Cây dược liệu tạo sinh kế bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số ở Sơn La

Tin tứcThứ Hai, 13/11/2023 12:24:00 +07:00
(VTC News) -

Để nâng cao đời sống đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn, huyện Sốp Cộp, Sơn La thực hiện nhiều giải pháp khai thác tiềm năng, trong đó có trồng dược liệu.

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030 (Chương trình mục tiêu quốc gia 1719), trong giai đoạn 2021 - 2023, huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La được giao hơn 120 tỷ đồng.

Cây dược liệu trở thành thế mạnh nông nghiệp

Với số vốn được giao, địa phương này tập trung đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng, giao thông phục vụ sản xuất, kinh doanh và dân sinh. Đáng chú ý, địa phương còn chú trọng phát huy tiềm năng, lợi thế về điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng để phát triển các mô hình liên kết trồng cây dược liệu. Từ đó, thúc đẩy phát triển kinh tế trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.


Từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia 1719, huyện Sốp Cộp hỗ trợ đồng bào dân tộc trồng, chăm sóc cây dược liệu đặc hữu, thí điểm trồng một số loài dược liệu có giá trị kinh tế cao như cây đẳng sâm, khôi nhung, cát sâm, hà thủ ô.

Huyện đã vận động đồng bào dân tộc thiểu số phát triển các mô hình liên kết trồng cây dược liệu. Trong đó, Ban Dân tộc tỉnh Sơn La phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Sốp Cộp đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các hợp tác xã, hộ gia đình chuyển đổi diện tích đất trồng cây hoa màu năng suất thấp sang trồng cây dược liệu hoặc trồng xen vào diện tích cây ăn quả chưa cho thu hoạch để tăng giá trị trên một đơn vị diện tích.

Các xã vùng thấp như Sốp Cộp, Mường Và, Dồm Cang tập trung trồng cây đẳng sâm, khôi nhung, cát sâm, hà thủ ô. Các xã vùng cao hoặc các xã có khí hậu mát mẻ, như Mường Lèo, Nậm Lạnh, Mường Lạn trồng sa nhân, quế, gừng.

Huyện Sốp Cộp cũng xác định, đưa cây dược liệu trở thành thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp, tạo sinh kế cho người dân, phủ xanh đất trống, đồi trọc và bảo vệ rừng.


Đến nay, nhiều loại cây dược liệu đã được trồng và ngày càng được nhân rộng. Hiện nay, toàn huyện Sốp Cộp có trên 60ha cây quế, 16ha cây sa nhân, 20ha gừng, 4ha hà thủ ô, cát sâm, khôi nhung, đẳng sâm. Các loại dược liệu như gừng, sa nhân, hà thủ ô đã cho thu hoạch.

Đến nay, số lượng các hợp tác xã liên kết với đồng bào trồng và phát triển cây dược liệu đang có xu hướng tăng mạnh. Điển hình như hợp tác xã Long Hiếu, bản Hua Mường, xã Sốp Cộp là một trong những đơn vị tiên phong trồng cây dược liệu, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho các thành viên và nhiều lao động địa phương.

Mô hình trồng cây dược liệu của HTX Long Hiếu, huyện Sốp Cộp. (Ảnh: Báo Sơn La)

Mô hình trồng cây dược liệu của HTX Long Hiếu, huyện Sốp Cộp. (Ảnh: Báo Sơn La)

Giải quyết việc làm cho lao động địa phương

Hợp tác xã Long Hiếu có trên 20 thành viên, giải quyết việc làm thường xuyên cho 30 lao động địa phương. Hằng năm, hợp tác xã thu mua từ 75 - 80 tấn dược liệu các loại, 2.800 - 3.000 tấn ngô, sắn, quả tươi các loại cho nhân dân trong huyện.

Đầu năm 2023, hợp tác xã đã ươm 400 nghìn cây giống phục vụ trồng 20 ha cây đẳng sâm từ nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Hiện nay, hợp tác xã cung ứng hơn 100 nghìn cây giống cho trên 50 hộ ở các xã giáp trung tâm huyện.

Trước đó, năm 2020, hợp tác xã trồng 1ha cây hà thủ ô tại bản Nà Lốc, xã Sốp Cộp, 2 năm sau cho thu hoạch, sản lượng đạt 6 tấn củ tươi, thu trên 350 triệu đồng. Từ thành công ban đầu, hợp tác xã đã đầu tư cho 11 thành viên trồng gần 30ha cây dược liệu, gồm các loại cây sa nhân tím, khôi nhung, cây cát sâm, gừng tại xã Nậm Lạnh, Mường Lèo. Trong đó, 20ha gừng trồng tại xã Mường Lèo đã cho thu hoạch, còn các loại cây khác đang phát triển tốt.

Anh Lò Văn Nam, bản Phỏng, xã Sốp Cộp là một trong những người tham gia HTX từ những ngày đầu, chia sẻ: “Gia đình tôi trồng hơn 2ha cây sa nhân tím dưới tán rừng và gần 1ha cây ăn quả, năm 2022 thu gần 2 tấn quả sa nhân tươi, bán được hơn 70 triệu đồng, 3 tấn quả các loại thu trên 30 triệu đồng.

Thu nhập từ trồng dược liệu và cây ăn quả hiệu quả cao gấp nhiều lần so với trồng ngô, sắn. Nhờ đó, gia đình có cuộc sống ổn định”.

Ông Đào Đình Thi, Chủ tịch UBND huyện Sốp Cộp cho biết, những hình thức chăn nuôi, trồng trọt kém hiệu quả được loại bỏ dần, thay vào đó, huyện tích cực vận động, tuyên truyền và hỗ trợ cho người dân chuyển đổi sang các mô hình phát triển kinh tế phù hợp, đặc biệt là tập trung xây dựng các mô hình sản xuất tập trung, hợp tác xã hoạt động hiệu quả, gắn với chuỗi giá trị sản phẩm.


Để tiếp tục phát triển cây dược liệu, huyện Sốp Cộp đang tiếp tục phối hợp với các đơn vị chức năng nghiên cứu các loại cây dược liệu phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương; chú trọng thu hút các nhà đầu tư vào lĩnh vực trồng, sơ chế, chế biến cây dược liệu.

Đồng thời, địa phương sẽ quảng bá, giới thiệu, tìm kiếm thị trường cho các sản phẩm từ cây dược liệu, từ đó tạo nguồn thu nhập ổn định cho đồng bào các dân tộc thiểu số tại địa phương.

AN BÌNH
Bình luận
vtcnews.vn