Cháy quán karaoke, 13 người chết ở Hà Nội: Phòng cảnh sát PCCC số 3 nói 'đã làm hết trách nhiệm'

Pháp luậtThứ Hai, 26/03/2018 17:16:00 +07:00

Vị đại diện phòng cảnh sát PCCC số 3 cho biết, kiểm tra quán karaoke bị cháy khiến 13 người chết 2 lần/năm theo đúng quy trình và hết trách nhiệm.

Ngày 26/3, TAND TP Hà Nội mở lại phiên tòa xét xử vụ án  cháy quán karaoke khiến 13 người chết ở số 68 Cầu Giấy (Hà Nội).

Buổi sáng, sau khi xét hỏi lần lượt 3 bị cáo, buổi chiều HĐXX tiếp tục xét hỏi những người có liên quan như: Phòng cảnh sát PCCC số 3, UBND quận Cầu Giấy, UBND phường Dịch Vọng Hậu...

Đại diện Phòng cảnh sát PCCC số 3 cũng khẳng định đã làm hết trách nhiệm trong việc kiểm tra, nhắc nhở cơ sở vi phạm.

Theo đại diện Phòng Cảnh sát PCCC số 3, cơ quan này được giao nhiệm vụ PCCC trên địa bàn 3 quận: Cầu Giấy, Bắc Từ Liêm và Nam Từ Liêm.

Việc thẩm duyệt và cấp giấy chứng nhận thẩm duyệt không thuộc thẩm quyền của Phòng cảnh sát PCCC số 3, mà thuộc thẩm quyền của TP.

IMG_9706

Vị đại diện phòng cảnh sát PCCC số 3 - Công an TP Hà Nội. (Ảnh: Kim Thược) 

Khi thực hiện nhiệm vụ, quận cũng có nhiều văn bản chỉ đạo, nhiều phương thức tuyên truyền về công tác PCCC trên địa bàn quận nói chung, cũng như đối với việc kinh doanh quán karaoke nói riêng.

Ngày 15/9/2016, phòng CSGT số 3 đã tổ chức kiểm tra công tác an toàn về phòng cháy chữa cháy tại quán karaoke số 68 Trần Thái Tông. Khi kiểm tra phát hiện sai phạm, phòng đã lập biên bản, đến ngày 19/9/2016, phòng CSGT số 3 ban hành văn bản kiến nghị chủ đầu tư cơ sở 68 thực hiện nhiều nội dung.

"Thứ nhất, dừng thi công công trình để tổng duyệt hồ sơ thiết kế về PCCC và tổ chức thi công theo đúng thiết kế được tổng duyệt.

Thứ hai, trong quá trình thi công phải đảm bảo được những điều kiện an toàn về PCCC.

Thứ ba, phải quản lý chặt chẽ các dạng nguồn lửa, nguồn nhiệt, sinh lửa, sinh nhiệt nhằm đảm bảo không để xảy ra cháy nổ. Cuối cùng, công trình chỉ được phép đi vào hoạt động khi được sự nghiệm thu về PCCC theo đúng quy định", vị đại diện Phòng cảnh sát PCCC số 3 nói.

"Ngày 12/10/2016, khi UBND quận Cầu Giấy thành lập đoàn kiểm tra liên ngành, khi kiểm tra quán karaoke số 68, chúng tôi cũng cử cán bộ tham gia. Khi kiểm tra, chủ cơ sở không xuất trình được giấy tờ liên quan đến công tác PCCC.

Trong đó, đoàn kiểm tra liên ngành cũng yêu cầu chủ cơ sở lên làm việc tại UBND quận Cầu Giấy vào ngày 17/10/2016", vị đại diện Phòng cảnh sát PCCC số 3 tiếp tục thông tin.

IMG_9681

Bị cáo Nguyễn Diệu Linh - Chủ quán karaoke. (Ảnh: Kim Thược)

Cũng theo vị đại diện, ngày 17/10/2016 tại UBND quận Cầu Giấy, chủ quán karaoke là bà Nguyễn Diệu Linh đã xuất trình được giấy chứng nhận kinh doanh do UBND quận Cầu Giấy cấp, giấy chứng nhận thẩm quyền về cháy do Cảnh sát PCCC TP Hà Nội cấp.

Bà Linh cũng báo cáo cơ sở đang trong quá trình cải tạo, chưa đi vào hoạt động. Bà Linh cam kết chỉ đưa cơ sở vào hoạt động khi hoàn thiện hồ sơ, thủ tục theo đúng quy định của pháp luật. Nếu đưa cơ sở hoạt động khi chưa đủ hồ sơ theo quy định sẽ hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Đến ngày 25/10/2016, công an phường Dịch Vọng Hậu có kiểm tra an ninh trật tự tại cơ sở số 68 Trần Thái Tông. Khi kiểm tra, công an phường ghi nhận, cơ sở này không hoạt động, đồng thời yêu cầu chủ cơ sở không hoạt động kinh doanh khi chưa có đầy đủ giấy phép theo quy định pháp luật.

Tuy nhiên, ngày 1/11/2016, dù chưa có giấy phép nhưng bà Linh vẫn tiếp tục cho cải tạo công trình nên mới xảy ra hậu quả trên.

Vị đại diện phòng cảnh sát PCCC khẳng định: "Phòng cảnh sát PCCC số 3 đã bám sát các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, cũng như công tác lưu động PCCC, các quy trình quy định của ngành công an và đã thực hiện đầy đủ quy trình công tác.

Theo quy trình công tác, mỗi năm chỉ được kiểm tra không quá 2 lần đối với 1 cơ sở. Đối với cơ sở này, chúng tôi đã kiểm tra 2 lần trong năm 2016 nên không được phép kiểm tra thêm nữa. Chúng tôi đã làm hết trách nhiệm rồi!".

IMG_9662 3

Ba bị cáo Tuấn, Thì, Linh tại phiên tòa. (Ảnh: Kim Thược)

Nghe đại diện phòng cảnh sát PCCC số 3 trình bày, thẩm phán phiên tòa hỏi lại: "Vậy nếu bị cáo Linh chỉ bị nhắc nhở 2 lần, sau đó vẫn tiếp tục vi phạm thì sao?".

"Theo quy trình, chúng tôi chỉ được kiểm tra đúng 2 lần thôi. Chỗ chị Linh có khai chúng tôi cho phép bằng mồm là không đúng sự thật. Chúng tôi đã có văn bản gửi chủ cơ sở, yêu cầu dừng thi công để nghiệm thu", đại diện phòng cảnh sát PCCC số 3 trả lời.

Trước đó, tại phiên tòa, bị cáo Linh khai nhận: "Trước khi mở quán, bị cáo đã biết được các quy định của pháp luật như: phải nộp giấy chứng nhận kinh doanh, giấy chứng nhận giấy đảm bảo PCCC, giấy an ninh trật tự, giấy phê duyệt thi công, xây dựng.

Dù chưa cấp giấy chứng nhận, nhưng được lực lượng PCCC số 3 cho phép bằng miệng nên bị cáo mới dám thi công trước một số hạng mục trước.

Bị cáo không nắm được chất liệu cách âm là gì. Bị cáo chỉ biết thuê người làm. Bị cáo thấy người ta dẫn đi các quán khác, bảo sẽ làm giống như thế nên cũng đồng ý".

IMG_9668 4

Người nhà của 1 trong số 13 nạn nhân. (Ảnh: Kim Thược) 

Trước lời khai của Linh, Chủ tọa phiên tòa cho rằng: "Bị cáo toàn làm ngược đời, nếu làm theo đúng quy trình thì đã dập được lửa. Bị cáo coi thường không coi ai ra gì. Thuê một người không có chuyên môn hàn về làm gây ra hậu quả nghiêm trọng.

Sau khi có có thiết kế, không chỉ chỉ đạo làm sai thiết kế, ngoài ống dẫn nước bị thay đổi còn cửa thoát hiểm tầng 2 bị cáo cũng không làm. Ngoài ra, cửa chống cháy bị cáo làm bằng vật liệu da, gỗ, bông thủy tinh, xong ốp 3 tấm kính thường trang trí.

Trong khi tiêu chuẩn là cửa chống cháy phải đảm bảo 45 phút thì bị cáo lại thay bằng đồ dễ cháy. Lửa hàn vừa bắn vào đã bắt cháy ngay. Ngoài ra, còn tường cách âm, vách ngăn lại làm bằng cao su, bông thủy tinh dễ cháy. Yêu cầu vật liệu phải khó bắt cháy, không cháy... nhưng bị cáo làm ngược lại".

Trước sự giải thích của HĐXX, bị cáo Linh cúi đầu khai nhận: "Đúng là khi hoạt động từ 26/10/2016, các công trình của bị cáo chưa được nghiệm thu về PCCC, chưa được cấp chứng nhận về PCCC cháy, chưa cấp giấy phép kinh doanh, chưa thử nghiệm hệ thống PCCC...".

Bị cáo Linh cho biết: "UBND phường Dịch Vọng Hậu có đến nhắc nhở 2 lần (ngày 12 và 17/10 /2016). Khi kiểm tra, xử lý bị cáo có cam đoan là không hoạt động kinh doanh nữa.

Tuy nhiên, sau đó bị cáo lại cho khách vào hát nhưng không thu tiền. Lúc ấy, bị cáo hiểu kinh doanh hát không thu tiền là đúng nên mới làm".

Kim Thược
Bình luận
vtcnews.vn