Chia sẻ và kết nối dữ liệu: Chìa khóa thành công trong xây dựng Chính phủ số

Sản phẩmThứ Tư, 01/11/2023 08:47:00 +07:00
(VTC News) -

“Chìa khóa thành công” trong xây dựng Chính phủ số chính là dữ liệu được kết nối, chia sẻ hiệu quả, an toàn.

Tạo lập, khai thác dữ liệu để tạo giá trị mới

Ngay từ năm 2020, trong Nghị định số 47/NĐ-CP về quản lý, kết nối, chia sẻ dữ liệu số của cơ quan nhà nước, Chính phủ xác định dữ liệu là yếu tố cốt lõi trong xây dựng Chính phủ điện tử; dữ liệu số là nền tảng để phát triển hướng tới Chính phủ số. Thực thi nguyên tắc thu thập dữ liệu một lần, khi dữ liệu được cơ quan nhà nước thu thập và quản lý, chia sẻ, thì cơ quan nhà nước sẽ không được yêu cầu người dân, doanh nghiệp cung cấp lại.

Công dân, doanh nghiệp có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước đang quản lý dữ liệu cá nhân của mình chia sẻ cho cơ quan nhà nước khác để hạn chế phải cung cấp lại dữ liệu, qua đó tạo thuận tiện cho người dân, doanh nghiệp và đơn giản hóa thủ tục hành chính.

Tại Hội nghị “Sơ kết 1 năm triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030” diễn ra cuối năm ngoái, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo: Năm 2023 là năm tạo lập và khai thác dữ liệu để tạo ra giá trị mới, với nhiệm vụ trọng tâm là số hóa, xây dựng, kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các bộ, ngành, địa phương; khai thác, sử dụng dữ liệu để phục vụ ngày càng tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp.

Các cơ sở dữ liệu quốc gia và cơ sở dữ liệu chuyên ngành được đẩy mạnh triển khai xây dựng, kết nối, chia sẻ; tạo tiện ích trong việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân, doanh nghiệp.

Chia sẻ và kết nối dữ liệu: Chìa khóa thành công trong xây dựng Chính phủ số - 1

Xác định 2023 là năm dữ liệu số, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng nhanh chóng phê duyệt kế hoạch triển khai "Năm Dữ liệu số quốc gia", với những mục tiêu lớn gồm: 100% bộ, ngành, địa phương ban hành danh mục cơ sở dữ liệu thuộc phạm vi quản lý và kế hoạch, lộ trình cụ thể để xây dựng, triển khai các cơ sở dữ liệu trong danh mục.

Trên 50% bộ, ngành, địa phương ban hành kế hoạch triển khai nền tảng phân tích, xử lý dữ liệu tổng hợp cấp bộ, cấp tỉnh, có ứng dụng trí tuệ nhân tạo để tối ưu hóa hoạt động; 100% bộ, ngành địa phương cung cấp dịch vụ chia sẻ dữ liệu trên Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (NDXP) và các nền tảng chia sẻ dữ liệu cấp bộ/tỉnh (LGSP).

Những kết quả bước đầu

Thực tế thời gian qua, các bộ, ngành, địa phương quan tâm hơn tới chuyện kết nối, tạo lập dữ liệu số, hình thành nên những cơ sở dữ liệu đem lại lợi ích thiết thực cho người dân, doanh nghiệp và cả công tác quản lý của cơ quan nhà nước.

Theo Báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông, tổng số giao dịch thực hiện thông qua Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (NDXP) trong 6 tháng đầu năm 2023 đạt gần 277 triệu giao dịch (trung bình khoảng 1,38 triệu giao dịch/ngày). Tổng số giao dịch thực hiện thông qua NDXP từ khi khai trương đến nay là hơn 1,35 tỷ giao dịch.

100% các bộ, ngành, địa phương kết nối gửi, nhận văn bản điện tử thông qua Trục liên thông văn bản quốc gia, trong đó có khoảng 30 nghìn đơn vị hành chính các cấp. 6 tháng đầu năm 2023, khoảng 3,6 triệu văn bản điện tử được gửi, nhận qua Trục liên thông văn bản quốc gia, gấp 1,3 lần so với cùng kỳ năm 2022; lũy kế tới nay đã có hơn 23 triệu văn bản gửi, nhận trên Trục liên thông văn bản quốc gia.

Mặt khác, Bộ Thông tin và Truyền thông hỗ trợ hoàn thành kết nối Cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức với 23 bộ, ngành và 60 địa phương; kết nối Hệ thống đăng ký, giải quyết chính sách trợ giúp xã hội trực tuyến với 41 địa phương.

Đồng nghĩa với những con số đáng chú ý kể trên là một khối lượng lớn dữ liệu số đã được tạo lập, kết nối, chia sẻ, giúp đem lại “giá trị mới” cho công tác chỉ đạo, điều hành cho các cơ quan nhà nước trên hành trình hướng tới Chính phủ số.

Nhiều giải pháp công nghệ mới đang được triển khai dựa trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư nhằm góp phần tạo dựng hệ sinh thái công dân số. (Ảnh: B.M)

Nhiều giải pháp công nghệ mới đang được triển khai dựa trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư nhằm góp phần tạo dựng hệ sinh thái công dân số. (Ảnh: B.M)

Để nói về “giá trị mới” đối với người dân, doanh nghiệp có được nhờ quá trình tạo lập và khai thác dữ liệu, một trong những “điểm sáng” nhất là Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Bộ Công an tích cực triển khai Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, tính đến ngày 18/6/2023 đã hoàn thành xác thực thông tin của hơn 86 triệu nhân khẩu. Hiện Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã kết nối chính thức với 13 đơn vị bộ, ngành, 1 doanh nghiệp nhà nước (EVN), 3 doanh nghiệp viễn thông (Viettel, VinaPhone, MobiFone) và 63 địa phương.

Cục Hàng không chính thức cho phép hành khách sử dụng tài khoản định danh điện tử mức độ 2 để làm thủ tục hàng không, từ ngày 2/8/2023.

Cục Hàng không chính thức cho phép hành khách sử dụng tài khoản định danh điện tử mức độ 2 để làm thủ tục hàng không, từ ngày 2/8/2023.

Toàn quốc đã có rất nhiều địa phương triển khai số hóa dữ liệu hộ tịch trên nền tảng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, chẳng hạn: Thái Nguyên, Bình Phước, Bạc Liêu, Gia Lai, Quảng Bình, Quảng Nam, Hà Nam, Bình Dương, Hải Dương, Phú Thọ, Hà Nội…

Tính đến gần cuối tháng 6/2023, trên Hệ thống đăng ký và quản lý hộ tịch đã có hơn 42,1 triệu dữ liệu đăng ký khai sinh, trong đó gần 8,9 triệu trẻ em được cấp số định danh cá nhân theo quy định, hơn 5 triệu hồ sơ khai sinh có số định danh cá nhân được chuyển sang hệ thống của bảo hiểm xã hội; hơn 10 triệu dữ liệu đăng ký kết hôn; hơn 7,2 triệu dữ liệu đăng ký khai tử; và gần 10,3 triệu dữ liệu khác.

Bộ Công an đang phối hợp với Bộ Tư pháp để rà soát lại tất cả nội dung có liên quan tới giấy tờ công dân, không chỉ là sổ hộ khẩu mà còn nhiều giấy tờ khác, để dần dần giảm bớt việc phải xuất trình quá nhiều giấy tờ thủ công. Khi có dữ liệu điện tử đã được kết nối, chia sẻ, người dân đỡ mất bỏ thời gian, công sức, tiền bạc để thực hiện các thủ tục hành chính”, Trung tá Nguyễn Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Dữ liệu quốc gia về dân cư, Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an cho biết.

Những cơ sở dữ liệu kể trên đã, đang và sẽ góp phần hình thành nên hệ sinh thái công dân số, tạo thuận lợi hơn cho quá trình giao dịch giữa công dân số với Chính phủ số.

Dữ liệu là tài sản nhà nước

TS. Nguyễn Nhật Quang, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp phần mềm và dịch vụ CNTT Việt nam (VINASA) phản ánh, vẫn còn tình trạng cấp bộ xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu, sau đó cấp sở trực tiếp nhập dữ liệu vào hệ thống, nhưng đến khi cấp sở muốn dùng dữ liệu đó cho công tác quản lý nghiệp vụ của mình thì lại không lấy được. Bên cạnh “nạn” cát cứ thông tin, đang có cả tình trạng tập quyền thông tin, cấp trên không chia sẻ cho cấp dưới mặc dù cấp dưới cung cấp thông tin lên.

TS. Nguyễn Nhật Quang, Phó Chủ tịch VINASA. (Ảnh: B.M)

TS. Nguyễn Nhật Quang, Phó Chủ tịch VINASA. (Ảnh: B.M)

Ông Quang nêu quan điểm: “Nên coi dữ liệu là tài sản nhà nước/công sản. Bởi tất cả dữ liệu xuất hiện trong cơ quan nhà nước được tạo ra bởi ngân sách nhà nước, do những công chức ăn lương nhà nước tạo ra. Dữ liệu là của toàn dân, nhà nước thống nhất quản lý, giống như đất đai. Nhà nước phân công cho các bộ, sở cập nhật dữ liệu, chịu trách nhiệm về tính đúng đắn của dữ liệu, chứ không phải cơ sở dữ liệu là của riêng bộ/sở nào”.

Liên quan câu chuyện coi dữ liệu là công sản, tại Hội nghị “Sơ kết 1 năm triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030” cuối năm ngoái, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: “Trong năm 2023, dứt khoát phải xây dựng Trung tâm Dữ liệu quốc gia, đây là tài sản của quốc gia, không phải của riêng bộ, ngành nào; Đẩy mạnh xây dựng, cập nhật, liên thông, kết nối, chia sẻ các nền tảng số, cơ sở dữ liệu đồng bộ, thực chất, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm”.

GS.TS. Hồ Tú Bảo, Trưởng Phòng Khoa học dữ liệu, Viện Nghiên cứu Cao cấp Về Toán (VIASM) nhận định: “Với quyết tâm của các bộ, ngành, địa phương, chúng ta sẽ làm được Trung tâm Dữ liệu quốc gia ở một mức độ nhất định. Tuy nhiên, cần phải coi các cơ sở dữ liệu quốc gia như thực thể sống, cần bồi đắp, xây dựng dần dần để có những dữ liệu “đúng – đủ - sạch - sống”. Nếu những người thụ hưởng dữ liệu cảm thấy dữ liệu thực sự có giá trị thì sẽ cố gắng làm. Còn nếu chỉ triển khai bằng các mệnh lệnh, chủ trương thì sẽ rất khó”.

Trong Chính phủ số, các cơ quan, tổ chức, đối tượng liên quan sẽ phải thay đổi quy trình, các hoạt động đều phải dựa vào dữ liệu. Việc chia sẻ và kết nối dữ liệu thông suốt, đảm bảo an toàn an ninh thông tin chính là “chìa khóa thành công” trong xây dựng Chính phủ số thời gian tới.

Rất mong các cơ quan nhà nước thực sự nhìn nhận dữ liệu là tài sản nhà nước, tích lũy, phát triển các cơ sở dữ liệu chuyên ngành và cơ sở dữ liệu liên ngành càng sớm, càng nhanh càng tốt.

Bảo Anh
Bình luận
vtcnews.vn