Chính sách phải được thiết kế từ quan điểm gia đình làm trung tâm

Văn hóa - Giải tríThứ Sáu, 08/12/2023 07:30:00 +07:00
(VTC News) -

Để phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới, các chính sách phải được thiết kế từ quan điểm lấy gia đình làm trung tâm.

Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) tổ chức Hội thảo khoa học Báo cáo kết quả nghiên cứu nổi bật năm 2023 về hôn nhân và gia đình vào ngày 7/12.

Hội thảo thu hút đông đảo sự tham gia của các học giả, nhà nghiên cứu và đại biểu quan tâm đến vấn đề gia đình.

TS. Nguyễn Đình Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới phát biểu tại hội thảo.

TS. Nguyễn Đình Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới phát biểu tại hội thảo.

Phát biểu tại hội thảo, TS. Nguyễn Đình Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới đánh giá, những năm gần đây, gia đình Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức mới cùng sự biến đổi các loại hình hôn nhân.

Gia đình hiện nay không chỉ đồng nhất hôn nhân truyền thống mà còn xuất hiện nhiều loại hình mới như: Hôn nhân đồng giới, gia đình đơn thân, chung sống không kết hôn, độc thân, không sinh con...

Cùng với đó, quá trình mở cửa, hội nhập và phát triển của khoa học công nghệ, nhất là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã và đang tác động sâu rộng đến đời sống hôn nhân và gia đình từ quan điểm, lối sống đến hành vi ứng xử của mỗi cá nhân con người trong xã hội.

Những vấn đề này, một mặt tác động tích cực đến đời sống kinh tế, xã hội nói chung, đến mỗi cá nhân và gia đình nói riêng; mặt khác cũng đang đặt ra những thách thức không nhỏ, tác động trực tiếp đến đời sống hôn nhân và gia đình, đòi hỏi gia đình cần có những hỗ trợ và bảo vệ tốt hơn nhằm thích ứng với bối cảnh mới.

Để phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới, TS. Nguyễn Đình Tuấn cho rằng, cần xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người Việt Nam thông qua việc giữ gìn, phát huy các giá trị truyền thống, đạo lý uống nước nhớ nguồn; kế thừa di sản giá trị gia đình truyền thống; tăng cường gắn kết các thế hệ trong gia đình với nhau trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, di cư lao động.

Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học đã tập trung thảo luận, phân tích, đánh giá kết quả của các nghiên cứu, đồng thời chia sẻ quan điểm, kinh nghiệm và thực tiễn trong quá trình nghiên cứu. 

GS.TS. Hoàng Bá Thịnh, Đại học Quốc Gia Hà Nội trình bày tham luận Một số hướng nghiên cứu về gia đình hiện nay. Trong đó, ông đề cập đến chính sách về gia đình gồm nhiều mục tiêu khác nhau như: Giảm nghèo và duy trì thu nhập, chi phí tài chính nuôi con, thúc đẩy việc làm, cải thiện bình đẳng giới, hỗ trợ phát triển tuổi thơ, tăng tỷ lệ sinh...

Chính sách về gia đình còn liên quan đến những chính sách xã hội khác như: Quyền lợi nghỉ phép của cha mẹ, chính sách thai sản; chăm sóc trẻ em, chăm sóc các thành viên gia đình (đau ốm, bệnh tật, tai nạn…).

Theo GS.TS Hoàng Bá Thịnh, các chính sách phải được thiết kế từ quan điểm lấy gia đình làm trung tâm. Các chính sách ít liên quan trực tiếp hơn phải được xem xét kỹ lưỡng về tác động tiềm tàng của chúng đối với hoạt động của gia đình.

Tuy nhiên, để có được chính sách tốt, cần dữ liệu đầy đủ và đáng tin cậy. Vì vậy, sự thiếu hụt số liệu thống kê liên quan đến gia đình bao gồm đầy đủ các loại hình và cấu trúc gia đình phổ biến hiện nay đã cản trở sự phát triển hiệu quả của chính sách.

Chính sách phải được thiết kế từ quan điểm gia đình làm trung tâm.

Chính sách phải được thiết kế từ quan điểm gia đình làm trung tâm.

Nghiên cứu về vấn đề ly hôn hiện nay, PGS.TS Trần Thị Minh Thi, Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới đề cập việc ly hôn ở Việt Nam tăng lên theo xu hướng các quốc gia châu Á. Lý do dẫn đến tình trạng này là do hiện đại hóa, đi cùng với sự phát triển của công bằng xã hội, bình đẳng giới, nâng cao vị thế kinh tế-xã hội của phụ nữ và mở rộng chủ nghĩa cá nhân.

Ngoài ra chính sách và chiến lược của Nhà nước về hôn nhân, gia đình, dân số và bình đẳng giới; phát triển kinh tế-xã hội; hội nhập quốc tế về văn hóa, xã hội và truyền thông đại chúng cũng ảnh hưởng quan trọng đến xu hướng ly hôn này.

Tại Hội thảo, một số vấn đề khác cũng được thảo luận như: Kế thừa và phát triển giá trị truyền thống của gia đình Việt Nam; ảnh hưởng của tham gia các hoạt động cộng đồng tới sức khỏe tinh thần của người cao tuổi; bạo lực thể chất trong gia đình đối với trẻ em…

Từ những vấn đề trên, các nhà nghiên cứu đã cùng nhau trao đổi tại Hội thảo ngoài việc làm sáng tỏ kết quả nghiên cứu còn góp phần làm cơ sở và căn cứ khoa học về các vấn đề hôn nhân - gia đình ở Việt Nam hiện nay, cũng như cung cấp những luận cứ khoa học cho Đảng và Nhà nước trong việc chỉnh sửa, ban hành các chính sách luật pháp.

Lê Chi
Bình luận
vtcnews.vn