Chỉ 4 phút chốt cọc hơn chục lô đất: Sập bẫy cò

Bất động sảnThứ Năm, 07/04/2022 08:17:00 +07:00
(VTC News) -

Xem clip 4 phút chốt cọc hơn chục lô đất, tôi không lạ lẫm gì với chiêu trò này của môi giới vì tôi cũng từng là nạn nhân.

Mới đây một clip xôn xao trong giới đầu tư địa ốc khi chỉ trong vòng vẻn vẹn 4 phút đồng hồ đã có hơn 10 lô đất được cọc.

Theo đó, một công ty bất động sản dựng rạp rao bán đất nền ở Bình Phước. Nhân viên công ty bất động sản liên tục báo "lô 4, lô 5, lô 13, lô 19, 29... của dự án Lộc Khánh khách đặt cọc rồi nhé", sau đó MC thông báo lại trên loa lô đã chốt cọc trong tiếng nhạc inh ỏi. Chỉ trong bốn phút có hơn 10 lô đất đã được khách đặt cọc.

Tuy nhiên, ngay sau đó, clip này được được chính quyền địa phương lên tiếng khẳng định, chỉ là trò dàn dựng, gây sốt đất ảo, đánh vào tâm lý những người nhẹ dạ, hám lời cao.

Chỉ 4 phút chốt cọc hơn chục lô đất: Sập bẫy cò - 1

Người đi mua đất cần tỉnh táo trước chiêu trò của môi giới. (Ảnh minh hoạ).

Một lãnh đạo xã Lộc Khánh thẳng thắn nói: “Trong số những người tham gia thời điểm rao bán, ví dụ có 10 người thì có tới 9 người là "cò" chỉ có 1 người thực sự muốn mua đất. Có thể đất này đã mua bán trước đó rồi, việc đưa ra thông tin chốt cọc mua đất liên tục chỉ là dàn dựng "đóng phim" làm nóng thị trường bất động sản’’.

Anh Nguyễn Văn Hải - một nhà đầu tư ở Hà Nội cho hay, khi xem clip này anh không có gì bất ngờ vì biết ngay đó chỉ là màn kịch được các môi giới nhà đất dựng lên.

Cách đây tầm 5 năm, anh Hải từng tham gia 1 buổi mở bán căn hộ chung cư tại khách sạn Deawoo (Hà Nội), khung cảnh mua bán cũng không khác mấy khi loa thông báo các căn hộ liên tục được chốt.

Thời điểm đó, tôi được các môi giới bất động sản mời đến với tư cách là khách hàng. Trước khi đến, các môi giới đã có gần 1 tuần để tư vấn cho tôi về dự án. Tôi được sắp xếp ngồi 1 bàn ở giữa hội trường. Xung quanh hội trường luôn đông nghịt người. Bàn tôi ngồi cũng kín chỗ. Bên cạnh tôi là 2 bạn môi giới liên tục thuyết minh, phân tích về căn hộ mà tôi đã nhắm đến từ 1 tuần nay.

Khi loa thông báo đọc các căn hộ liên tục được chốt, các bạn môi giới này cũng giục tôi liên tục là chốt nhanh vì căn hộ này đẹp, sẽ hết rất nhanh. Và quả thật, chỉ sau 15 phút, căn hộ của tôi đã có khách cọc. 

Ngay lập tức, các bạn môi giới hướng tôi sang 1 căn khác có vị trí tương tự, nhưng ở tầng xấu hơn và nói nếu anh không mua, người cũng sẽ cọc mất.

Vì thấy lượng người tham dự quá lớn cùng với số căn cọc liên tục được MC đọc chốt, nên tôi cũng đành quyết định xuống tiền cọc căn hộ này dù đó là tầng không hề đẹp”, anh Hải chia sẻ.

Sau buổi mở bán, thông tin của chủ đầu tư là 100% căn hộ mở bán đã có chủ cũng khiến anh Hải thấy may mắn vì mình cọc sớm.

Tuy nhiên, khoảng 1 tháng sau, anh Hải gặp lại 1 người bạn cũ cũng từng tham gia buổi mở bán hôm đó, anh mới ngã ngửa khi biết mình chỉ là một “con mồi” của vở diễn mở bán hôm đó.

Theo anh bạn này, buổi mở bán hàng trăm khách đó chỉ là 1 vở kịch được dàn dựng để lùa khách. Theo đó, người đến buổi mở bán đa số là môi giới của sàn bất động sản, nhân viên của công ty chủ đầu tư và người thân, bạn bè của môi giới, thậm chí có cả sinh viên được thuê đến tham dự cho đông. Số khách hàng thật như anh Hải chỉ là con số 5 - 10%.

Buổi mở bán cũng chỉ tung ra khoảng 10 căn hộ để bán, vì vậy con số 100% căn hộ có chủ không có gì là lạ.

Các căn liên tục được loa đọc chốt thường là căn đẹp, nhưng thực tế các căn này không hề được ai đặt mua, mà chủ đầu tư cố tình giữ lại để bán cho đợt sau, vì đợt sau thường có giá cao hơn đợt đầu.

Khi anh Hải thấy trên bảng bán hàng, căn lúc đầu anh chọn vẫn còn liền thắc mắc với môi giới thì nhận được câu trả lời: “Khách mua đợt 1 do không thu xếp được tài chính nên trả lại chủ đầu tư, tuy nhiên giờ anh muốn mua thì giá đã tăng 5% vì giờ là đợt 2 rồi”.

Giống như anh Hải, anh Võ Văn Minh (Đống Đa, Hà Nội) cũng cho biết, anh cũng từng đi xem đất nền kiểu này. Các cò mồi giở chiêu liên tục thông báo có người chốt, đặt cọc khiến ai nấy cũng sốt ruột. Nhưng sự thực, mười người thông báo chốt cọc thì chỉ có một khách hàng đi xem đất thực. Nếu ai nhẹ dạ, ham lời thì xuống cọc ngay. 

Nhiều người có tâm lý mua đất làm giàu nên đây là thị trường béo bở cho các công ty bất động sản, cò đất làm đủ mọi chiêu trò để người mua xuống tiền.

Thực tế, câu chuyện này đã từng xảy ra đầu năm 2021, khi đất nền ở xã Tân Lợi, An Khương (tỉnh Bình Phước) đột ngột sốt nóng trước thông tin "sắp có quy hoạch mở rộng sân bay Hớn Quản". 

Một mét ngang mặt tiền ở các tuyến đường liên xã được thổi lên 350-500 triệu đồng, thậm chí 600 triệu đồng từ mức 60-70 triệu đồng. Đất nông nghiệp nằm sâu bên trong đường cũng được chào bán với giá 2-3 tỷ đồng một sào.

Nhưng chỉ ít lâu sau, giá đất nhanh chóng hạ nhiệt, giảm 30-40% so với giai đoạn cao điểm nhưng không còn cảnh nhà đầu tư tấp nập đặt cọc, nhiều người cũng ôm trái đắng vì không kịp thoát hàng.

Theo các chuyên gia bất động sản, nhiều cơn “sốt đất” có nguyên nhân trực tiếp từ giới "đầu nậu, cò đất, doanh nghiệp bất lương".

Những người này thường lợi dụng các trang mạng xã hội với nhiều chiêu trò như tổ chức các sự kiện giao dịch giả tạo, kinh doanh theo kiểu đa cấp biến tướng, lợi dụng tâm lý đám đông, hám lợi để làm giá, thổi giá đất. Vì vậy, người mua nên tỉnh táo, tránh bị cuốn vào vòng xoáy của các môi giới. 

Ngọc Vy
Bình luận
vtcnews.vn
Đọc tiếp