Câu chuyện 7 cảm tử quân trong 1 gia đình Hà Nội

Thời sựThứ Bảy, 24/04/2010 04:05:00 +07:00

“Có người viết gia đình tôi là GĐ có 6 cảm tử quân nhưng tôi thấy chưa đúng. Bởi chúng tôi không thể không nhắc tới người anh trai, nhà văn Nguyễn Đình Thạc".

Trong căn nhà số 36 phố Đồng Xuân, bà Nguyễn Bích Thảo như sống lại những thời khắc hào hùng cách đây gần 2/3 thế kỷ. Dù đã hơn 80 tuổi nhưng hình ảnh 4 người anh em ruột cùng quỳ trước mặt cha mẹ xin được tình nguyện ở lại bám trụ Hà Nội, sẵn sàng hi sinh cho Tổ quốc vào mùa đông năm 1946 thì bà không thể nào quên.

Ba đời tham gia cách mạng
 
Trong số 4 người con kiên trung năm ấy, ngoài bà Thảo còn có bà Nguyễn Thị Tần (hiện đã ngoài 90 tuổi), bà Nguyễn Bích Hạnh (đã mất cách đây không lâu) và người anh trai là nhà văn, nhà báo Như Phong Nguyễn Đình Thạc (người đã được nhận Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật năm 2007). Trước tinh thần yêu nước cao cả của những người con, bố mẹ bà Thảo đành gạt nước mắt lên vùng tản cư, chấp nhận cho 4 anh em ở lại bảo vệ Thủ đô trong cơn tao loạn.
 
Vợ chồng bà Thảo thời trong quân ngũ. 
 
Bà Thảo nhớ lại: “Cha mẹ tôi lúc đó đồng ý cho cả 4 anh chị em tôi ở lại vòng lửa đạn cũng bởi gia đình tôi đã có truyền thống cách mạng lâu đời. Cụ nội tôi Nguyễn Văn Viễn là người tham gia phong trào khởi nghĩa Hoàng Hoa Thám. Trước 1945, chính cha mẹ tôi cũng là những người hoạt động bí mật cho cách mạng. Ông bà đã mở một cửa hàng nhỏ ở nhà nhưng thực ra là nơi canh phòng cho anh Như Phong cùng các đồng chí họp nhóm bí mật”.
 
Năm 1944, 3 chị em bà Thảo vinh dự được tham gia vào Ban thanh vận thành Hoàng Diệu, vận động thanh thiếu niên tham gia các hội Cứu quốc. 15 ngày trước ngày Tổng Khởi nghĩa 19/8, anh Nguyễn Đình Thạc bí mật trở về nhà và bảo các em đi mua vải 2 màu đỏ và vàng. Mỗi loại vải phải mua riêng ở một cửa hàng và cũng chỉ được mua một ít để tránh bị phát hiện. Anh Thạc đưa cho người em gái út Bích Thảo một bức vẽ lá cờ đỏ sao vàng và dặn bí mật khâu vải theo mẫu, khi nào đến Tổng Khởi nghĩa thì mang ra.
 
Những tháng ngày máu lửa
 
Sau ngày thực dân Pháp bội ước, Hà Nội lại chìm trong lửa đạn. Bố mẹ lên vùng tản cư, 3 chị em bà Thảo vẫn duy trì cửa hàng, canh chừng cho anh trai cùng các bạn như Nguyên Hồng, Học Phi, Xuân Thủy, Vũ Quốc Uy... đêm đêm họp bàn các kế hoạch hành động chống Pháp.
 
Ngày 14/2/1947, Pháp mở trận đánh lớn vào Đồng Xuân, 3 chị em bà được sung vào Sư đoàn 308, Trung đoàn Thủ đô, nhận nhiệm vụ bảo vệ Đồng Xuân. Chị cả Nguyễn Thị Tần làm công tác quân lương, quân trang, quân dụng. Chị Nguyễn Bích Hạnh làm công tác văn thư đánh máy cho chỉ huy. Riêng bà Thảo đã qua một lớp y sỹ nên được trực tiếp tham gia vào trận địa, làm công tác cứu thương. Trước khi nhận nhiệm vụ, xác định “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, 3 chị em bà cùng đứng trước lá cờ Đảng tuyên thệ sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc. Đó cũng là sự kiện đầu tiên cho khúc tráng ca “60 ngày đêm khói lửa ở Hà Nội”, là khởi đầu cho những ngày “giành giật từng tấc đất với kẻ thù” .
 
Đưa hồi ức vào trang sách
 
Bà Nguyễn Bích Thảo bây giờ. 
Cũng chính trong chiến tranh lửa đạn, 3 cô con gái Hà thành dũng cảm đều lần lượt có  người yêu và lập gia đình. Chiến sĩ cảm tử quân - Đại tá Nguyễn Đình Thụ, chồng của bà Nguyễn Thị Tần đã mất sau ngày Kháng chiến chống Mỹ thắng lợi. Đại tá Phạm Thư Chương, chồng của bà Nguyễn Bích Hạnh, nguyên Chính ủy sư đoàn 395 Quân khu 3. Trung tá Đỗ Đình Sửu, chồng bà Nguyễn Bích Thảo đã hy sinh vào Tết Mậu Thân năm 1968. “Cả gia đình tôi là một gia đình bộ đội, cô con gái bây giờ của chúng tôi vẫn đang mặc áo quân thân”, bà Thảo tự hào nói về truyền thống của gia đình.
 
Dù một cây bút nữ đã viết thành truyện đăng báo về gia đình bà nhưng bà Thảo vẫn không nguôi nung nấu sẽ viết một tiểu thuyết hoặc một hồi ký về chính cuộc đời của bà và những người thân yêu trong gia đình. Bà hy vọng sẽ có được một tác phẩm đầy đủ, chi tiết và sâu đậm hơn. Chân tay đã yếu nhưng nhờ trí nhớ còn mình mẫn và sự chắp bút của cô cháu gái ngoan hiền mà những dòng hồi ức ban đầu của bà đã dần được phác thảo. “Cũng có người viết gia đình tôi là gia đình có 6 cảm tử quân nhưng tôi thấy chưa đúng. Phải là 7. Bởi chúng tôi không thể không nhắc tới người anh trai, nhà văn Như Phong Nguyễn Đình Thạc. Chính anh là người đã đưa 3 chị em chúng tôi đến với con đường cách mạng, ngay từ thuở thiếu thời”.

Theo Gia đình & Xã hội
Bình luận
vtcnews.vn