Cầu thủ Việt kiều về nước thử việc: Ít tài năng, thừa tai tiếng

Thể thaoThứ Năm, 06/04/2017 08:09:00 +07:00

Trong khoảng 10 năm trở lại đây, những cầu thủ Việt kiều hồi hương thử việc như một làn sóng nhưng để tìm ra một cái tên vượt trội so với mặt bằng bóng đá Việt Nam thì chưa có ai.

Từ những cái tên đầu tiên

Trước thềm Tiger Cup 2004, Việt Nam đón nhận cầu thủ Việt kiều đầu tiên xin thử việc ở đội tuyển Quốc gia. Đó là trường hợp của Ludovic Casset, một người Pháp gốc Việt. Casset về nước với lý lịch hoành tráng tại AJ Auxerre (một trong những câu lạc bộ (CLB) hàng đầu ở Ligue 1) song chỉ 1 tháng sau khi thử việc, huấn luyện viên (HLV) Tavares lắc đầu với chuyên môn của Casset và gạch tên khỏi danh sách tham dự Tiger Cup 2004 của đội tuyển Việt Nam.

Ludovic_Casset

 Ludovic Casset thử việc ở đội tuyển Việt Nam năm 2004.

Thất bại ở tầm đội tuyển, Casset vẫn trở thành món hàng “hot” trên sàn chuyển nhượng tại V-League 2005. Ban lãnh đạo SHB Đà Nẵng nhanh chóng ký hợp đồng 3 năm với cầu thủ này cùng mức lương 3.500 USD/tháng, đồng thời nhập tịch Casset với cái tên Việt là Mã Trí.

Rút cuộc, đội bóng sông Hàn “ngã ngửa” vì chuyên môn của Trí chỉ là hạng trung bình – yếu. HLV Lê Thụy Hải rồi sau đó HLV Trần Vũ “bỏ quên” luôn Mã Trí trên ghế dự bị hoặc “cất” hẳn ở nhà.

Cuối tháng 8/2005, Mã Trí đòi kiện CLB theo luật FIFA lẫn luật lao động Việt Nam, khiến lãnh đạo SHB Đà Nẵng phải thanh lý sớm hợp đồng, đưa thêm lương tháng 9 và mua vé cho Mã Trí bay về Pháp.

Tới mùa giải năm sau, Mã Trí xin thử việc ở một số đội bóng khác của V-League và hạng Nhất nhưng chẳng CLB nào để ý. Ludovic Casset đành trở lại Pháp và “mất hút” luôn kể từ đó.

Sau Ludovic Casset là Toni Lê Hoàng. 19 tuổi, Toni Lê Hoàng có một bảng thành tích mà mọi cầu thủ trẻ đều mơ ước: Cầu thủ xuất sắc nhất U19 Ba Lan 2 năm liên tiếp (2004, 2005), cùng Legia Warszawa giành HCĐ Dana Cup năm 1999 tại Đan Mạch (với sự tham gia của 32 đội trẻ châu Âu), vô địch giải bóng đá U19 quốc gia Ba Lan năm 2005…

22749

Toni Lê Hoàng có bản lý lịch rất hoành tráng trước khi về nước.

Đầu tháng 7/2005, Toni Lê Hoàng tự mình viết đơn xin thử sức tại đội tuyển U23 Việt Nam. Nhưng mọi sự kỳ vọng sớm trở thành thất vọng nặng nề. Chỉ sau buổi tập đầu tiên vào ngày 20/7/2005, Lê Hoàng nhanh chóng xuống sức, không thể theo kịp đồng đội trong buổi tập chỉ diễn ra chưa tới 60 phút.

Ngán ngẩm, HLV Alfred Riedl thông báo loại Toni Lê Hoàng khỏi danh sách U23 Việt Nam tham dự SEA Games 23.

Về sau…

Bộ đội anh em Emil Lê Giang (đá tiền đạo) và Patrick Lê Giang (thủ môn) được HLV Mai Đức Chung giới thiệu từ Slovakia về nước thử việc năm 2009 cũng nhanh chóng thất bại dù cả 2 đều từng là trụ cột U17 Slovakia, thậm chí Emil Lê Giang được giới thiệu, từng khiến CLB Nuremberg của Đức phải trả gần 1 triệu Euro tiền phí chuyển nhượng.

Không có lý lịch hoành tráng như anh em Lê Giang, song cái mác đào tạo tại Racing Lens (Pháp) của Johnny Nguyễn cũng khiến nhiều đội bóng Việt “nhấp nhổm” khi Johnny về nước thử việc. Sau này, Johnny có thêm cả hộ chiếu Việt Nam để ra sân với tư cách cầu thủ nội, nhưng anh vẫn không thể cạnh tranh được vị trí ở đội bóng của bầu Kiên. CLB Hà Nội sau đó giải thể, Johnny Nguyễn cũng “biến mất”.

Ngoài ra, bóng đá Việt còn ghi nhận những trường hợp khác như Michel Lê năm 2013 với đội tuyển U23 Việt Nam, hay Keven Nguyễn với đội tuyển U19 Việt Nam năm 2015… song không ai qua nổi vòng… gửi xe.

Michel Le

 Michel Lê từ Pháp về thử việc ở Việt Nam trước thềm SEA Games 28. (Ảnh: Hà Thành)

Những người ở lại

Tất nhiên, không phải cầu thủ Việt kiều nào về nước cũng thất bại. Vẫn có những cái tên được giữ lại, nhưng đến lúc này có thể khẳng định, chưa một ai tỏa sáng thực sự.

Đặng Văn Robert về Việt Nam năm 2008, thử việc tại Sông Lam Nghệ An nhưng bất thành. Ngay sau đó, anh về đầu quân cho Hải Phòng, đội bóng quê hương của cha, từ năm 2009 đến 2010. Đến năm 2011, anh vào Nam thi đấu cho Sài Gòn Xuân Thành rồi ngược ra Thanh Hóa chơi bóng tại đây 1 năm, trước khi ký hợp đồng với B.Bình Dương.

Rober

Đặng Văn Robert trước khi trở thành trụ cột của B.Bình Dương là những ngày lận đận trên ghế dự bị của nhiều đội bóng (Ảnh: Quang Minh) 

Ở mùa giải 2015, cầu thủ sinh năm 1984 này có 14 lần được ra sân, trong đó có 3 lần đá chính và thi đấu tổng cộng 1120 phút, ghi được 2 bàn thắng, góp công vào chức địch V-League của B.Bình Dương. Cũng trong năm này, Đặng Văn Robert được HLV Miura gọi vào đội tuyển Quốc gia đá vòng loại World Cup 2018 nhưng không để lại dấu ấn.

Đến mùa giải 2016, vai trò trụ cột ở B.Bình Dương của Đặng Văn Robert đã nổi bật hơn. Anh chơi 24/24 trận với tổng thời gian thi đấu là 2160 phút, nhiều nhất đội. Chỉ tiếc rằng, sau mùa giải này, Đặng Văn Robert đã chủ động xin thanh lý hợp đồng để đến Thái League. Việc anh không có tên trên tuyển Việt Nam dự AFF Cup 2016 cũng là một điều đáng tiếc.

Đặng Văn Robert đi nhưng Michal Nguyễn thì ở lại. Trung vệ mang 2 dòng máu Việt –Séc cũng từng là tuyển thủ quốc gia Việt Nam dưới thời HLV Hoàng Văn Phúc nhưng không để lại dấu ấn. Về B.Bình Dương, Michal Nguyễn không nổi bật hơn, cầu thủ sinh năm 1989 này chỉ chơi tròn vai và được giữ đến giờ.

Về nước trước Michal Nguyễn một thời gian có Mạc Hồng Quân, một cầu thủ có cha, mẹ đều là người Việt nhưng được coi là cầu thủ Việt kiều vì mang quốc tịch Séc.

Video: Tài năng của Mạc Hồng Quân

Đến giờ có thể khẳng định, Mạc Hồng Quân là cầu thủ Việt kiều sáng nhất trên đội tuyển U23 Việt Nam lẫn đội tuyển Quốc gia. Cầu thủ sinh năm 1992 có lúc từng được xem là phương án số 1 trên hàng công đội tuyển dưới thời HLV Hoàng Văn Phúc lẫn HLV Miura. Dấu ấn đậm nét của cầu thủ trưởng thành từ lò Sparta Prague để lại chính là cùng Olympic Việt Nam lần đầu tiên trong lịch sử vượt qua vòng bảng Asian 2014.

31QM - Mac Hong Quan an mung      03

 Mạc Hồng Quân từng được kỳ vọng thay thế Lê Công Vinh trên tuyển. (Ảnh: Quang Minh)

Chỉ tiếc rằng, khi trở về CLB, sự thực dụng của các đội bóng V-League lẫn việc ưa dùng những tiền đạo ngoại có ưu thế về thể hình, thể lực đã khiến Mạc Hồng Quân không còn nhiều đất để thể hiện. Bên cạnh đó, những câu chuyện bên lề đã ảnh hưởng không nhỏ tới phong độ của Quân. Và dưới thời HLV Hữu Thắng, Mạc Hồng Quân mất suất trên đội tuyển Việt Nam.

Hà Thành
Bình luận
vtcnews.vn