Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp: Có trường hợp lợi dụng quy định để bổ nhiệm người nhà

Thời sựThứ Tư, 21/09/2016 14:29:00 +07:00

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp nhận định có tình trạng một số trường hợp lạm dụng quy định để điều động, bổ nhiệm cán bộ không đủ điều kiện, là người trong gia đình, người thân.

Sáng 21/9, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội Lê Thị Nga đã đọc báo cáo thẩm tra sau báo cáo của Chính phủ về công tác phòng chống (PCTN) năm 2016.

Bà Nga cho biết thực tiễn công tác PCTN vẫn chưa đạt được mục tiêu “từng bước ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng”.

le thi nga -2

 Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội Lê Thị Nga

Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp cho biết, đại biểu Quốc hội, dư luận cử tri và báo chí phản ánh trong công tác điều động, bổ nhiệm cán bộ thời gian qua có một số trường hợp lạm dụng quy định để điều động, bổ nhiệm cán bộ không đủ điều kiện, tiêu chuẩn, phẩm chất, năng lực, chưa thật sự tiêu biểu, thiếu kinh nghiệm thực tế là người trong gia đình, người thân.

Cử tri cũng phản ánh có trường hợp bổ nhiệm ồ ạt vào thời điểm chuyển giao nhiệm kỳ; có trường hợp bổ nhiệm cả cán bộ có trách nhiệm trong việc làm thua lỗ, thất thoát lớn vốn, tài sản nhà nước.

“Thực tế này đang gây bức xúc, bất bình trong dư luận, làm giảm sút lòng tin của cán bộ Đảng viên và nhân dân vào chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước”, báo cáo của Ủy ban Tư pháp nêu.

Uỷ ban Tư pháp đề nghị Chính phủ ghi nhận, xem xét kỹ các phản ánh của đại biểu Quốc hội và cử tri, báo chí; chỉ đạo người có trách nhiệm kiểm tra và giải trình về các trường hợp cụ thể được phản ánh, trên cơ sở đó Chính phủ đánh giá tổng thể thực trạng và đề ra giải pháp xử lý, khắc phục trong thời gian tới.  

Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội đánh giá việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu để xảy ra tham nhũng tại cơ quan, tổ chức, đơn vị vẫn còn bị xem nhẹ và chưa tương xứng với số vụ án tham nhũng được đưa ra xét xử thời gian qua.

Video: Những câu hỏi lớn từ vụ án Trịnh Xuân Thanh

Theo đó, chỉ có 18 người đứng đầu thiếu trách nhiệm để xảy ra hành vi tham nhũng bị xử lý trong khi đó có tới 159 vụ/402 bị cáo TAND các cấp đã xét xử sơ thẩm. Năm 2016 việc xử lý trách nhiệm của người đứng đầu giảm 155,5% so với cùng kỳ năm 2015.

Năm 2016 có 18 người đứng đầu thiếu trách nhiệm để xảy ra hành vi tham nhũng bị xử lý, trong đó có 5 người bị xử lý hình sự. Năm 2015 có 46 trường hợp người đứng đầu thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng bị xử lý, trong đó có 4 người bị xử lý hình sự.

“Người đứng đầu một số cơ quan, tổ chức coi vi phạm, tham nhũng của cấp dưới, của đơn vị do mình quản lý không phải là trách nhiệm của mình”, bà Lê Thị Nga nêu.

Minh Đức
Bình luận
vtcnews.vn