Chủ tịch Kim để lại ‘quả đắng’ cho tình báo toàn cầu

Thế giớiThứ Năm, 22/12/2011 08:30:00 +07:00

Sự kỳ bí của đất nước Triều Tiên đã đánh bại lực lượng phản gián và vệ tinh của thế giới.

48 giờ sau cái chết của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-il, Mỹ, Hàn Quốc cùng nhiều nước khác vẫn không hề hay biết. Sự kỳ bí của đất nước Triều Tiên đã đánh bại lực lượng phản gián và vệ tinh của thế giới.

Hoàn toàn bất ngờ

Thông báo của Đài truyền hình quốc gia Triều Tiên về sự ra đi của nhà lãnh đạo Kim Jong-il hôm 19/12 vừa qua khiến Chính phủ các quốc gia trên khắp thế giới bàng hoàng.

Vào lúc 10h sáng ngày 19/12, khi báo chí Triều Tiên loan tin sẽ có “một thông báo đặc biệt vào buổi trưa”, giới chức Hàn Quốc vẫn lắc đầu khi được báo chí hỏi quốc gia láng giềng sẽ tiết lộ điều gì.

Quả thực, các quan chức Hàn Quốc không phát hiện ra bất cứ điều gì bất thường. Đúng vào ngày ông Kim Jong-il qua đời hôm 17/12, Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak có chuyến thăm cấp nhà nước tới Nhật Bản. Khi ông Lee rời Seoul, nhà lãnh đạo Kim Jong-il đã qua đời được khoảng bốn giờ, chứng tỏ rằng cả Seoul và Tokyo, cũng như Washington, đều không hay tin gì từ Triều Tiên.

Ông Lee có các cuộc hội đàm tại Tokyo với Thủ tướng Yoshihiko Noda và trở về nhà vào chiều 18/12, dường như vẫn không hay biết chuyện ông Kim Jong-il qua đời.

“Ôi Chúa ơi” là từ đầu tiên bật lên trong đầu tôi khi trông thấy người dẫn chương trình của Triều Tiên mặc đồ tang màu đen, vẻ mặt đầy u ám”, một quan chức chịu trách nhiệm giám sát các tuyên bố của Triều Tiên nhớ lại.

Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Kim Kwan-jin và Giám đốc Cơ quan tình báo quốc gia Won Sei-hoon thừa nhận chỉ biết tin sau khi nghe thông báo của hãng thông tấn Triều Tiên KCNA.

Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak cũng cho hay, ông không hề biết thông tin này cho đến khi nghe tin tức truyền hình.

"Điều này thể hiện lỗ hổng rất lớn trong mạng lưới tình báo của chúng ta về Triều Tiên", Kwon Seon-taek, một nghị sĩ đối lập Hàn Quốc nhấn mạnh.

Tuy nhiên, không chỉ Hàn Quốc, tình báo Mỹ, Nhật Bản và Nga cũng chấp nhận thất bại tương tự.

“Dường như tất cả mọi người chỉ biết tin về cái chết của ông Kim Jong-il sau tuyên bố của đài truyền hình quốc gia Triều Tiên. Mỹ, Nhật Bản và Nga dường như cũng mù tịt về thông tin này cho đến ngày 19/12”, Kim Jin-pyo, giám đốc Uỷ ban tình báo tại Quốc hội Hàn Quốc cho hay sau các cuộc thảo luận với các quan chức từ Cơ quan tình báo quốc gia.

Sự kỳ bí của đất nước Triều Tiên đã đánh bại lực lượng phản gián và vệ tinh của thế giới. 

Các quan chức cấp cao Mỹ thừa nhận họ hoàn toàn giống như người ngoài cuộc, chỉ biết đứng nhìn sự kiện diễn ra ở Triều Tiên.

Còn về phía Trung Quốc, một số nguồn tin cho rằng, nước láng giềng thân thiết của Triều Tiên biết về cái chết của nhà lãnh đạo Kim Jong-il sớm hơn, khoảng một ngày sau khi ông qua đời.

Tuy nhiên, điều đáng nói là sở dĩ Bắc Kinh hay biết là bởi Bình Nhưỡng đã chủ động thông báo qua các kênh ngoại giao trong ngày hôm sau.

Bộ Ngoại giao Hàn Quốc khẳng định trong một cuộc họp báo hôm qua rằng, Trung Quốc không biết ông Kim Jong-il chết trước khi có thông báo chính thức của Triều Tiên.

“Chúng tôi nghe nói rằng Trung Quốc không biết tin sớm hơn”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Cho Byung-jae nhấn mạnh.

Vì vậy, Ralph Cossa, Chủ tịch nhóm tư vấn Diễn đàn Thái Bình Dương CSIS của Mỹ đánh giá, việc này có nghĩa giới tình báo các nước đã thất bại trước Triều Tiên. “Nếu ai đó vỗ ngực tuyên bố họ xử lý tốt vấn đề Triều Tiên thì thực sự phải kiểm chứng lại nguồn tin của mình”, ông Ralph Cossa quả quyết.

Từng có nhiều tiền lệ

“Triều Tiên rất giỏi giữ bí mật. Quốc gia này không chỉ xa lạ với hầu hết thế giới, mà còn bịt kín mọi thông tin theo cách thách thức cả lực lượng phản gián cũng như vệ tinh”, ông Ralph Cossa, Chủ tịch diễn đàn Thái Bình Dương, thuộc Viện nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ở Hawaii khẳng định.

Khi lãnh tụ Kim Il-sung qua đời năm 1994, Triều Tiên cũng giữ bí mật thông tin thành công trong hơn một ngày.

Không chỉ vậy, các cơ quan tình báo Mỹ và châu Á trước đây còn nhiều thất bại trong việc thu thập diễn biến quan trọng tại Triều Tiên.

Trong khi CIA lâu nay nghi ngờ rằng Triều Tiên đang tìm hướng nghiên cứu khác để chế tạo bom hạt nhân, thông qua việc làm giàu uranium, tình báo Mỹ lại chẳng bao giờ tìm thấy các cơ sở này.

Mãi đến năm ngoái, một nhà khoa học ở ĐH Stanford bất ngờ được đưa đi thăm quan một vòng một nhà máy làm giàu uranium của Triều Tiên, nằm ngay giữa tổ hợp Yongbyon, vốn bị vệ tinh và máy bay không người lái của Mỹ theo dõi thường xuyên, nhưng không hề phát hiện bất kỳ dấu hiệu đáng ngờ nào.

Ngoài ra, Bình Nhưỡng âm thầm xây dựng một nhà máy làm giàu uranium mà không hề bị phát hiện trong khoảng một năm rưỡi, cho tới khi quan chức Triều Tiên công bố công khai việc này vào cuối năm 2010.

Và thất bại tình báo tồi tệ nhất, tính đến thời điểm này là vào thời điểm giữa cuộc chiến Iraq. Triều Tiên xây dựng một lò phản ứng hạt nhân tại Syria, dựa trên thiết kế lò phản ứng Yongbyon. Quan chức Triều Tiên thường xuyên tới địa điểm này.

Tuy nhiên, Mỹ vẫn không hay biết gì cho tới khi Meir Dagan, từng là phụ trách Mossad (lực lượng tình báo của Israel) thăm cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống George W. Bush và đặt lên bàn những tấm ảnh chụp lò phản ứng. Sau này, lò phản ứng bị Israel phá hủy trong cuộc không kích 2007.

Bức màn bí mật khó đánh đổ

Dù có từng nhiều lần bị qua mặt nhưng giới tình báo Mỹ, Hàn vẫn khó có thể đón lõng thông tin tại Triều Tiên.

Trên thực tế, máy bay do thám Mỹ cũng như vệ tinh đã quét khắp Triều Tiên. Các ăng ten có độ nhạy cao ở biên giới giữa Hàn Quốc và Triều Tiên đã thu thập các tín hiệu điện tử.

Quan chức tình báo Hàn Quốc cũng không ngại ngần phỏng vấn hàng nghìn người Triều Tiên bỏ sang Hàn Quốc mỗi năm. Tuy nhiên, họ vẫn không có được nhiều thông tin hay sự hiểu biết về công việc nội bộ của Chính phủ Triều Tiên.

Họ nói, Bình Nhưỡng giữ các thông tin nhạy cảm giới hạn trong một số lượng rất ít các quan chức, những người không "hé miệng" bao giờ.

Thêm vào đó, một cựu quan chức CIA giấu tên cho biết: “Điều tồi tệ nhất là tình báo của chúng ta không thể xuyên sâu vào đội ngũ lãnh đạo hiện nay của Triều Tiên. Chúng ta có người chạy trốn khỏi hàng ngũ ở Triều Tiên, nhưng thông tin họ cung cấp thường rất cũ. Chúng ta cũng có những quan chức tầm trung, nhưng họ thường không biết điều gì đang diễn ra trong vòng tròn quyền lực cao nhất”.

“Đây là một xã hội lớn mạnh dựa trên khả năng giữ bí mật với bên ngoài. Để hiểu được cấu trúc lãnh đạo đòi hỏi phải trở lại văn hoá Triều Tiên, nắm rõ các nguyên tắc của Nho giáo”, Chistopher R. Hill, cựu trưởng đoàn đàm phán 6 bên của Mỹ về vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên nhận xét.

Vì vậy, sự bí ẩn của Bình Nhưỡng sẽ làm phức tạp thêm những tính toán của Mỹ và các đồng minh trước tiến trình chuyển giao lãnh đạo ở nước này. Với lượng thông tin ít ỏi về Kim Jong-un, con trai và là người kế nhiệm ông Kim Jong-il, cũng như về chính trường của Triều Tiên, Mỹ và các đồng minh sẽ phải hoạch định những ứng phó của mình dựa trên… phỏng đoán là chính.

Theo Báo Đất Việt
Bình luận
vtcnews.vn