Chia sẻ kinh nghiệm truyền thông hệ thống truy xuất nguồn gốc dược liệu

Tin tứcThứ Ba, 05/12/2023 12:21:00 +07:00
(VTC News) -

Dự án phát triển kinh tế xã hội ở các tỉnh miền núi trong chương trình MTQG 1719 thành công hay không là phụ thuộc vào công tác truyền thông.

Đó là chia sẻ của bác sĩ Hoàng Quốc Hương, Giám đốc Sở Y tế Lào Cai tại Hội thảo tập huấn truyền thông hệ thống truy xuất nguồn gốc dược liệu, các sản phẩm từ dược liệu gắn với sàn giao dịch thương mại điện tử.

Hội thảo do Trung tâm Truyền thông - Giáo dục Sức khỏe Trung ương (Bộ Y tế) phối hợp với Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền (Bộ Y tế) và Sở Y tế tỉnh Lào Cai tổ chức 2 ngày (5 - 6/12/2023), tại thành phố Lào Cai.

ThS Hoàng Thị Khánh Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe Trung ương cho biết, chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I triển khai từ năm 2021 đến năm 2025 (gọi tắt là Chương trình mục tiêu quốc gia 1719) về đầu tư, hỗ trợ phát triển vùng trồng dược liệu quý.

Toàn cảnh Hội thảo.

Toàn cảnh Hội thảo.

Chương trình tập trung truyền thông nâng cao xây dựng phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, vùng trồng dược liệu quý thu hút đầu tư vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, và truyền thông hệ thống truy xuất nguồn gốc dược liệu và các sản phẩm từ dược liệu, gắn với sàn giao dịch thương mại điện tử.

Chương trình nhằm mục đích, tăng cường trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, Bộ, ngành, chính quyền địa phương, doanh nghiệp, người dân và cộng đồng xã hội tích cực tham gia vào các hoạt động hình thành chuỗi giá trị phát triển dược liệu quý nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế của dân tộc thiểu số và miền núi, đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội.

Bác sĩ Hoàng Quốc Hương, Giám đốc Sở Y tế Lào Cai cho biết, Chương trình mục tiêu quốc gia 1719 là một trong những vấn đề mới, cần được truyền thông mạnh mẽ nhằm nâng cao nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng của Dự án đối với sự phát triển kinh tế xã hội ở các tỉnh miền núi. Do đó, dự án thành công hay không, truyền thông phải đi đầu, truyền thông huy động các cấp, các ngành cùng tham gia.

Tại hội thảo, tập huấn, các học viên đã được các chuyên gia về Y dược cổ truyền, về khoa học và công nghệ, báo chí cung cấp các thông tin, tìm hiểu, trao đổi, thảo luận các chuyên đề về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước liên quan đến phát triển dược liệu Việt Nam; hệ thống hóa các văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực dược liệu, y học cổ truyền; thực trạng sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc từ dược liệu tại Bệnh viện Y học cổ truyền Lào Cai.

Tại tỉnh Lào Cai, đến thời điểm hiện tại, tổng diện tích cây dược liệu toàn tỉnh đạt 3.550 ha; sản lượng đạt 18.200 tấn tươi, giá trị thu nhập bình quân từ sản xuất cây dược liệu đạt từ 110 - 140 triệu đồng/ha.

Trong đó, 210 ha cây dược liệu trồng (13 loại cây) được Bộ Y tế đánh giá công nhận đạt các nguyên tắc, tiêu chuẩn thực hành tốt nuôi trồng, thu hái dược liệu (GACP).

Một cơ sở được Bộ Y tế cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất nguyên liệu làm thuốc, thuốc y học cổ truyền, 2 cơ sở được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất mỹ phẩm với nhiều sản phẩm có nguồn nguyên liệu từ Lào Cai được đánh giá cao trên thị trường.

Địa phương này cũng xác định phát triển dược liệu là mục tiêu chiến lược với một trong những trọng tâm là phát triển dược liệu gắn với du lịch.

Những năm gần đây, các sản phẩm dược liệu của Lào Cai kết hợp với mô hình phát triển du lịch cộng đồng, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch dược liệu tại các địa phương có du lịch phát triển như Sa Pa, Bắc Hà đã tạo cơ hội phát triển, mở rộng quy mô sản xuất dược liệu đối với đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh, tạo thêm việc làm, góp phần phát triển, kinh tế, xã hội của địa phương.

NHƯ LOAN
Bình luận
vtcnews.vn