Chủ tịch Quốc hội: 'Có kiểm soát được dữ liệu của Việt Nam bị chuyển ra nước ngoài không?'

Thời sựThứ Tư, 10/01/2018 18:09:00 +07:00

Chủ tịch Quốc hội đặt câu hỏi về việc quản lý dữ liệu của Việt Nam, tránh tình trạng dữ liệu bị chuyển ra nước ngoài.

"Lo ngại của an ninh là chính đáng"

Chiều 10/1, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 20, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật An ninh mạng do Bộ Công an chủ trì soạn thảo.

Mở đầu phiên thảo luận, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt trình bày báo cáo về dự án cũng như những ý kiến khác nhau chưa thống nhất về một số điều khoản, quy định trong dự án Luật.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng nêu vấn đề: "Buộc doanh nghiệp nước ngoài đặt máy chủ ở Việt Nam liệu có quản lý, ngăn chặn được thông tin xấu, độc lan truyền?".

IMG_20180110_160716

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân: "Trên thế giới chỉ có mấy nước bị liệt vào danh sách cấm đoán Internet thôi, nên luật An ninh mạng của ta xây dựng phải làm sao đừng để Việt Nam bị đưa vào danh sách những nước cấm đoán Internet"..

Trả lời câu hỏi của Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Võ Trọng Việt cho biết: “Tâm lý của các nhà đầu tư nước ngoài là họ không muốn đặt máy chủ ở Việt Nam.

Còn cái lo của cơ quan an ninh của ta là nếu như họ không đặt máy chủ ở Việt Nam thì mình không thể kiểm soát được. Lo lắng của cơ quan an ninh là chính đáng”.

Ông Việt cho rằng nếu như Việt Nam không có quy định các nhà mạng quốc tế phải đặt máy chủ ở Việt Nam thì chúng ta sẽ bị mất nhiều hơn.

“Hiện nay có 14 nước, trong đó có Mỹ đã đặt máy chủ ở Việt Nam rồi. Tuy nhiên, nhiều chủ đầu tư nước ngoài vẫn không khai báo điều này vì họ sợ phải nộp thuế”, Thượng tướng Võ Trọng Việt nêu ý kiến.

Thượng tướng Võ Trọng Việt cũng cho rằng, việc xác định toàn bộ tiêu chuẩn, quy chuẩn đối với hệ thống an ninh quốc gia cũng là vấn đề cần phải xem xét cẩn trọng để hoàn thiện hơn.

Với tư cách là người đứng đầu cơ quan soạn thảo dự án Luật An ninh mạng, Bộ trưởng Công an Tô Lâm bày tỏ nhất trí cao với ý kiến của Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội.

Bộ trưởng Công an Tô Lâm nêu ý kiến: “Thực tế hiện nay, dư luận quan tâm nhiều là tại sao đặt máy chủ ở Việt Nam. Việc này phải giải thích không phải là vấn đề máy chủ hay không máy chủ mà là vấn đề dữ liệu của Việt Nam, dữ liệu được sinh ra ở Việt Nam”.

“Dữ liệu này phải được xem là tài nguyên của chúng ta, dữ liệu tạo ra ở Việt Nam phải do chúng ta quản lý. Vấn đề không phải là máy chủ, mà bản chất là quản lý về thông tin do người Việt Nam sử dụng”, Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đặt câu hỏi: “Đồng chí Tô Lâm vừa nói dữ liệu lưu trữ ở Việt Nam là của Việt Nam và ta có thể kiểm soát được, nhưng liệu họ chuyển ra nước ngoài thì sao, Bộ Công an có kiểm soát được không?”.

Trả lời câu hỏi này của Chủ tịch Quốc hội, Bộ trưởng Tô Lâm tái khẳng định: “Tôi xin khẳng định là dữ liệu được sinh ra ở Việt Nam thì đó phải được xem là tài nguyên của Việt Nam.

Ngoài vấn đề đặt máy chủ thì còn nhiều hoạt động liên quan khác nữa. Chúng tôi chỉ quan tâm đến dữ liệu mà người Việt Nam sử dụng và Bộ Công an có đủ năng lực để kiểm soát việc này”.

Đồng ý với quan điểm với Bộ trưởng Tô Lâm, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thành Hưng khẳng định: “Theo tôi, vấn đề quản lý có làm được hay không là do quyết tâm của chúng ta mà thôi. Chúng ta quyết tâm làm thì sẽ làm được”.

"Để Việt Nam bị đưa vào danh sách các nước cấm Internet thì kỳ lắm''

Góp ý cho dự thảo luật, Thiếu tướng Đinh Thế Cường, Cục trưởng Cục Công nghệ Thông tin Bộ Quốc phòng cho rằng, quy định đặt máy chủ hay không đặt máy chủ cần xem xét mềm dẻo hơn. Vì trên thực tế dù không đặt máy chủ tại Việt Nam thì bằng biện pháp nghiệp vụ, vẫn kiểm soát được dữ liệu đầu vào cũng như đầu ra.

“Theo tôi thì cũng không cần đặt máy chủ ở trong nước, mà nên thay bằng quy định khác linh động hơn. Vì thực tế, bằng các biện pháp kỹ thuật vẫn có thể kiểm soát được nguồn tin đầu vào, đầu ra”, Thiếu tướng Đinh Thế Cường nêu ý kiến.

Phát biểu tại phiên thảo luận, đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ cũng cho rằng về nguyên tắc, chúng ta cần có cơ chế kiểm soát thông tin ở Việt Nam.

BTCAToLam (1)

 Bộ trưởng Công an Tô Lâm cho rằng, vấn đề không phải là đặt máy chủ ở đâu mà bản chất là quản lý về thông tin do người Việt Nam sử dụng.

Bà Nguyễn Thanh Hải, Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội thì bày tỏ băn khoăn: “Thực ra khái niệm máy chủ bây giờ cũng nên xem xét ở góc độ rộng và linh hoạt hơn vì khoa học công nghệ bây giờ phát triển hơn trước rất nhiều.

Nếu đặt máy chủ ở Việt Nam thì liệu chúng ta có gom được tất cả các dữ liệu người dùng Việt Nam đã đăng ký Google, Facebook ở các máy chủ đang nằm rải rác khắp thế giới về máy chủ đặt ở Việt Nam để quản lý không? Đây cũng là vấn đề cần xét đến tính khả thi”.

Phát biểu kết luận phiên thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoàn toàn nhất trí ban hành Luật An ninh mạng.

Chủ tịch Quốc hội cho rằng: “Việc xây dựng dự án Luật An ninh mạng phải làm sao đảm bảo đúng quy định của Hiến pháp và quy phạm của pháp luật. Tránh vi phạm quyền con người cũng như những cam kết quốc tế mà chúng ta đã tham gia với tư cách thành viên. Dự án Luật An ninh mạng cũng phải tránh trùng lặp với Luật An toàn thông tin”.

“Trên thế giới hiện nay chỉ có mấy nước bị liệt vào danh sách cấm đoán Internet thôi, nên dự án Luật An ninh mạng của ta xây dựng phải làm sao đừng để Việt Nam bị đưa vào danh sách những nước cấm đoán Internet, vì như thế thì kỳ lắm”, Chủ tịch Quốc hội bày tỏ ý kiến.

Lưu Thủy
Bình luận
vtcnews.vn