Châu Âu vật lộn duy trì thỏa thuận hạt nhân Iran

Thế giớiThứ Năm, 17/05/2018 17:20:00 +07:00

Dù đã đạt được đồng thuận duy trì thỏa thuận hạt nhân Iran, các lãnh đạo châu Âu vẫn phải đối mặt với nhiều vấn đề khó khăn và cần thời gian để đưa ra những giải pháp hiệu quả.

Tổng thống Donald Trump tuyên bố rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran đồng thời tái áp đặt các lệnh trừng phạt lên Tehran, khiến các đồng minh châu Âu phải “vật lộn” tìm cách duy trì thỏa thuận và bảo vệ hoạt động thương mại của các tập đoàn lớn với nước này.

Trong khi đó, một trong những “ông lớn” ngành năng lượng của Pháp - Total cùng với nhiều công ty châu Âu khác đã cho thấy dấu hiệu họ sẽ rời khỏi Iran. Total cho biết họ có thể từ bỏ một dự án trị giá hàng tỷ USD nếu không tránh được lệnh trừng phạt của Mỹ. Dự án này vốn được Tehran gọi là biểu tượng thành công của thỏa thuận hạt nhân.

Quyết định của Tổng thống Trump làm ảnh hưởng đến các nước châu Âu đang có hoạt động hợp tác kinh tế với Iran. Phạm vi tác động của hệ thống tài chính Mỹ, đồng USD và hoạt động của các công ty châu Âu tại Mỹ có thể khiến bất cứ biện pháp nào của EU cũng đều gặp trở ngại.

thoa-thuan-hat-nhan-iran-1

 Ngoại trưởng Iran Javad Zarif đến hội đồng châu Âu tại Brussels, Bỉ. (Ảnh: Reuters)

Theo Reuters, các lãnh đạo EU đã họp tại Sofia, thủ đô Bulgaria ngày 16/5 lần đầu tiên kể từ sau tuyên bố, dù vậy họ không đưa ra được quyết định khả thi nào về phương pháp bảo vệ hợp tác kinh tế với Iran.

Tại cuộc họp, các lãnh đạo thống nhất phải bảo vệ những công ty châu Âu bị ảnh hưởng tiêu cực bởi quyết định của Mỹ. Biện pháp được đưa ra bao gồm cho phép Ngân hàng đầu tư châu Âu đầu tư vào Iran và điều phối hạn mức tín dụng bằng đồng euro từ các quốc gia EU.

Tuy nhiên, một quan chức EU cấp cao nhận định sẽ không có giải pháp nhanh chóng nào và sẽ phải mất thời gian để khối châu Âu đưa ra những bước hành động phức tạp cần sự phối hợp của nhiều quốc gia.

Video: Ngoại ô thủ đô Syria trúng tên lửa sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran

Bộ trưởng Ngoại giao các nước Đức, Pháp và Anh đã gặp người đồng cấp Iran tại Brussels, Bỉ ngày 15/5 bàn về vấn đề duy trì hợp tác kinh tế với Iran. Sau đó, Cơ quan năng lượng và khí hậu của EU đã điều ủy viên Miguel Arias Canete lên đường đến Iran ngày 18-21/5 để đối thoại về hợp tác năng lượng.

Đây được xem là một động thái biểu tượng từ EU thể hiện mong muốn ở lại thỏa thuận dù Mỹ quyết định rút lui.

Vấn đề quan tâm mấu chốt của các lãnh đạo châu Âu đó là một mặt duy trì thỏa thuận hạt nhân Iran như một thành công về mặt ngoại giao và duy trì an ninh khu vực, mặt khác hạn chế tối đa tác động rủi ro về kinh tế lên các tập đoàn Châu Âu nếu Mỹ tái áp đặt các lệnh trừng phạt với Tehran. 

Số liệu được châu Âu công bố mới đây cho thấy, 21 công ty từ 5 nước châu Âu bao gồm, Đức, Pháp và Anh đang đầu tư vào Iran, trong đó có các công ty lớn như Siemens, Total, Volkswagen và Airbus. Quyết định của Mỹ áp đặt trở lại các biện pháp trừng phạt nhằm vào Iran có thể tác động không nhỏ đến hoạt động hợp tác đầu tư kinh tế thương mại bùng nổ giữa Iran và châu Âu thời gian qua.

Phương Anh
Bình luận
vtcnews.vn