Thủ tướng: 'Việt Nam có 100 triệu dân, không thể để mất thị trường bán lẻ'

Chính sách thuế và cuộc sốngThứ Sáu, 27/12/2019 17:00:39 +07:00
(VTC News) -

“Không để mất thị trường bán lẻ, cần phát huy ngành hàng, hiệp hội, chống buôn lậu và gian lận thương mại, phát triển thị trường mới và xây dựng thương hiệu hàng hóa Việt Nam”.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lưu ý lãnh đạo Bộ Công Thương như trên tại Hội nghị tổng kết năm 2019 và triển khai kế hoạch năm 2020 của Bộ ngày 27/12.

“Việt Nam có 100 triệu dân nên không thể để mất thị trường bán lẻ. Chúng ta cần phát huy ngành hàng, hiệp hội, chống buôn lậu và gian lận thương mại, phát triển thị trường mới và xây dựng thương hiệu hàng hóa Việt Nam”, Thủ tướng nói.

Thủ tướng: 'Việt Nam có 100 triệu dân, không thể để mất thị trường bán lẻ' - 1

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. (Ảnh: VGP)

Trong bối cảnh tình hình quốc tế và khu vực diễn biến phức tạp với nhiều rủi ro xung quanh "cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung”, xu thế bảo hộ mậu dịch và so với kết quả thực hiện của năm 2018 ở mức rất cao (xuất khẩu đã ở mức trên 243 tỷ USD, xuất siêu 6,83 tỷ USD), thì mức tăng của năm 2019 là rất tích cực và cho thấy nỗ lực rất lớn của các doanh nghiệp cũng như sự đóng góp của ngành Công Thương. “Khối doanh nghiệp trong nước xuất khẩu đạt 82,1 tỷ, tăng 17,7. Kim ngạch xuất khẩu đạt kỷ lục gần 264 tỷ USD, xuất siêu đạt 9,94 tỷ USD. Có 32 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, trong đó 8 mặt hàng xuất khẩu trên 5 tỷ USD và 6 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Theo Thủ tướng, có được kết quả trên là nhờ vào việc Việt Nam chủ động tham gia các hiệp định thương mại tự do, nhờ chủ trương hội nhập đúng đắn của Đảng và Nhà nước, đây chính là chìa khóa thúc đẩy cải cách và tăng trưởng kinh tế.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, Thủ tướng cho rằng Bộ Công Thường cũng phải nhìn thẳng vào những tồn tại, bất cấp cần tập trung xử lý và khắc phục trong thời gian tới.

Trong đó tập trung vào 5 vấn đề là lập, điều chỉnh nhiều chiến lược, quy hoạch; tập trung phát triển công nghiệp; đẩy mạnh liên kết và hợp tác kinh doanh giữa các doanh nghiệp trong cùng một ngành và giữa các ngành; đảm bảo trật tự thị trường, tăng cường kiểm soát tình trạng kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng và gian lận thương mại; nâng cao việc theo dõi, đánh giá và triển khai thực thi các cam kết hội nhập.

Từ đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương cần xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính sách, phải có tầm nhìn dài hạn, nhất quán, tạo môi trường thuận lợi, đồng bộ hướng vào tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của ngành.

Tạo lập hệ thống đòn bẩy kinh tế hợp lý, ổn định và dài hạn để thúc đẩy phân bổ và sử dụng nguồn lực xã hội chủ yếu theo nguyên tắc cơ chế thị trường.

Nâng cao năng suất nội ngành của các ngành công nghiệp, phát triển ngành công nghiệp Việt Nam giảm phụ thuộc vào lợi thế không bền vững của nguồn tài nguyên như dầu thô, dầu mỏ, thay vào đó phải chuyển ngành công nghiệp dựa trên khai thác tự nhiên sang nền công nghiệp dựa trên nền tảng sáng tạo, lấy khoa học công nghệ làm động lực và nền tảng cạnh tranh.

Coi doanh nghiệp là trung tâm đổi mới sáng tạo, là trọng tâm của sự phát triển ngành Công Thương, tiếp tục tạo ra thay đổi, nâng cao sức cạnh tranh bằng việc tạo môi trường thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh.

Cơ cấu lại mạnh mẽ ngành công nghiệp, phải bám vào tăng năng suất, áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ, đặc biệt là ứng dụng thành tựu của cuộc cách mạng công nghệ 4.0, đồng thời chú trọng phát triển công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp sản xuất linh kiện, cụm linh kiện nhằm tham gia sâu và có hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp thúc đẩy xuất khẩu, kiểm soát nhập khẩu, theo dõi sát diễn biến tình hình để có đối sách phù hợp.

“Không chỉ trong nước mà phải có chuyên đề bàn việc đón bắt thời cơ thu hút các tập đoàn công nghệ. Cơ chế nào để tiếp tục thu hút các tập đoàn công nghệ vào Việt Nam? Nên cần tái cơ cấu mạnh mẽ ngành công nghiệp, tăng năng suất lao động, áp dụng khoa học công nghệ, chú trọng công nghiệp hỗ trợ, sản xuất linh kiện, cụm linh kiện tham gia sâu chuỗi giá trị toàn cầu”, Thủ tướng nói.

Hoàng Hưng
Bình luận
vtcnews.vn