CÂU CHUYỆN IPTV VIỆT NAM

Tổng hợpThứ Năm, 23/09/2010 12:38:00 +07:00

Trong khi truyền hình tương tự Analog đang đứng trên bờ vực của sự xóa sổ thì hai phương thức truyền hình mới hơn là cáp và kỹ thuật số dường như vẫn còn nhiều

Trong khi truyền hình tương tự Analog đang đứng trên bờ vực của sự xóa sổ thì hai phương thức truyền hình mới hơn là cáp và kỹ thuật số dường như vẫn còn nhiều hạn chế, mà rõ nhất là chưa thể trao cho người dùng quyền quyết định xem nội dung gì.

Với  việc đặt người dùng làm trọng tâm và mang tới cho họ sự chủ động, IPTV giống như một làn gió mới thổi vào thị trường truyền hình Việt Nam. Tốc độ thuê bao tăng nhanh, dịch vụ được triển khai ở hầu hết các tỉnh thành trên cả nước, lần lượt các “ông lớn” trong làng truyền thông cũng tập trung đầu tư vào thị trường IPTV… Liệu IPTV có thực sự là “cú hích” làm thay đổi cục diện truyền hình Việt Nam?

 

 

Mọi người hiểu gì về IPTV?

Trước sự hứng khởi của nhiều nhà cung cấp dịch vụ IPTV và cũng là để bài viết của mình có thêm cơ sở thực tế, tôi đã làm một cuộc điều tra nhỏ đối với câu hỏi “bạn hiểu gì về dịch vụ IPTV?” dành cho nhiều đối tượng người dùng khác nhau. Và dưới đây là kết quả:

Nguyễn Anh Hòa (17 tuổi, Trường PTTH Kim Liên – Hà Nội): Em hoàn toàn không biết gì về dịch vụ này!

Vũ Thu Hương (26 tuổi, Giảng viên thanh nhạc – trường Cao đẳng sư phạm nhạc họa Vĩnh Phúc): Nếu mình không nhầm thì đó là dịch vụ xem truyền hình trên di động. Thích xem chương trình nào thì có thể yêu cầu xem chương trình đó và phải trả tiền thuê bao hàng tháng.

Phạm Bắc Quang (42 tuổi, Huyện Quảng Yên – Quảng Ninh): Nhà tôi đang dùng dịch vụ MyTV, theo tôi biết thì đây chính là dịch vụ IPTV. Lắp đặt dịch vụ này cũng không khó. Chỉ cần một hộp kết nối nhỏ mạng internet với tivi là xem được. Bình thường thì vẫn có thể xem các kênh VTV1, VTV2, VTV3, VTC1… ngoài ra thích xem bộ phim nào thì gửi yêu cầu tới nhà cung cấp và trả phí cho họ. Tôi cũng nghe nói có thêm các tiện ích khác nữa trong dịch vụ này nhưng chưa bao giờ dùng, chỉ xem truyền hình là chính.

Bùi Tuấn Vũ(24 tuổi, Thành phố Vinh – Nghệ An): IPTV là dịch vụ truyền hình phát triển trên nền tảng internet băng thông rộng. Để sử dụng dịch vụ này cần có nhà cung cấp và thiết bị đầu cuối phù hợp. Hiện tại mình đang sử dụng dịch vụ này nhưng chủ yếu chỉ xem trên di động khi đi ra khỏi nhà thôi. Có thể xem phim ảnh, xem các chương trình truyền hình, nghe nhạc…

Vũ Ngọc Phan(38 tuổi, Nghiên cứu sinh ngành Hóa học tại Hàn Quốc): IPTV là dịch vụ truyền hình phát triển trên nền băng thông rộng IP. Có ba nội dung chính được triển khai trên IPTV là: các kênh truyền hình phổ biến, các chương trình truyền hình theo yêu cầu và phần dịch vụ giá trị gia tăng. Hiện tôi đang sử dụng một dịch vụ IPTV của Hàn Quốc, nó khá đầy đủ cả ba nội dung trên. Tôi có nghe nói ở Việt Nam dịch vụ IPTV cũng đang rất phát triển, nhưng hình như phần truyền hình theo yêu cầu và dịch vụ giá trị gia tăng thì chưa tốt lắm…

Đào Thu Hà (27 tuổi, Nhân viên ngân hàng VP Bank): Bình thường tín hiệu truyền hình phát qua sóng điện tử, còn IPTV thì tín hiệu truyền hình phát qua internet. Tôi nghĩ vậy.

Và còn khá nhiều câu trả lời tương tự những nội dung trên. Tổng kết lại: có đến 40% người được hỏi không biết thế nào là IPTV, 24% người được hỏi hiểu lờ mờ về IPTV, 22% người được hỏi hiểu một cách không đầy đủ về IPTV, và chỉ có 14% người được hỏi là hiểu một cách chính xác về IPTV. Một điều thú vị là có đến 28% số người được hỏi không biết IPTV nghĩa là gì mặc dù họ chính là những khách hàng đang sử dụng dịch vụ… IPTV. Thực tế này cho thấy một điều: người dùng vẫn chưa có nhiều cơ hội để có thể nhận thức đầy đủ về dịch vụ IPTV cũng như những giá trị, lợi ích mà dịch vụ này mang lại mặc dù IPTV đang đạt tốc độ phát triển khá nhanh ở Việt Nam. Vậy, IPTV thực chất là gì?

IPTV – hội tụ những phương tiện truyền thông mạnh nhất

 

 

IPTV (Internet Protocol Television - truyền hình qua giao thức Internet) là biểu trưng cho xu thế hội tụ số trong lĩnh vực truyền hình. Công nghệ này có khả năng làm thay đổi hoàn toàn thói quen xem truyền hình truyền thống. IPTV đã tỏ ra vượt trội hơn hẳn ở khả năng tương tác với khán giả. Người xem truyền hình từ thế bị động, phải xem theo một lịch phát sóng sẵn có của “nhà đài”, giờ đây có thể hoàn toàn chủ động lựa chọn chương trình mình muốn xem cũng như thời điểm xem. Trong quá trình xem, người dùng có thể dừng hình, tua đi, tua lại giống như khi xem đĩa DVD, đồng thời cũng có thể xem lại các chương trình đã phát vào bất cứ thời điểm nào mà không phải phụ thuộc vào lịch phát lại của đài truyền hình. Bên cạnh đó, người dùng IPTV cũng có cơ hội được xem hàng nghìn bộ phim hay cũng như những video ca nhạc đặc sắc được cung cấp theo dịch vụ video theo yêu cầu VOD (Video on Demand).

Không những cung cấp nội dung chương trình cho người sử dụng, IPTV còn cho phép họ upload các thông tin dữ liệu, file ảnh, file video… lên mạng của nhà cung cấp rồi chia sẻ với những người sử dụng khác. Tính tương tác chính là ưu điểm nổi bật nhất của IPTV.

IPTV hội tụ ba trong số những phương tiện truyền thông mạnh nhất và phổ biến nhất trong lịch sử loài người. Công nghệ này kết hợp sức mạnh của cả truyền hình trực tiếp, mạng Web lẫn PC. Công nghệ mạng toàn cầu đã sản sinh một loại hình báo chí mới, số hoá báo giấy và truyền hình, truyền phát qua Internet, tạo nên kỷ nguyên của truyền thông số. “Với công nghệ IP, mọi dịch vụ đều được tích hợp trên cùng 1 kết nối tới hộ gia đình, bao gồm kể cả truy cập Internet, gọi điện thoại, chat, gửi nhận email, đọc tin trực tuyến, tra cứu thông tin, xem truyền hình, giao dịch trái phiếu, mua sắm online... “, mang tới cho người dùng gần như trọn vẹn những gì họ muốn chỉ thông qua… một giao thức kết nối.

Trên thế giới, tốc độ tăng trưởng và mức độ phổ biến loại dịch vụ này trong những năm qua liên tục tăng theo cấp số nhân. Từ chỗ cả thế giới chỉ có 6,4 triệu thuê bao trong năm 2006, đến năm 2010 con số đó đã tăng lên trên 120 triệu thuê bao (theo nghiên cứu thị trường của ABI Research). Doanh thu từ IPTV trong năm 2005 chỉ đạt 371 triệu USD, thì đến hết năm 2009 đạt mức 44 tỷ USD. Tại các nước có hạ tầng ADSL và cáp quang phát triển như Mỹ và các nước châu Âu, IPTV đã được thừa nhận như là một thế lực mới trong ngành truyền hình. Còn tại châu Á, mô hình này cũng đang bắt đầu phá vỡ thế độc quyền của các kênh truyền hình truyền thống.

ZTE - Tập đoàn chế tạo thiết bị viễn thông lớn nhất Trung Quốc nhận định: Những quốc gia châu Á và Trung Đông đang nổi lên rất nhanh và việc nơi đây trở thành “thánh địa” của IPTV chỉ là vấn đề thời gian. Kết thúc năm 2010, rất có thể IPTV ở châu Á – Thái Bình Dương sẽ đạt tốc độ tăng trưởng tới 80% và mang lại doanh thu 4,2 tỷ USD cho thị trường. Thuê bao IPTV của châu Á sẽ chiếm tới một nửa số thuê bao IPTV của các nhà cung cấp trên toàn thế giới.

IPTV “phủ sóng” đến Việt Nam

Xu hướng số hóa và hội tụ trong lĩnh vực viễn thông, công nghệ thông tin và truyền hình đã trở thành một làn sóng lan tỏa ở nhiều quốc gia trên toàn thế giới. Việc IPTV phát triển ở Việt Nam chính là một hệ quả tất yếu của sự lan tỏa này. Đây cũng là hướng đi được Chính phủ chú trọng trong lộ trình đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về Công nghệ thông tin.

Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch truyền dẫn phát sóng, phát thanh, truyền hình đến năm 2020 trong đó định rõ định hướng chuyển đổi công nghệ phát thanh, truyền hình sang công nghệ số. Trong đó có phát triển công nghệ truyền hình internet (IPTV). Viện Chiến lược quốc gia về Bưu chính – Viễn thông thuộc Bộ TT&TT cũng đã có kế hoạch hạn chế truyền hình analog, phát triển truyền hình kỹ thuật số tới các vùng sâu, vùng xa. Theo bản kế hoạch này, Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh sẽ dừng cung cấp các chương trình analog vào năm 2010 – 2012. Tuy nhiên, truyền hình kỹ thuật số đòi hỏi sự đầu tư lớn về cơ sở hạ tầng. Do đó, sức lan tỏa của mạng kết nối internet băng rộng trở thành điểm mạnh của IPTV tại Việt Nam.

Trên thực tế, Việt Nam cũng có rất nhiều lợi thế khi bắt tay vào triển khai dịch vụ IPTV.

Cho đến nay, thị trường băng rộng Việt Nam đang trong giai đoạn phát triển bùng nổ và còn nhiều tiềm năng. Tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã có trên 1 triệu thuê bao. Đây chính là nguồn khách hàng lớn của IPTV. Bên cạnh đó, việc triển khai các công nghệ hữu tuyến xDSL/PON và công nghệ vô tuyến băng thông rộng (Wifi, Wimax, CDMA…) của các nhà cung cấp dịch vụ ở Việt Nam cũng mang lại nhiều cơ hội phát triển mạnh mẽ và đảm bảo cho sự thành công của IPTV.

Nắm bắt được những lợi thế này, hầu hết các “anh cả” trong làng viễn thông, truyền thông đã tập trung đầu tư phát triển dịch vụ IPTV. Chỉ trong mấy năm, diện mạo IPTV ở Việt Nam đã thay đổi nhanh chóng. Sự xuất hiện của IPTV như luồng gió mới thổi vào thị trường giải trí truyền hình hiện nay, vốn mang tính thụ động và chưa đặt yếu tố người dùng làm trọng tâm.

Tháng 3/2006, sau một năm thử nghiệm, FPT Telecom chính thức cung cấp và khai thác dịch vụ IPTV trên hệ thống mạng băng rộng ADSL/ADSL 2+ với tên gọi iTV. Đây là dịch vụ IPTV đầu tiên xuất hiện ở thị trường Việt Nam. Hiện nay, ngoài iTV còn có hai nhà cung cấp dịch vụ IPTV lớn tại Việt Nam là Công ty viễn thông số VTC Digicom phối hợp với VNPT cung cấp SaigonTV tại TP.Hồ Chí Minh, Sông LamTV tại Nghệ An, Sông Hàn TV tại Đà Nẵng, Lam Sơn TV tại Thanh Hóa…; VNPT cũng cung cấp riêng dịch vụ IPTV với tên gọi là MyTV.

Để sử dụng IPTV, người dùng cần đăng kí đường truyền internet và hộp giải mã của nhà cung cấp dịch vụ, giá cước IPTV dao động khoảng 35000 tới 150000 đồng/tháng tùy loại hình dịch vụ. Ngoài các kênh truyền hình quảng bá, mỗi nhà cung cấp đều có thêm những chương trình tương tác riêng nhằm thu hút người dùng. MyTV có các gói dịch vụ giá rẻ chỉ với 35.000 đồng/ tháng với 28 kênh truyền hình và các dịch vụ; gói 50.000 đồng/tháng thêm bốn kênh HD…  IPTV của VTC Digicom cũng cung cấp gần 100 kênh truyền hình, trong đó có tới 30 kênh HD… Có thể nói, IPTV Việt Nam đang có rất nhiều thuận lợi cũng như đà đẩy để phát triển một cách mạnh mẽ…

Tuy nhiên, dù có nhiều ưu điểm để cạnh tranh với truyền hình truyền thống hiện nay nhưng IPTV vẫn không tránh khỏi những khó khăn trước mắt để ngay lập tức có thể vươn lên vị trí  thống lĩnh thị trường dịch vụ truyền hình Việt Nam.

Trước hết là khó khăn xuất phát từ nhu cầu người sử dụng. Đang quen xem truyền hình tự nhiên như hít thở không khí, bỗng nhiên giờ lại phải móc ví trả tiền hàng tháng xem ra cũng không mấy dễ dàng đối với đại đa số người dân.

Bên cạnh đó, truyền hình IPTV có đặc điểm là chất lượng phụ thuộc hoàn toàn vào đường truyền internet. Trong khi chất lượng đường truyền internet tại Việt Nam còn chưa cao dù thường xuyên được nâng cấp. Đặc biệt, hầu hết khi lắp đặt cho gia đình sử dụng, người dân chỉ chọn gói cước có tốc độ đường truyền thấp, nên khi xem IPTV chất lượng thường không tốt, hình ảnh dễ bị đứng.

Ngoài ra, các nhà cung cấp dịch vụ IPTV cũng gặp nhiều khó khăn trong việc đàm phán hợp đồng với các nhà cung cấp nội dung để có thể sản xuất được nhiều chương trình phong phú…

Cho đến nay, lợi nhuận trung bình các nhà cung cấp IPTV Việt Nam thu về còn khá khiêm tốn so với tiềm năng thực sự. Nhiều chuyên gia phân tích cho rằng: để IPTV có thể tìm kiếm được một chỗ đứng vững chắc trên thị trường dịch vụ truyền hình thì vẫn cần có vai trò của một “Tổng kiến trúc sư trưởng” có khả năng thống lĩnh các sứ quân…

 

 

IPTV  VTC – Liệu có làm nên chuyện?

Là đơn vị sản xuất truyền hình nên VTC có rất nhiều ưu thế trong việc giải quyết bài toán về mặt nội dung, bản quyền chương trình phát sóng. Ngoài việc xây dựng các kênh chương trình nhiều nhất từ trước tới nay (100 kênh trong đó có 30 kênh HD), VTC còn xây dựng thành công kho dữ liệu khổng lồ với gần 3000 bộ phim đặc sắc có thuyết minh phụ đề tiếng Việt, gần 2000 video ca nhạc cùng một hệ thống các phim tài liệu hấp dẫn khác phục vụ cho VOD. Đặc biệt IPTV VTC sẽ song hành cùng giải ngoại hạng Anh, với tính năng xem lại các trận bóng đá, các chương trình tổng hợp giải ngoại hạng Anh...  IPTV VTC cũng chú trọng phát triển nội dung giá trị gia tăng. Các chương trình mới như Karaoke, giáo dục trực tuyến, mạng xã hội, shopping online… hứa hẹn mang đến cho công chúng nhiều hơn những lựa chọn hấp dẫn. “Sự phong phú về nội dung và đáp ứng đầy đủ đặc trưng phong cách VOD chính là yếu tố được chú trọng, đầu tư hàng đầu trong việc triển khai dịch vụ IPTV của VTC”, ông Lê Văn Khương – Phó tổng giám đốc Tổng công ty truyền thông đa phương tiện VTC cho biết.

Về mặt giải pháp công nghệ, VTC cũng tìm ra cho mình một đáp án tương đối thuyết phục khi bắt tay với VNPT – doanh nghiệp viễn thông số 1 Việt Nam. Lựa chọn công nghệ nén hiệu quả, VTC Digicom hiện đã làm chủ hệ thống có thể đáp ứng về năng lực cho 100.000 thuê bao cùng với nền truy nhập băng rộng ADSL 2+ có tốc độ download 25Mbit/s trong khoảng cách 1,5km, băng thông rộng lên towis 2.2MHz. Đó là một hạ tầng tốt hơn hẳn để cung cấp IPTV so với trước đây.

Khác với FPT và VNPT chỉ chọn một thương hiệu duy nhất cho dịch vụ IPTV của mình (IPTV của VNPT có thương hiệu là MyTV, còn của FPT có thương hiệu là iTV), ở mỗi tỉnh thành khác nhau dịch vụ IPTV của VTC lại có một thương hiệu riêng. Ví dụ, IPTV VTC ở Thanh Hóa có tên là Lam Sơn TV, IPTV VTC ở TP. Hồ Chí Minh có thương hiệu là Sài Gòn TV, IPTV VTC ở Nghệ An là Sông Lam TV… Theo giải thích của ông Trần Trung Hiếu, phó giám đốc Công ty Viễn thông Số VTC Digicom, thì tên gọi khác nhau của dịch vụ IPTV VTC ở mỗi tỉnh thành chỉ nhằm tạo ra sự gần gũi, gắn bó với người dân ở địa phương đó, giúp họ dễ tiếp cận hơn với dịch vụ.

Ngoài ra, việc phát triển IPTV ở từng tỉnh thành cũng là đáp án tốt cho bài toán về sự hạn chế cự li truyền dẫn của mạng cáp đồng ở Việt Nam hiện nay. Việc cung cấp tín hiệu trong phạm vi gần hạn chế đáng kể những hiện tượng gián đoạn khi sử dụng dịch vụ. Ông Hiếu cho biết: “Việc phát triển ở mỗi tỉnh thành một hệ thống cung cấp, không phụ thuộc lẫn nhau cũng giúp chúng tôi chăm sóc chu đáo nhu cầu của khách hàng ở từng địa phương. Ví dụ: nhu cầu người dân ở Hải Phòng nhiều hơn thì chúng tôi cung cấp nhiều dịch vụ hơn. Bất cứ nhu cầu “trội” của địa phương nào chúng tôi cũng có thể đáp ứng đầy đủ mà không sợ ảnh hưởng đến  nhu cầu của địa phương khác. VTC luôn chú trọng tới chất lượng tốt nhất để phục vụ người dân”. Tại nhiều địa phương IPTV được biết đến như “đặc sản” của VTC.

Chính thức thương mại hóa được hơn 1 năm, đến nay dịch vụ IPTV của VTC đã phát triển ở 15 tỉnh thành trên cả nước. Trong lộ trình phát triển của mình, VTC sẽ tiếp tục đầu tư về chất lượng nội dung các chương trình phát sóng cũng như nâng cao giải pháp công nghệ, viễn thông để đáp ứng tốt hơn nữa những nhu cầu của người dân. Với những gì đã thể hiện, VTC đang góp phần tạo ra những bước phát triển vững chắc cho dịch vụ IPTV ở Việt Nam.

Khánh Toàn

Bình luận
vtcnews.vn