Chơi hơn người, tại sao Thụy Điển vẫn dễ dàng sụp đổ trước Đức?

World Cup 2018Chủ Nhật, 24/06/2018 11:00:00 +07:00

Để thua ngược trước Đức, Thụy ĐIển chỉ còn biết tự trách mình với những sai lầm không thể tha thứ.

Khi tiếng còi mãn cuộc của trọng tài Szymon Marciniak vang lên, 11 cái bóng Thụy Điển đổ gục xuống sân. Trên khán đài, cổ động viên ôm đầu tiếc nuối. Thua sát nút trước đương kim vô địch World Cup như Đức không phải điều gì xấu hổ với Thụy Điển, song với những gì đã thể hiện, đội bóng Bắc Âu xứng đáng với kết quả tốt hơn thế.

Thụy Điển đã chơi tốt trước Đức và chỉ chịu thua bởi khoảnh khắc thần sầu của Toni Kroos. Dù vậy, cái hay của Thụy Điển trong phần lớn thời gian không thể sửa chữa cho cái dở chỉ trong ít phút cuối cùng. Đức rất bản lĩnh, nhưng chiến thắng của thầy trò HLV Joachim Loew đến từ màn "tự sát" vô cùng khó hiểu của Thụy Điển sau phút 82.

Video: Đức 2-1 Thụy Điển

Giây phút đánh dấu sự sụp đổ của Thụy Điển, trớ trêu thay, lại là giây phút mà đội bóng này có được lợi thế hơn người sau khi trung vệ Jerome Boateng của Đức bị đuổi khỏi sân. Thụy Điển đã phòng ngự phản công rất khoa học, và đáng lý ra, Emil Forsberg cùng các đồng đội phải tận dụng lợi thế hơn người để làm giảm sức ép như sóng vỗ bờ của Đức trong khoảng thời gian cuối trận.

Dẫu vậy, khi Đức chỉ còn 10 người trên sân, Thụy Điển bỗng dưng... không biết phải làm gì. Trong các buổi tập trước trận, chắc chắn đội bóng Bắc Âu đã được rèn kỹ các bài tập phòng ngự. Thậm chí, Thụy Điển còn tập thi đấu trong thế "10 chống 11" - bài tập kinh điển của các đội bóng cửa dưới. Tuy nhiên, thầy trò HLV Janne Andersson có lẽ không lường trước (và không chuẩn bị) cho tình huống họ được chơi hơn người. Đó cũng là "căn bệnh" chung của mọi đội bóng lựa chọn lối đá phòng ngự chủ đạo.

thuydien

 Thụy Điển không biết làm gì khi được chơi hơn người.

Khi đội bóng chủ động "tử thủ" bị mất người, họ sẽ càng có lý do để phòng thủ triệt để hơn nữa. Nhưng khi đối thủ của họ bị mất người thì sao? Lựa chọn đẩy cao đội hình tận dụng lợi thế sẽ khiến cấu trúc đội hình dễ vỡ, bởi đội bóng đã phải chủ động phòng ngự thường yếu hơn và không đủ năng lực để lấn lướt đối thủ, song nếu cứ tiếp tục đá thủ cũng... không đành. Thụy Điển không biết nên công hay thủ khi Đức mất Boateng, và thế là họ sụp đổ.

Trường hợp đội bóng loay hoay khó xử khi được chơi hơn người không hiếm trong bóng đá. Trong trận lượt về vòng 1/8 Champions League với PSG ở mùa giải 2014/2015, Chelsea của Jose Mourinho chủ động lựa chọn lối chơi phòng ngự để giữ sạch lưới.

Bất ngờ, Zlatan Ibrahimovic của PSG nhận thẻ đỏ, và thế là Chelsea rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan. Tiếp tục thủ thì không hợp lý, mà tấn công thì đâu có sẵn sàng. Kết quả: Chelsea hòa 2-2 và bị loại bởi luật bàn thắng trên sân khách trong hiệp phụ.

toivonen

 Thuỵ Điển tưởng như đã có được kết quả ưng ý để cầm chắc vé qua vòng bảng.

Quay trở lại với thất bại của Thụy Điển. Khi Boateng bị đuổi khỏi sân, Thụy Điển đã có ý đồ đẩy cao để kết liễu người Đức, qua đó giành vé sớm vào vòng 1/8. Tuy nhiên, dường như không tự tin với khả năng áp đặt thế trận, Thụy Điển đã lùi về chỉ ít phút sau đó để tiếp tục phòng thủ.

Đội bóng của HLV Andersson "chết" ở chỗ đó. Trong thế hơn người, Thụy Điển đã không còn phòng thủ triệt để như trước. Thay vì phá bóng an toàn và đá chặt chẽ như hầu hết thời gian thi đấu trước đó, Thụy Điển lại cố chuyền ngắn để tìm kiếm cơ hội phản công hay vội vã đẩy cao để cướp bóng trong chân người Đức.

Sự thiếu nhất quán trong lối chơi khiến Forsberg cùng các đồng đội công không được, mà thủ cũng chẳng xong. Pha bóng dẫn tới bàn thắng quyết định của Đức cũng xuất phát từ tình huống cầu thủ Thụy Điển mất bóng trong khi toàn đội chưa kịp tổ chức lại đội hình. Phần còn lại của câu chuyện, có lẽ không cần nói thêm. 10 người của Đức ăn mừng "cuồng dại", còn 11 cầu thủ Thụy Điển suy sụp vì quá tiếc nuối. Biết trách ai bây giờ, khi đội bóng áo vàng đã tự bắn vào chân mình?

Hồng Nam
Bình luận
vtcnews.vn