Chủ tịch Quốc hội: 'Để mất bò rồi cũng không dám làm lại chuồng là rất dở'

Bất động sảnThứ Tư, 08/06/2022 17:04:00 +07:00
(VTC News) -

Theo ông Vương Đình Huệ, giám sát thị trường bất động sản là cần thiết, nhưng đừng để trường hợp mất bò nhưng không dám làm lại chuồng để nuôi bò thì còn dở hơn.

Trong phiên trả lời chất vấn chiều nay 8/6, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng nhận được nhiều câu hỏi của đại biểu Quốc hội liên quan đến quản lý tín dụng đối với thị trường bất động sản.

Các đại biểu cho rằng, việc siết tín dụng sau những sai phạm trong phát hành trái phiếu riêng lẻ có thể làm ngưng trệ, đóng băng thị trường, gây thiệt hại lớn cho nhà đầu tư và nền kinh tế.

Liên quan tới vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý, đối với thị trường chứng khoán và bất động sản, các nhà điều hành đều nói không siết, tuy nhiên thực tế mấy tháng nay thị trường trái phiếu doanh nghiệp rất èo uột, nhất là nhà đầu tư có tiềm lực huy động vốn để đảo nợ hoặc tiếp tục đầu tư mới rất khó khăn. Thị trường bất động sản cũng vậy. Do đó, phải thanh tra, kiểm tra sớm, tránh như các cụ nói từ xưa là “mất bò mới lo làm chuồng” là rất dở.

Chủ tịch Quốc hội: 'Để mất bò rồi cũng không dám làm lại chuồng là rất dở' - 1

Bất động sản đừng để 'mất bò vẫn không dám làm chuồng'. (Ảnh minh hoạ).

Cần thanh tra, kiểm tra, giám sát từ xa, tránh trường hợp mất bò mới lo làm chuồng thì rất dở, nếu để trường hợp mất bò nhưng không dám làm lại chuồng để nuôi bò thì còn dở hơn. Cho nên, tất cả thị trường phải thông suốt, một mặt phải giám sát thị trường, mặt khác phải tạo điều kiện thuận lợi cho thị trường phát triển. Chúng ta chấn chỉnh xử lý những cái méo mó, hư hỏng của thị trường chứ không phải đóng cửa, hạn chế thị trường phát triển. Chính sách đối với tài chính kinh tế không thể giật cục được, nó phải nhất quán thông suốt, dự phòng, dự liệu nội dung khác nhau”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cũng cho biết, thị trường bất động sản gồm nhiều chủ thể, thu hút được nhiều nguồn đầu tư khác, tín dụng cũng là một kênh. Nhiều năm trở lại đây, NHNN đều có chủ trương mở rộng tín dụng đi đôi an toàn hiệu quả, vốn ngân hàng đi vào kinh doanh, hạn chế đi vào các lĩnh vực rủi ro như chứng khoán, bất động sản.

Trong đó, rủi ro bất động sản là mối quan tâm lớn nhất. Ngân hàng chỉ cho vay khi khách hàng đủ điều kiện và khả năng trả nợ.

Rủi ro lớn nhất với ngân hàng là thanh khoản. Cho vay bất động sản vốn lớn, kỳ hạn dài trong khi tiền gửi ngắn hạn. Chính vì vậy, NHNN luôn chỉ đạo các ngân hàng phải đảm bảo các chỉ số an toàn, việc cho vay tự thỏa thuận quyết định nhưng phải kiểm soát được rủi ro”, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết.

Với các tài sản đảm bảo bằng bất động sản, Ngân hàng Nhà nước cũng chỉ đạo phải thường xuyên đánh giá lại để nhận diện rủi ro. Đặc biệt, tài sản đảm bảo ở địa bàn mà giá bất động sản bong bóng, tăng cao, các tổ chức tín dụng càng phải cẩn trọng kiểm soát rủi ro.

Châu Anh
Bình luận
vtcnews.vn
Đọc tiếp