Chủ nhiệm UBKT Thành ủy Hà Nội: Bệnh thành tích, sợ khuyết điểm diễn ra phổ biến

Thời sựChủ Nhật, 01/11/2015 06:18:00 +07:00

Các sở ngành trong quá trình phê duyệt các dự án đầu tư còn tuỳ tiện chạy theo đề xuất của nhà đầu tư, không tuân thủ các trình tự, thủ tục theo quy định.

(VTC News) - Ông Trần Trọng Dực, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Thành ủy Hà Nội cho biết hiện nay bệnh thành tích, sợ khuyết điểm đang diễn ra phổ biến.

Cơ quan quản lý chạy theo đề xuất của nhà đầu tư
Trình bày tham luận tại Đại hội Đảng bộ Hà Nội diễn ra sáng nay, ông Trần Trọng Dực - Ủy viên Thường vụ Thành ủy, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Thành ủy cho biết, UBKT đã tham mưu cho Ban Thường vụ Thành ủy kiểm tra về công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hành tiết kiệm chống lãng phí trong thực hiện một số dự án đầu tư trọng điểm và chấp thuận phê duyệt các dự án theo hình thức hợp đồng BT. 
Cuộc kiểm tra này do Phó Bí thư Thành ủy làm trưởng đoàn đã tiến hành kiểm tra một số dự án trong đó có dự án đường Lê Văn Lương kéo dài với tổng mức đầu tư 667 tỷ đồng. Qua kiểm tra đã yêu cầu các cơ quan chức năng giảm trừ quyết toán 46 tỷ đồng.
“Đối với các dự án theo hình thức hợp đồng BT, các sở ngành của Thành phố trong quá trình tham mưu cho Uỷ ban nhân dân Thành phố chấp thuận phê duyệt các dự án đầu tư theo hình thức này còn tuỳ tiện chạy theo đề xuất của nhà đầu tư, không tuân thủ các trình tự, thủ tục theo quy định của Chính phủ, hướng dẫn của các bộ, ngành có liên quan. 
Ông Trần Trọng Dực. 

Chính vì vậy, sau kiểm tra, Thành uỷ đã chỉ đạo Ban cán sự Đảng UBND Thành phố rà soát lại 152 dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BT, diện tích đất đối ứng do nhà đầu tư đề xuất lên đến 24.000ha nhưng chỉ chấp thuận cho triển khai tiếp 81 dự án.

Trong đó 11 dự án phải giãn tiến độ đến sau năm 2020, diện tích đất đối ứng rút xuống chỉ còn 2.400 ha, giảm tới 10 lần; đã phòng ngừa, ngăn chặn việc lãng phí thất thoát tài sản, đất đai của Nhà nước,” ông Dực nói.
Chủ nhiệm UBKT Thành ủy cho biết thêm, Ban Thường vụ Thành ủy cũng đã kiểm tra công tác tham mưu, đề xuất chấp thuận phê duyệt một số dự án nhà ở đô thị trên địa bàn Thành phố.

Ban Thường vụ Thành ủy cũng đã kết luận công tác quản lý, quy hoạch đô thị còn nhiều bất cập; công tác tham mưu, đề xuất của một số sở ngành về điều chỉnh quy hoạch còn tuỳ tiện, nhiều ô đất công cộng, đất cây xanh đã được điều chỉnh để xây dựng nhà ở để bán và văn phòng cho thuê gây ảnh hưởng lớn đến quy hoạch chi tiết đã được phê duyệt. 
Theo ông Dực, đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến thiếu đất xây dựng trường học, bãi đỗ xe, khu vui chơi giải trí và các công trình công cộng phục vụ dân sinh trong 4 quận trung tâm thành phố, gia tăng áp lực đối với hệ thống hạ tầng kỹ thuật. 
Thông qua kiểm tra, Ban Thường vụ Thành ủy đã giúp Ban cán sự Đảng UBND Thành phố chỉ đạo tăng cường công tác quản lý Nhà nước về quy hoạch đô thị, điều chỉnh một số dự án đầu tư không phù hợp trả lại đất trường học, cây xanh, công cộng theo quy hoạch chi tiết đã được phê duyệt.
Đặc biệt năm 2015, Thành ủy tổ chức 13 đoàn kiểm tra do các đồng chí Phó Bí thư và Ủy viên Ban Thường vụ thành ủy làm trưởng đoàn để kiểm tra việc thực hiện Chỉ thị 36 của Bộ Chính trị và kế hoạch 26 của Thành ủy về tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội Đảng bộ Hà Nội lần thứ XVI, Đại hội lần thứ XII của Đảng.

Cụ thể, năm 2012 khi thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, số đảng viên bị xử lý kỷ luật trong toàn Đảng bộ Thành phố là 847 (tăng 16,67% so với năm 2011), năm 2013 là 1.000 trường hợp (tăng 18,07% so với năm 2012). 
UBKT Thành uỷ Hà Nội đã phối hợp với Đảng uỷ Công an thành phố và ban Tuyên giáo Thành uỷ đấu tranh chống suy thoái về tư tưởng chính trị của cán bộ đảng viên trong đó có những đảng viên là cán bộ lãnh đạo thuộc diện Ban Bí thư, Bộ Chính trị quản lý, cán bộ cao cấp của lực lượng vũ trang đã nghỉ hưu như tiến sỹ nguyên là thứ trưởng bộ thuỷ lợi đòi xoá bỏ Điều 4 Hiến pháp, xuyên tạc chủ nghĩa Mác Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; đảng viên là đại tá quân đội nghỉ hưu, đã từng tham gia hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ viết 04 cuốn sách “Không cùng một lúc đi trên 2 con đường” và 03 người đứng đầu trong nhóm thư ngỏ 61. 
“Khi làm việc với các đảng viên này, chúng tôi phải nghiên cứu rất kỹ bài viết của họ; đồng thời nghiên cứu kỹ Cương lĩnh, Điều lệ Đảng và các quy định của pháp luật để giải thích, thuyết phục, tranh luận và cuối cùng họ đã phải thừa nhận vi phạm quy định 19 điều đảng viên không được làm, có đồng chí đã xin khắc phục và thu hồi các tài liệu đã tán phát, nhận khuyết điểm trước chi bộ Đảng. Các thành viên nhóm “Thư ngỏ 61” dần bị thu hẹp. Việc đấu tranh chống suy thoái về tư tưởng chính trị đã có tác dụng ngăn chặn âm mưu diễn biến hoà bình của các thế lực thù địch,” ông Dực cho hay.
Chủ nhiệm UBKT Thành ủy Hà Nội thừa nhận, thực tiễn công tác kiểm tra, giám sát của Thành ủy, cấp ủy và UBKT các cấp trong Đảng bộ Thành phố cho thấy công tác lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện công tác kiểm tra, giám sát còn bộc lộ một số yếu kém. 
“Nhận thức về vai trò, vị trí, ý nghĩa công tác kiểm tra, giám sát của một số cấp ủy và người đứng đầu cấp ủy còn hạn chế. Vì vậy việc lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát ở một số tổ chức đảng chưa được chú trọng, hiệu quả thấp. Hiện tượng nể nang, né tránh, thủ tiêu đấu tranh vẫn còn diễn ra ở một số cấp uỷ và tổ chức Đảng trong đảng bộ Thành phố, một số cán bộ Đảng viên là lãnh đạo, quản lý các cấp thiếu gương mẫu trong thực hiện nhiệm vụ được giao, trong rèn luyện đạo đức lối sống nhưng chưa được phát hiện kiểm tra, giám sát để chấn chỉnh kịp thời,” ông Dực khẳng định.
Để thực hiện tốt các mục tiêu, chỉ tiêu về phát triển kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng và công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị ông Trần Trọng Dực đề xuất phải tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của các cấp ủy, người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng và đảng viên trong Đảng bộ Thành phố về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng.

Bên cạnh đó, ông Dực cũng cho rằng cần tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng, công tác quản lý, giáo dục, rèn luyện cán bộ, đảng viên, công tác kiểm tra, giám sát hoạt động của tổ chức đảng và đảng viên để chủ động phòng ngừa, ngăn chặn vi phạm có thể xảy ra.
Công tác kiểm tra phải có trọng tâm, trọng điểm; công tác giám sát phải được mở rộng; kịp thời động viên nhân tố tích cực để nhân rộng; phát hiện những sơ hở, những bất cập trong cơ chế chính sách để sửa đổi, bổ sung kịp thời; những thiếu sót, khuyết điểm vi phạm của tổ chức đảng, đảng viên được kiểm tra, giám sát, xác định rõ nguyên nhân để giúp tổ chức đảng và đảng viên khắc phục sửa chữa. 
Thông qua công tác kiểm tra, giám sát phát hiện những sai phạm đến mức phải xử lý thì phải kiên quyết xử lý để giữ vững kỷ cương, kỷ luật của Đảng. Những sai phạm có tính phổ biến, gây bức xúc trong dư luận quần chúng nhân dân sau khi xử lý cần thông báo rộng rãi, làm bài học răn đe, giáo dục, ngăn ngừa vi phạm.

Cũng theo ông Dực, hiện nay bệnh thành tích, sợ khuyết điểm đang diễn ra phổ biến. 
Công tác đấu tranh tự phê bình và phê bình trong một số cấp ủy và tổ chức đảng chưa thật sự thẳng thắn. Tình trạng nể nang, né tránh, dĩ hòa vi quý, sợ mất lòng vẫn còn diễn ra dẫn đến bằng mặt mà không bằng lòng.

Trong hội nghị thì biểu quyết nhất trí cao, nhưng ra ngoài thì nói ngược lại, đang làm xói mòn lòng tin đối với Đảng.

Vì vậy, trong thời gian tới dân chủ trong Đảng phải tiếp tục được mở rộng; bản lĩnh và trách nhiệm của đảng viên trong đấu tranh tự phê bình và phê bình với ý thức xây dựng phải được đề cao. Đây là vấn đề mấu chốt quyết định sự vững mạnh và trường tồn của Đảng.
Ông Trần Trọng Dực đề xuất với Trung ương: Đại biểu dự đại hội Đảng các cấp (từ cơ sở đến Trung ương) là những đảng viên tiêu biểu về bản lĩnh, trí tuệ và tinh thần trách nhiệm cao được đại hội tín nhiệm bầu đi dự đại hội Đảng bộ cấp trên. Sau đại hội, nếu không có đại hội bất thường thì vai trò của đại biểu tự chấm dứt.
Trong quá trình phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa thì nhiều doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế sẽ phát triển mạnh.

Minh Quyết
Bình luận
vtcnews.vn