Cho và nhận vấn nạn tham nhũng

Tổng hợpThứ Tư, 16/05/2012 10:28:00 +07:00

“Trước đây tham nhũng tiêu cực mới chỉ ở những sự vụ nhỏ. Giờ ngày càng quy mô, nghiêm trọng”

    Trong buổi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng đoàn Đại biểu Quốc hội Hà Nội tiếp xúc cử tri quận Ba Đình sáng ngày 4 tháng 5 chuẩn bị cho Kỳ họp thứ ba Quốc hội Khóa XIII, khi đề cập tới nạn tham nhũng, Tổng Bí thư nói: “Trước đây tham nhũng tiêu cực mới chỉ ở những sự vụ nhỏ. Giờ ngày càng quy mô, nghiêm trọng”. Cử tri bức xúc nói: “Không thể trông chờ kêu gọi tinh thần tự phê, bởi tham nhũng gắn với quyền lợi vật chất của những đối tượng quan chức có vấn đề. Phải dùng áp lực phê bình của tập thể, cơ quan, quần chúng!”. Tổng Bí thư nói: “Chúng ta đã bắt bệnh, đã cắt thuốc. Giờ phải lo uống cho đủ, đúng liều!”

 

    Khi nói tới tham nhũng, là nói tới Cho và Nhận, cho – nhận có điều kiện, không cho không - nhận không, được gọi là “đi đêm” - “thỏa thuận ngầm”, một dạng hối lộ không bằng chứng. Kẻ đưa hối lộ và kẻ nhận hối lộ là một cặp bài trùng. Tham nhũng thời nay nó tinh xảo về quy mô và nghiêm trọng về thiệt hại xã hội, suy đồi về nhân cách và đạo đức. Kẻ cho là cho tài nguyên xã hội. Kẻ “nợ” lại lấy lợi nhuận thu được từ tài nguyên ấy để trả. Một nhân sự không đủ tài đức được đề bạt vào một vị trí vì “mua chức”. Một dự án không nằm trong quy hoạch, không đem lại lợi ích cộng đồng vì “thỏa thuận đôi bên cùng có lợi” mà được phê duyệt. Cung cấp thông tin quy hoạch chưa được công bố cho nhà đầu tư “cánh hẩu” mua đất giá rẻ để sau đó giá đất ấy đắt như vàng vì khu đất ấy sẽ nằm trong một trung tâm đô thị đường xá mở xung quanh. Viện dẫn lý do để chỉ định thầu, hoặc tạo cơ hội cho nhà thầu “ăn cánh” trúng thầu lợi nhuận thỏa thuận. Sự ăn chia có công thức, và công thức ấy cũng theo thời giá, hoặc phần trăm. Nước lên thuyền lên. Chưa bao giờ như bây giờ “Cho” và “Nhận” có giá trăm nghìn tỷ VND hoặc triệu triệu USD, kiếm tiền dễ dãi chỉ bằng một cái gật đầu và một chữ ký, mà hơn 90% người dân không có chức quyền không bao giờ có thể nghĩ tới ngay cả trong giấc mơ đêm. Có chức quyền lớn tham nhũng lớn. Chức quyền nhỏ tham nhũng vừa. Từ chính quyền các địa phương cho tới các doanh nghiệp tham nhũng đại trà. Một dự án sân golf giết chết nghìn héc-ta diện tích đất nông nghiệp, nhưng nó lại được chuyển đổi mục đích sử dụng sang xây biệt thự siêu lãi. Một con người mua chức để sau đó thu lợi từ cương vị béo bở ấy trả lại người cho chức. Bởi thế mới mua chức. Người ta gọi đó là ma-phi a. “Sống chết mặc bay tiền thày bỏ túi”. Tính nhân văn “Cho” và “Nhận” đã mất hoàn toàn thay vào đó là tính ích kỷ. Cơ chế xin cho tạo ra tham nhũng.

      Thuật ngữ kinh tế Việt Nam hiện luôn nói tới cụm từ “lợi ích nhóm”. Nó đang là cản trở lớn mỗi khi hoạch định một chủ trương, chính sách bởi lẽ nó sẽ động chạm tới các “nhóm lợi ích” khó đồng nhất và thỏa hiệp về quyền lợi. Tái cấu trúc là chiến lược kinh tế mang tầm vĩ mô khởi động từ rất sớm. Các nhà học giả và chuyên gia kinh tế cung cấp nhiều vô kể về lý luận và học thuật qua các hội thảo cùng diễn đàn, để rồi dự án vẫn dừng ở hồ sơ văn bản, nâng lên đặt xuống, bởi các “nhóm lợi ích” chưa đồng thuận chứ không phải là thận trọng mặc dù thận trọng là rất cần thiết.

 

      Thời sự nhất là phương án giảm ùn tắc giao thông  đô thị lớn và giảm tai nạn giao thông. Cùng với những biện pháp xây dựng hạ tầng cơ sở giao thông lâu dài và trước mắt như xây cầu vượt tạm, xây đường trên cao, xén bớt vỉa hè rộng, thay đổi giờ làm việc và học tập giãn giờ cao điểm, xóa bỏ các điểm dùng vỉa hè lòng đường trông giữ xe… thì có việc thu phí phương tiện. Vậy là động chạm lợi ích sát sườn của các nhóm lợi ích. Trên 90% dân nội đô đi làm bằng xe máy phản đối có thể hiểu. Còn nhóm nhỏ có khả năng tài chính thậm chí giàu sang nói chuyện toàn tiền tỷ thì mức thu 20 đến 50 triệu một năm là một tỷ lệ rất nhỏ bé cũng ào ào phản đối. Xóa bỏ các điểm dùng vỉa hè lòng đường trông giữ xe lại động chạm tới nguồn thu của phường hoặc tổ chức quản lý trật tự đường phố. Đến như Hãng xe Ford Việt Nam cũng tổ chức một cuộc họp báo khoe số tiền nộp thuế cho nhà nước Việt Nam, không quên có một câu nhắc khéo “Hạn chế dùng xe ô tô là giết thịt con gà đang đẻ trứng vàng”. Lớn hơn, di dời các trường đại học, bệnh viện, cơ quan bộ ra ngoại ô để giãn dân lại đẻ ra vấn đề đất ấy tái sử dụng vào việc gì, làm công viên hay xây nhà cao tầng cho thuê, quỹ đất ấy thu hồi làm phúc lợi chung hay vẫn thuộc đơn vị cũ quản lý… Một năm rồi những ý tưởng tốt đẹp ấy vẫn đang bàn cãi sôi động và đợi nghiên cứu thêm. Người trong cuộc lúng túng. Trong khi đó ùn tắc giao thông đô thị lớn vẫn như cũ và số người chết vì tai nạn giao thông cũng vẫn ở con số kỷ lục như cũ (30 người một ngày, tương đương thương vong ở một nước đang có chiến tranh). Lợi ích nhóm tồn tại mặc định.

      Những nơi khác báo chí nói, phố tôi ở tôi nhìn thấy. Hai vỉa hè buổi tối đêm chật ních khách trẻ ngồi tràn kín uống chè tranh đá cắn hạt hướng dương xe máy ken xếp dày, lại có cả ô tô đỗ, người đi bộ phải đi xuống lòng đường. Thỉnh thoảng xe cảnh sát lướt chậm gọi loa nhắc nhở và chỉ nhắc nhở mặc dù chế tài xử lý vi phạm rất đủ đầy. Các chủ hàng không “chi cho” sao họ dám ngang nhiên sử dụng “đất công” tự do thế. Bây giờ người ta “xin” được “cho” nhau tiền ở bệnh viện, ở trường học, ở các khâu làm thủ tục hành chính công, mà còn khó nếu không biết cách “cho” hoặc vật cho chưa đủ “ký”. Lòng tin đang bị khủng hoảng giữa con người với con người và giữa con người với xã hội. Những “tín điều” không còn thiêng liêng nữa. Người ta nghi ngờ ngay cả với những việc làm từ thiện bởi có quá nhiều việc làm từ thiện để cầu danh cầu lợi hoặc quảng cáo cho doanh nghiệp cho cá nhân mình thậm chí là sự rửa tiền trốn tội.
 

 

Nỗi đau chung của xã hội là tính vụ lợi lây lan như dịch bệnh. Một xã hội gần như “tham lam - nói dối” không biết đến liêm sỉ mang tính hệ thống. Nghị quyết Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 4 về tăng cường giáo dục đạo đức đảng viên trong giai đoạn hiện nay được nhân dân cả nước cho rằng nó đáp ứng sự mong mỏi và kỳ vọng ở một Đảng cầm quyền. Đây không phải là lần đầu tiên nhưng cũng chưa hẳn là lần cuối cùng chỉnh đảng mặc dù giáo dục đạo đức đảng viên là việc làm cần thiết thường xuyên liên tục như Chủ tịch Hồ Chí Minh sinh thời Người từng dạy.

      Vương quốc Anh là Nhà tài trợ điều phối về Phòng, chống Tham nhũng của các Đối tác phát triển Quốc tế cho Việt Nam. Năm ngoái, Vương quốc Anh phối hợp với Thanh tra Chính phủ và Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống Tham nhũng tổ chức một cuộc “Đối thoại” lần thứ 10 tại Hà Nội. Tại đây Tiến sĩ Antony Stoker, Đại sứ Vương quốc Anh tại Việt Nam dẫn sự kiện cách nay 55 năm, rằng năm 1946, các Đại biểu Quốc hội Việt Nam đã chất vấn Chính phủ về nạn ăn hối lộ, và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Chính phủ sẽ dùng luật pháp trị những kẻ ăn hối lộ. Đã trị, đang trị, và sẽ trị cho kỳ hết”. Đã 56 năm trôi qua hối lộ lại đã “tăng trưởng” thành tham nhũng.

      Lòng tin bị khủng hoảng nhưng không phải tất thảy mất hết lòng tin. Chỉ có điều lòng tin ấy không có môi trường để đâm chồi nảy lộc ra hoa kết trái.

      Đã nhiều thời chữ “Cho” mang ý nghĩa thiêng liêng như một nghĩa cử cao đẹp của tính bản thiện: “Thấy người hoạn nạn thì thương”, “Thương người như thể thương thân”, “Bầu ơi thương lấy bí cùng”, “Lá lành đùm lá rách”, “Bát cơm thiếu mẫu dạ ơn ngàn vàng”…

      Có một thời chữ “Cho” như là một trách nhiệm dâng hiến “Vì nhân dân quên mình”, “Vì nhân dân hy sinh”, “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”…

      Một thời tuổi thơ tôi được dạy: “Hãy gieo hạt đi và đừng chờ ngày hái quả. Con sẽ được trái ngọt nơi người khác trồng”.

      “Cho” là tấm lòng. “Nhận” không mang nợ.

 

      Kinh tế thị trường không làm cho đạo đức con người tồi đi. Nó sòng phẳng trong cống hiến và hưởng thụ. Nó buộc con người phải học tập rèn luyện kỹ năng và lao động sáng tạo để có thu nhập cao chứ không phải chụp dựt lừa đảo mà có, hoặc lợi dụng “đục nước béo cò”. “Cho” là cho điều kiện - cơ hội. “Nhận” là nhận “vốn” để có thể làm ăn sinh lời nhưng cần bảo toàn vốn. Giống như cho “cần câu” mà không cho “cá”. Phải câu mới có cá ăn. Làm việc và kinh doanh trong môi trường bình đẳng, công bằng xã hội, công khai minh bạch và dân chủ. Nếu có phân hóa giàu nghèo là giữa người chăm chỉ và kẻ lười biếng. Trận động đất sóng thần lịch sử vừa qua ở Nhật Bản, một nước kinh tế thị trường phát triển, đã cho nhân loại thấy lòng thương người của người Nhật trong hoạn nạn rất nhân bản. Có khác chi một nhiều thời, một thời chúng ta đã có?

      Hơn 2.500 năm trước Lão-Trang ngữ  lục đã nói về nhân tình - sự lý tới giờ còn nguyên giá trị. Con người sinh ra ở trên đời, không thể không biết nhân tình, không thể không đạt sự lý. Thấu nhân tình mới có thể lập thân, đạt sự lý mới có thể thành nghiệp. Trong suốt cuộc đời, nhất định con người sẽ làm ra rất nhiều sự việc. Muốn làm việc, thế tất phải liên quan đến rất nhiều người. Và Lão Tử nghiệm ra: Tai họa, không gì lớn hơn tai họa của việc bất tri túc. Tội lỗi, không gì lớn hơn của lòng tham vô đáy. Cho nên biết đầy đủ của sự đầy đủ, sẽ vĩnh viễn được đầy đủ. Ngạn ngữ Việt cũng có câu: “Làm người phải đắn phải đo / Phải cân nặng nhẹ phải dò nông sâu”.

      Sự vật ở trong thế gian, có khi giảm bớt nó đi, thế mà nó lại được tăng thêm. Trái lại, muốn tăng thì nó lại giảm bớt.

      Kết quả khảo sát chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) 2011 công bố ngày 3 tháng 5 tại Hà Nội cho thấy, tình trạng “tham nhũng vặt” ở Việt Nam phổ biến, trở thành vấn nạn mang tính hệ thống. Nếu trong một năm, người dân vừa phải chi phong bì cho khám chữa bệnh, vừa phải chi cho thày cô để con được quan tâm hơn, vừa phải làm thủ tục xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì trung bình họ sẽ phải mất khoảng 7,5 triệu đồng cho việc “lót tay”. Gấp 7 lần mức lương tối thiểu quy định hiện nay. Đó là phát biểu của ông Jairo Acuna – Alfaro, Cố vấn chính sách về Cải cách hành chính và Chống tham nhũng của UNDP.

      Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) là công cụ giám sát thực thi chính sách được xây dựng với sự phối hợp chặt chẽ giữa Tạp chí MTTQ, Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trung tâm nghiên cứu phát triển và hỗ trợ cộng đồng (CECODES) thuộc VUSTA và Chương trình phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) tại Việt Nam. Chỉ số PAPI bắt đầu được thực hiện thí điểm ở Việt Nam năm 2009 tại 3 tỉnh / thành phố. Năm 2011, nghiên cứu PAPI được thực hiện trên toàn bộ 63 tỉnh / thành phố cả nước với sự tham gia chia sẻ trải nghiệm và ý kiến của 13.642 người dân với 22 nột dung thành phần và 92 chỉ số thành phần, trong đó có kiểm soát tham nhũng và thủ tục hành chính công, cung ứng dịch vụ công. Chỉ có 15 tỉnh trong số 63 tỉnh / thành phố có điểm số kiểm soát tham nhũng thấp nhất mà đa phần là tỉnh miền núi.

      Nói về cuộc khảo sát này, Ông Phó chủ tịch UBND tỉnh Long An Trần Hữu Phước cho rằng phải lấy sự hài lòng của dân làm thước đo chất lượng phục vụ dịch vụ công của các cấp chính quyền. Còn Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Thang Văn Phúc hiện là Cố vấn cao cấp của PAPI yêu cầu: Cải cách Hành chính cần có tiêu chí định lượng cụ thể. Phải có giải pháp đồng bộ từ xây dựng chính sách, thiết chế kiểm tra, đến giám sát đánh giá; không chỉ trong hệ thống mà cần có cả từ bên ngoài, từ xã hội, từ nhân dân.

      “Cho” và “Nhận” thời hiện đại ở Việt Nam đã cao hơn hối lộ ở ngưỡng tham nhũng và đạt chuẩn mức độ vấn nạn.

      Trở lại câu nói của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về vấn nạn tham nhũng trong buổi tiếp xúc cử tri quận Ba Đình: “Chúng ta đã bắt bệnh, đã cắt thuốc, giờ phải lo uống cho đủ, đúng liều!” Liệu thuốc ấy có là thần dược như tục ngữ Việt có câu “Bệnh quỷ đã có thuốc tiên”?

      Giang Lân

Bình luận
vtcnews.vn