Chị em nhà Williams lọt top những bóng hồng quyền lực nhất làng thể thao

Thể thaoThứ Bảy, 02/01/2016 11:02:00 +07:00

Tạp chí Forbes đã thống kê 25 phụ nữ quyền lực nhất trong làng thể thao và dĩ nhiên, họ chẳng hề thua kém gì cánh mày râu xét về mọi mặt

Người ta đã quá quen với khái niệm ông chủ của các đội bóng, các CLB, những nhân vật quyền lực nhất. Thế nhưng, tạp chí Forbes vẫn có thể thống kê được 25 phụ nữ quyền lực nhất trong làng thể thao và dĩ nhiên, họ chẳng hề thua kém gì cánh mày râu xét về mọi mặt.

Câu hỏi đặt ra là ai giữ vị trí số 1 như là người phụ nữ quyền lực nhất? Câu trả lời là Lesa France Kennedy, người đã khẳng định như là người đàn bà có ảnh hưởng nhất trong lĩnh vực kinh doanh thể thao khi bà quản lý hơn 1.000 nhân sự và giúp môn đua xe đạt doanh thu khoảng 700 triệu USD mỗi năm.
Lesa France Kennedy
Lesa France Kennedy 

Giữ vai trò CEO của International Speedway Corporation (ISC), Kennedy quản lý 13 đường đua lớn nhất của Mỹ, trong khi bà cũng đóng vai trò quan trọng trong việc chèo lái cỗ máy trị giá hàng tỷ USD là đường đua NASCAR ở vị trí của một thành viên trong ban giám đốc.

Kennedy là cháu gái của Bill France Sr., tay đua loại xe stockcar của những năm 1930 và là người thành lập NASCAR năm 1948; con gái của Bill France Jr., người đã điều hành NASCAR từ năm 1972 tới 2000. Tính ra, ở tuổi 54, bà đã có hơn ba thập kỷ đưa ISC vượt ra khỏi miền nam với những dự án xây dựng và thâu tóm các đường đua tại Illinois, New York, California và một ài bang khác.

Quan trọng hơn, Kennedy còn là thầy và là nguồn cảm hứng cho hàng trăm giám đốc điều hành nữ trong làng thể thao. Đây là lý do giải thích tại sao hội đồng thể thao của Forbes đã xếp bà ở vị trí đầu tiên trong danh sách 25 phụ nữ quyền lực nhất trong làng thể thao.
Michele Roberts
Michele Roberts 

Đứng ở vị trí thứ hai là Michele Roberts, người gần đây đã được bổ nhiệm là giám đốc điều hành của Hiệp hội cầu thủ bóng rổ quốc gia (NBPA). Ở tuổi 59, Roberts đã trở thành người phụ nữ đầu tiên đứng đầu một liên đoàn thể thao chuyên nghiệp tại Bắc Mỹ và cùng với người đứng đầu NFLPA (bóng đá Mỹ) là DeMaurice Smith như là những giám đốc điều hành người Mỹ gốc Phi quyền lực nhất trong làng thể thao.

Không như Kennedy, Roberts vốn là một luật sư xử án nổi tiếng và bà bắt đầu sự nghiệp như là một người bảo vệ cộng đồng tại Washington, trước khi theo đuổi sự nghiệp ở một số hãng luật danh tiếng nhất Mỹ.
Christine Driessen
Christine Driessen 

Ở vị trí thứ ba là Christine Driessen, Phó chủ tịch điều hành và Phụ trách nhân sự tài chính của ESPN . 59 tuổi, Driessen đã đóng một vai trò quan trọng trong việc điều hành tập đoàn truyền thông giá trị nhất thế giới và chịu trách nhiệm giám sát những hợp đồng bản quyền chương trình trị giá hàng tỷ USD với Southeastern Conference (SEC), Major League Baseball, Monday Night Football, cũng như College Football Playoff.

Bà cũng là người đứng sau sự ra đời của các kênh ESPN2, ESPNEWS, ESPNU, ESPN Deportes và espnW hay tham gia đàm phán các thỏa thuận đầu tư nước ngoài của ESPN.

Bởi vì ngành công nghiệp thể thao gồm nhiều lĩnh vực khác nhau nên những người phụ nữ có mặt trong danh sách này cũng rất đa dạng, trong đó có các giám đốc điều hành của các giải (đứng thứ 5: Kim Ng), các đội bóng (thứ 12: Gillian Zucker), điền kinh trung học (thứ 16: Deborah Yow), nắm giữ các công ty (thứ 23: Sarah Robb O’Hagan), công ty truyền thông (thứ 25: Deirdre Lester), chính trị (thứ 13: Condoleezza Rice), cũng như một số VĐV chuyên nghiệp (thứ 4: Venus và Serena Williams, thứ 20: Danica Patrick).

Hay có sự khác biệt về tuổi tác là 44 năm giữa thành viên lớn tuổi nhất trong danh sách (cựu cây vợt 72 tuổi Billie Jean King, đứng thứ 8) và thành viên trẻ nhất (đứng thứ 17, cây vợt 28 tuổi Maria Sharapova). Và cũng không có gì ngạc nhiên nếu danh sách này có những người có học vị như bằng thạc sĩ (đứng thứ 11: Sandy Barbour), cử nhân quản trị kinh doanh (đứng thứ 9: Amy Brooks) hay tiến sĩ luật (đứng thứ 10: Val Ackerman) từ các trường đại học danh tiếng.
Chị em nhà Williams đứng thứ 4 trong danh sách này
Chị em nhà Williams đứng thứ 4 trong danh sách này 

Ngược lại, quan hệ dòng dõi cũng đã giải thích tại sao danh sách này có một vài người, trong đó như đã nói ở trên là Kennedy, hay Jeanie Buss đứng thứ 6 và Katie Blackburn đứng thứ 21.

Và trong khi một số người có thể cho rằng, “một người làm quan, cả họ được nhờ”, nếu không có năng lực và hiểu biết, Kennedy, Buss và Blackburn cũng sẽ không trụ vững ở vị trí của mình. Thậm chí, họ còn rất xứng đáng với những vai trò đang đảm nhận.

Chẳng hạn như Buss có hàng chục năm làm việc dưới sự dìu dắt của cha bà, Jerry, và giúp Los Angeles Lakers giành năm chức vô địch NBA kể từ năm 2000. Hay Blackburn vẫn luôn sát cánh bên cha bà và là ông chủ của Cincinnati Bengals, Mike Brown. Nhờ thế nên trong vòng một thập kỷ qua, Cincinnati Bengals đã ba lần vô địch AFC North và sáu lần lọt vào playoff bóng đá Mỹ.

Mặc dù vậy, số phụ nữ có mặt trong danh sách này vẫn là quá ít so với những đồng nghiệp nam trong ngành công nghiệp thể thao. Thậm chí, trong khi tỷ lệ này đã tăng trong vòng hai thập kỷ qua, số phụ nữ đảm nhận các chức vụ cao trong làng thể thao luôn thấp hơn ở những ngành công nghiệp khác.

Điều này giải thích tại sao những CEO, những VĐV và những người có ảnh hưởng của phái nữ có trong danh sách này xứng đáng được ca ngợi sau khi họ đã vượt qua được nhiều rào cản để thăng tiến, để có được những vị trí quyền lực và trở thành hình mẫu cho hàng triệu phụ nữ nỗ lực phấn đấu, không chỉ trong thể thao mà còn trong mọi khía cạnh của cuộc sống.

Nguồn: Thể thao văn hóa
Bình luận
vtcnews.vn