá nữ Trung Quốc từng là một thế lực vào những năm 90 của thế kỷ trước thì các đồng nghiệp nam mới chỉ duy nhất 1 lần dự vòng chung kết World Cup 2002.

Ngoài mốc son này, bóng đá nam ở nước đông dân nhất thế giới hầu như không đạt được thêm thành tích gì đáng kể. Tại bảng xếp hạng FIFA mới nhất tháng 11/2015, họ đứng thứ 84 thế giới và thứ 9 châu lục, sau một loạt đối thủ như Iran, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia, UAE, Ả Rập Saudi.

Tại 5 vòng chung kết Asian Cup gần nhất, bóng đá nam Trung Quốc mới 1 lần lọt vào trận đấu cuối cùng. Nhưng ngay cả ký ức đẹp đẽ này cũng đã cách đây quá 11 năm (năm 2004). 
Trọng tâm phát triển bóng đá của ông Tập dành cho cầu thủ trẻ
Trọng tâm phát triển bóng đá của ông Tập dành cho cầu thủ trẻ 
Thành tích yếu kém như thế là không thể chấp nhận được với Chủ tịch Tập Cận Bình vốn yêu bóng đá cuồng nhiệt.

Ông Tập thuộc tầng lớp thế hệ cũ, ở đó những đứa trẻ được dạy rằng, Trung Quốc là nơi sản sinh ra bóng đá từ thế kỷ III trước Công nguyên. Chính bởi vậy, giống như Brazil hay Italia, bóng đá cũng là một thứ tôn giáo đáng sợ ở đất nước đông dân nhất thế giới.

Tuy nhiên khác với 2 cường quốc kể trên, nơi bóng đá có thể vươn tới đỉnh cao, người dân Trung Quốc lại không mấy tin tưởng vào năng lực thực sự của ĐTQG. Họ luôn có tâm lý e ngại mỗi khi nhắc đến phát triển bóng đá.


Nhà sử học Xu Guoqi của Đại học Hồng Kông khẳng định, người Trung Quốc luôn có cảm giác thua kém Nhật ở lĩnh vực bóng đá. Kế đến là nỗi ám ảnh thua kém các nước phương Tây đã tồn tại nhiều thế kỷ.
Ông Xu cũng khẳng định: “Niềm đam mê thể thao ở Trung Quốc không phải vì sự vui sướng, niềm yêu thích cá nhân, mà bắt nguồn chủ yếu từ chính trị. Môn thể thao này được xem là con đường hướng đến lòng tự hào dân tộc."

Trong những năm trước đây, mỗi khi đội bóng đá nam Trung Quốc thất bại ở đấu trường châu Á hoặc thế giới là một dịp xô xát xảy ra, xuất phát từ sự phẫn nộ của CĐV. 

Người hâm mộ vây kín xe buýt của cầu thủ, không cho họ trở về nhà. Thậm chí, nếu đội tuyển thua đậm hoặc thua ở những trận không đáng thua, chiếc xe của họ có thể "lĩnh đủ" mọi đồ vật mà người hâm mộ bắt gặp trên đường.

Nhiều tuyển thủ bị ám ảnh bởi điều này. Họ sợ hãi đến mức phải đăng tải những lời xin lỗi trên các trang cá nhân trên mạng xã hội.
Ông Tập trổ tài chơi bóng ở CH Ireland hồi năm 2012
Ông Tập trổ tài chơi bóng ở CH Ireland hồi năm 2012 
Chủ tịch Tập Cận Bình ngay lập tức nhìn ra điểm này. Sau khi đề ra nhiều học thuyết mới mẻ cho nền kinh tế cũng như chính trị Trung Quốc, ông Tập tiếp tục tìm đường chấn hưng nền bóng đá.
Hãng thông tấn quốc gia Xinhua cho đăng tải thông điệp từ nhà lãnh đạo tối cao: “Chúng ta phải phát triển và đem lại sức sống mới cho môn bóng đá để đảm bảo rằng, chúng ta là một cường quốc thể thao. Đó là khát vọng của toàn dân”.
Hãng tin này cũng cho biết, ông Tập chủ trương “dạy bóng đá cho cả những đứa trẻ sơ sinh”. Ông đưa môn thể thao vua trở thành môn học bắt buộc trong các nhà trường, trước hết là ở Bắc Kinh, Thượng Hải và một số đô thị lớn.
Ông cũng đề ra 3 điều ước mang tầm vĩ mô cho đất nước 1,4 tỷ dân, đó là tham dự vòng chung kết World Cup, đăng cai vòng chung kết World Cup và vô địch giải đấu danh giá này.

Để hoàn thành chiến lược của Chủ tịch Tập, Trung Quốc dự kiến mở hàng ngàn trường và trung tâm đào tạo bóng đá trên khắp cả nước, từ nay cho đến hết năm 2017. Những học viên xuất sắc sẽ được gửi đi châu Âu để đào tạo tiếp.
Đó chính là lý do tại sao ông Tập lại thích thú đến vậy khi đến tham quan cơ sở đào tạo có quy mô khủng nhất nước Anh của Man City. Ông muốn một ngày nào đó, những cầu thủ Trung Quốc sẽ được đến đây đào tạo, và sâu hơn, Trung Quốc có thể phát triển những mô hình như này.

Phan Nguyên
Bình luận
vtcnews.vn