Chủ tịch Quốc hội: Cách ly xã hội nhưng không để chậm trễ, ách tắc công việc

Tin nhanh 24hThứ Hai, 20/04/2020 12:24:00 +07:00
(VTC News) -

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, chống dịch bệnh, các cơ quan vẫn phải duy trì công việc, không để chậm trễ, ách tắc.

Sáng 20/4, phát biểu khai mạc phiên họp thứ 44 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, căn cứ tình hình thực tế trong thời gian qua, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã điều chỉnh Phiên họp thứ 44 lùi một tuần so với kế hoạch ban đầu.

Chủ tịch Quốc hội cho biết, trong điều kiện dịch bệnh phức tạp, các cơ quan của Quốc hội và các bộ, ngành của Chính phủ đã nỗ lực, tiếp tục phối hợp chặt chẽ và chủ động điều chỉnh linh hoạt cách thức làm việc phù hợp, nên một khối lượng lớn các nội dung đã được chuẩn bị để trình ra phiên họp, đảm bảo cho việc chuẩn bị được chu đáo các nội dung quan trọng trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 9.

Tuy nhiên, mặc dù phiên họp đã lùi một tuần so với dự kiến do tình hình dịch bệnh và trước đó Tổng Thư ký Quốc hội cũng có văn bản đề nghị các cơ quan bằng các hình thức thích hợp phải tiếp tục chuẩn bị các nội dung để đảm bảo cho Phiên họp 44 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nhưng cho đến ngày khai mạc phiên họp vẫn chưa được đầy đủ tài liệu.

Chủ tịch Quốc hội: Cách ly xã hội nhưng không để chậm trễ, ách tắc công việc - 1

Phiên họp lần thứ 44 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị cần chú ý vấn đề này để rút kinh nghiệm trong việc chuẩn bị tài liệu cho phiên họp 45 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và kỳ họp thứ 9 của Quốc hội sắp tới.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, phòng chống dịch bệnh nhưng các cơ quan vẫn phải duy trì công việc, không để chậm trễ, ách tắc. Bà đề nghị cần thay đổi phương thức làm việc để bảo đảm việc chuẩn bị tài liệu cho phiên họp.

Bên cạnh đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ghi nhận và đánh giá cao tinh thần khẩn trương của Chính phủ trong việc tiếp thu các ý kiến tại phiên họp bất thường sáng 8/4 và kịp thời ban hành Nghị quyết, nhanh chóng chỉ đạo triển khai gói an sinh xã hội này đến những người dân đang gặp khó khăn do dịch COVID-19.

Để bảo đảm công tác phòng chống dịch bệnh, tại phiên họp này, Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các cơ quan của Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo dõi phiên họp tại phòng làm việc, các khách mời theo dõi phiên họp tại phòng riêng theo hình thức trực tuyến. 

Ngay sau phát biểu khai mạc, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến lần hai đối với dự án Luật Đầu tư theo phương thức công tư.

Tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, cho ý kiến các nội dung sau để trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 9 sắp tới, gồm: Cho ý kiến về các vấn đề còn có ý kiến khác nhau của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (cho ý kiến lần 2); Luật Thanh niên (sửa đổi).

Đồng thời, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét cho ý kiến để xem xét trình Quốc hội lần đầu đối với 4 dự án luật: Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo vệ môi trường; Luật Thỏa thuận quốc tế; Luật Cư trú (sửa đổi).

Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021 của Quốc hội và việc trình Quốc hội phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA) và gia nhập Công ước số 105 của Tổ chức Lao động Quốc tế.

Các đại biểu cho ý kiến về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 9 và 02 nghị quyết của Quốc hội về phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; và Nghị quyết của Quốc hội về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp; cho ý kiến về báo cáo: kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em” và việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2019.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng sẽ xem xét quyết định, cho ý kiến về một số nội dung gồm: việc phân bổ, sử dụng số tăng thu và tiết kiệm chi của ngân sách trung ương năm 2019; việc thành lập 3 thị xã thuộc các tỉnh Thanh Hóa, Phú Yên và Bình Định; việc thực hiện Nghị quyết số 468/NQ-UBTVQH14 và kiến nghị sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ để thực hiện hạng mục bổ sung một số dự án; việc điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn cho Dự án nút giao thông khác mức tại nút giao thông Ngã ba Huế, thành phố Đà Nẵng; việc điều chỉnh tỷ lệ khoán kinh phí, điều chuyển một phần nguồn kinh phí đảm bảo hoạt động của Tổng cục Thuế sang một số đơn vị liên quan và cho ý kiến về Nghị định quy định một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với Thủ đô.

Xuân Trường
Bình luận
vtcnews.vn