Chi phí nuôi con nuôi nước ngoài có phải là... bán con?

Thời sựThứ Sáu, 19/03/2010 06:37:00 +07:00

(VTC News) - "Nên xem lại điều 10 - nhiều ĐBQH băn khoăn, không khéo ta biến tướng, cảm giác bán con nuôi cho người nước ngoài" - Ông Nhã đề nghị.

(VTC News) - Nhiều luồng ý kiến khác nhau về lệ phí đăng ký nuôi con nuôi và chi phí giải quyết nuôi con nuôi nước ngoài (điều 10, dự án Luật nuôi con nuôi) được đưa ra tại buổi họp chiều 18/3 trong phiên họp 29 của UBTVQH. Một số ý kiến đề nghị chỉ quy định lệ phí đăng ký nuôi con nuôi, không quy định phí giải quyết việc nuôi con nuôi; Ý kiến khác đồng ý quy định phí giải quyết việc nuôi con nuôi; nhưng cũng có ý kiến đề nghị không quy định phí, lệ phí...

Nộp lệ phí thì cần nhưng...

Đai biểu (ĐB) Trần Đình Nhã đặt câu hỏi: "Điều 10 của dự thảo Luật quy định vẫn phải nộp lệ phí đăng ký nuôi con nuôi và chi phí giải quyết nuôi con nuôi nước ngoài. Tại sao cũng là nhận con nuôi mà con nuôi nước ngoài lại phải nộp lệ phí và chi phí?"

ĐB Nhã cũng nhấn mạnh, chi phí theo dự thảo Luật còn mơ hồ, cách tính thế nào? Ví dụ như khoản "chi phí nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục từ khi trẻ em được giới thiệu làm con nuôi đến khi hoàn thành thủ tục giao nhận con nuôi" thì chi phí sẽ tính cả áo, quần, bơ sữa... chăng?

"Nên xem lại điều 10 - quy định thế này nhiều ĐBQH băn khoăn, không khéo ta biến tướng, cảm giác bán con nuôi cho người nước ngoài" - ĐB Nhã đề nghị.

Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, về độ tuổi được nhận làm con nuôi, tiếp thu ý kiến của nhiều đại biểu Quốc hội, quy định": đối tượng được nhận làm con nuôi là trẻ em dưới 16 tuổi.

Cũng phân vân về nội dung này, Chủ tịch Hội đồng dân tộc Ksor Phước nêu, lệ phí và chi phí trong thực tiễn cuộc sống thấy bình thường nhưng thành văn bản pháp luật thì thấy "có gì không xứng lắm", nhất là vấn đề liên quan đến đạo đức, trong đó có khoản chi phí cho việc giới thiệu trẻ em làm con nuôi. "Đề nghị nên thiết kế sao cho rành mạch để dễ chấp nhận hơn". Tuy nhiên, ông Ksor Phước cũng cho rằng, chi phí là phải có.

Trưởng ban Dân nguyện Trần Thế Vượng đồng tình, chi phí không làm rõ thì dễ bị lợi dụng thành buôn bán trẻ em.

Trước những băn khoăn này, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường diễn giải, lệ phí và phí là quy định chung, từ trước đến nay Chính phủ đã quy định và thực hiện bình thường.Theo ông Cường, đây là chi phí nhỏ bù đắp chi phí hành chính, nhận nuôi con nuôi phải chi phí là bình thường.

Ông Cường cho rằng, cách viết "Người nhận con nuôi phải nộp lệ phí đăng ký nuôi con nuôi và chi phí giải quyết nuôi con nuôi nước ngoài" trong dự thảo Luật làm cho nhiều người băn khoăn. Do đó, theo ông Cường, có thể sửa lại: "Trong nước hay nước ngoài nhận con nuôi đều phải chịu lệ phí và người nước ngoài nhận con nuôi thì nộp chi phí nuôi con nuôi".

"Chi phí trong dự thảo Luật là minh bạch, công khai, rõ ràng, chứ quy định chi phí tùy theo cơ sở nuôi dưỡng như vừa qua thì phức tạp" - ông Cường nhận định.

Cậu bé Việt Nam Phạm Quang Sáng  (Pax Thiên) đã trở thành con nuôi của cặp siêu sao điện ảnh nổi tiếng Hollywood Angielina Jolie và Brad Pit từ tháng 3/2007 (Ảnh: Wirelmage) 
... vẫn "lăn tăn" về các khoản chi phí

Làm rõ thêm về nội dung lệ phí đăng ký nhận con nuôi và chi phí giải quyết nuôi con nuôi, Chủ nhiệm UB Pháp luật Nguyễn Văn Thuận cho biết, trong quá trình thẩm tra dự án Luật thì đa số ý kiến cho rằng lệ phí là cần, là một điều kiện hành chính, nhưng xung quanh nội dung chi phí thì cũng còn nhiều băn khoăn.

"Giờ cố gắng tìm giải pháp phản ánh thực tế của chúng ta - có chi phí không? Cá nhân tôi không có chi phí thì tốt - nhưng các cơ quan khi bàn thì đều thống nhất là phải có. Tuy nhiên định hình ra thu về cái gì để không thường dẫn đến lợi bất cập hại, dẫn đến biến tướng" - ông Thuận đưa ý kiến.

Không chỉ có ý kiến của Chủ nhiệm UB Pháp luật Nguyễn Văn Thuận, một số đại biểu khác cũng đề nghị "không phải chi phí" cho giải quyết việc nuôi con nuôi. Nhưng Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chung Lưu đặt câu hỏi: nước ta mà... giàu có, mà chi trả hết các chi phí nêu trong dự án Luật thì liệu có khả thi? Trong khi nhiều nước phát triển khá mà họ vẫn quy định các khoản chi phí đối với người nhận con nuôi.

Tiếp lời, Bộ trưởng Hà Hùng Cường cho biết, chi phí cho việc nhận con nuôi hoàn toàn phù hợp với quốc tế, với công ước Lahay về bảo vệ trẻ em và hợp tác trong lĩnh vực con nuôi quốc tế. Theo đó, công ước này chỉ cấm trả tiền cho việc bố mẹ hay những người có quan hệ mật thiết với trẻ ký giấy tờ đồng ý cho trẻ làm con nuôi (đồng nghĩa với mua-bán trẻ).

Ông Cường cũng nói thêm, có nhiều cơ sở nuôi dưỡng trẻ em vừa qua phải ngừng hoạt động vì khó khăn, chi phí nuôi dưỡng nhiều.

"Nói theo lý tưởng không cần khoản chi phí gì thì rất hay, nhưng nếu không cần khoản chi phí gì thì thiệt thòi cho các trẻ em sau này. Một trong những mục tiêu xây dựng Luật nuôi con nuôi lần này là có quy định rõ ràng về chi phí với con nuôi nước ngoài. Còn về câu chữ thì UB Pháp luật của Quốc hội và Bộ Tư pháp sẽ chỉnh lý" - ông Cường khẳng định.

Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc Hội Uông Chung Lưu nhấn mạnh, tại điều 10, về nội dung lệ phí đăng ký nuôi con nuôi kể cả trong nước và nước ngoài đều thu lệ phí.

Nhưng nội dung chi phí giải quyết con nuôi nước ngoài cụ thể thế nào cần rà soát lại, thoát khỏi hiểu lầm chung chung và suy đoán.

Điều 10, dự án Luật nhận nuôi con nuôi quy định: "Người nhận nuôi con nuôi phải nộp lệ phí đăng ký nuôi con nuôi và chi phí giải quyết nuôi con nuôi nước ngoài.

Chi phí giải quyết nuôi con nuôi nước ngoài bao gồm: Chi phí cho việc giới thiệu trẻ em làm con nuôi; Chi phí nuôi dưỡng chăm sóc, giáo dục từ khi trẻ được giới thiệu làm con nuôi đến khi hoàn thành thủ tục giao nhận con nuôi; Chi phí làm hồ sơ, công chứng, chứng thực, dịch thuật, thủ tục hộ chiếu, visa, xuất nhập cảnh cho người được nhận làm con nuôi.

Chính phủ quy định chi tiết thẩm quyền thu, mức thu, thủ tục thu và việc quản lý, sử dụng lệ phí, chi phí giải quyết nuôi con nuôi nước ngoài".

Kiều Minh

Bình luận
vtcnews.vn