Cặp nghệ nhân cuối cùng làm mặt nạ giấy bồi ở Hà Nội và nỗi lo nghề dần mai một

Sao ViệtThứ Sáu, 15/09/2023 10:30:00 +07:00
(VTC News) -

Theo nghề làm mặt nạ giấy bồi hơn 44 năm qua, vợ chồng ông Nguyễn Văn Hòa giờ đây chỉ mong muốn tìm được người phù hợp để truyền nghề, gìn giữ văn hóa Việt Nam.

Gia đình ông Nguyễn Văn Hòa (69 tuổi) và bà Đặng Hương Lan (64 tuổi) hiện là nơi duy nhất còn làm mặt nạ giấy bồi truyền thống ở phố cổ Hà Nội.

Mặc cho sự phát triển của cuộc sống hiện đại, nhiều người đã dần quên đi món đồ chơi độc đáo ấy, thế nhưng, vợ chồng ông Hòa vẫn tiếp tục làm việc, tất bật tạo ra những chiếc mặt nạ giấy bồi với hy vọng "gìn giữ" nghề truyền thống.

Chỉ còn duy nhất vợ chồng ông Hòa còn theo nghề làm mặt nạ giấy bồi tại Phố cổ.

Chỉ còn duy nhất vợ chồng ông Hòa còn theo nghề làm mặt nạ giấy bồi tại Phố cổ.

Kỳ công từng mẫu mã cho hợp xu thế

Nằm sâu trong ngõ 73 phố Hàng Than (quận Ba Đình, Hà Nội), trong căn nhà rộng chỉ vỏn vẹn chưa đến 20m2, ở đây, ngày ngày vợ chồng ông Hòa vẫn đang miệt mài làm ra những chiếc mặt nạ giấy bồi truyền thống. 

Bà Đặng Lan Hương chia sẻ, nghề làm mặt nạ giấy bối là nghề truyền thống của gia đình bà, từ khi bà sinh ra bố mẹ, ông bà đều làm nghề này.

Thời còn bé, bà Hương không định học nghề, chỉ phụ giúp cho bố mẹ làm những việc đơn giản như tô sơn, phơi mặt nạ. 

“Tôi học nghề từ lúc 19 tuổi, khi đó thấy cha mẹ làm thì tôi học theo. Sau đó, tôi lấy chồng và ông nhà cũng học nghề làm mặt nạ giấy bồi. Tính đến nay đã hơn 44 năm, nghề được truyền từ đời ông bà, bố mẹ", bà Hương nói.

Cận cảnh nét vẽ của bà Lan trên mặt nạ giấy bồi.

Cận cảnh nét vẽ của bà Lan trên mặt nạ giấy bồi.

Nói về công đoạn làm mặt nạ giấy bồi, bà Hương cho biết, tất cả các bước đều làm thủ công 100%, chỉ có giấy là tái sử dụng, hồ thì được nấu lên. Để hoàn thiện 1 chiếc mặt nạ, hai ông bà phải thực hiện qua rất nhiều công đoạn: chuẩn bị nguyên liệu, lên khuôn, bồi thô, sơn vẽ...

“Đầu tiên phải nói đến là nguyên liệu, thường sử dụng là bột sắn củ, đổ nước lã vào nấu lên khi chín thì thành hồ. Sau đó để nguội thì sẽ quét trực tiếp dung dịch hồ sắn vào giấy, bồi dần vào khuôn.

Sau khi bồi xong, mặt nạ được phơi khô ngay trên hiên nhà, đến lúc bề mặt ráo vừa độ thì chuyển sang khâu trang trí”, bà Hương chia sẻ.

Các bước là vậy, bà Hương khẳng định: "Quan trọng nhất vẫn là phần hồn của mặt nạ. Để đẹp và thật sự là một tác phẩm nghệ thuật thì không phải ai cũng làm được, với chúng tôi việc làm đẹp là nhờ bí kíp gia truyền”.

Cặp nghệ nhân cuối cùng làm mặt nạ giấy bồi ở Hà Nội và nỗi lo nghề dần mai một - 3
Cặp nghệ nhân cuối cùng làm mặt nạ giấy bồi ở Hà Nội và nỗi lo nghề dần mai một - 4
Cặp nghệ nhân cuối cùng làm mặt nạ giấy bồi ở Hà Nội và nỗi lo nghề dần mai một - 5
Cặp nghệ nhân cuối cùng làm mặt nạ giấy bồi ở Hà Nội và nỗi lo nghề dần mai một - 6

Quy trình tạo ra những chiếc mặt nạ giấy bồi truyền thống.

Vợ chồng ông Hòa hiện có hơn 30 mẫu mặt nạ khác nhau, từ những mẫu truyền thống như thằng Bờm, ông Tễu, ông Địa, bà Địa, Tôn Ngộ Không, Chí Phèo, Thị Nở...

Để phù hợp với xu thế hiện đại, hai ông bà còn làm thêm những mẫu mặt nạ như siêu nhân, người ngoài hành tinh...

Bà Lan cho biết, những hình dáng hiện đại chỉ có khoảng 7 - 8 cái, điểm mạnh của những loại này là bán được cả năm vì trẻ con rất thích. Ban đầu bà Hương từ chối làm các mặt nạ hiện đại, sau được ông Hòa thuyết phục nó phù hợp với xu thế nên bà cũng chấp nhận. Từ công đoạn làm khuôn, lên ý tưởng tất cả đều do ông Hòa làm.

Theo bà Hương chia sẻ, mẫu truyền thống vẫn bán chạy hơn vì từ trước đến nay mọi người biết đến gia đình nhà bà với cái nghề làm mặt nạ giấy bồi. Các mẫu hiện đại thì dễ dàng tiếp cận với khách hàng mới, có thể bán cả năm.

"Mẫu truyền thống được mua số lượng lớn tập trung mua vào các dịp lễ trung thu, tết... còn thường ngày thì phụ huynh sẽ mua cho các con các mặt nạ như siêu nhân, người nhện", bà Hương nói.

Cặp nghệ nhân cuối cùng làm mặt nạ giấy bồi ở Hà Nội và nỗi lo nghề dần mai một - 7
Cặp nghệ nhân cuối cùng làm mặt nạ giấy bồi ở Hà Nội và nỗi lo nghề dần mai một - 8

Vợ chồng bà Lan có đủ các mẫu từ truyền thống đến hiện đại.

Việc làm mặt nạ giấy bồi tuy không quá khó nhưng đòi hỏi người nghệ nhân phải rất tỉ mỉ, kiên trì. Mỗi ngày, ông Hoà và bà Lan làm việc đều đặn 10 tiếng, tuổi tác khiến mắt cả hai ngày càng kém, cứ khoảng 1 tiếng là cả hai sẽ dành ra khoảng 15 - 20 phút để nghỉ ngơi.

Mỗi ngày vợ chồng ông bà làm được khoảng 10 - 12 cái mặt nạ, mỗi chiếc được ông bà bán ra với giá khoảng 40.000 - 70.000 đồng/cái, cái mắc nhất giá 150.000 đồng. Dịp Trung thu, gia đình ông Hòa và bà Lan sản xuất được hơn 1.500 chiếc mặt nạ các loại, chủ yếu được đặt hàng sẵn, cứ làm xong là hết. Đến cách trung thu khoảng độ 15 ngày thì bà Lan lại mang những chiếc mặt nạ giấy bồi ra ngồi ở phố Hàng Mã để bán.

"Còn sức là còn làm, tôi và chồng sẽ không nghỉ. Một phần vì gắn bó với nghề quá lâu nên rất yêu nghề. Bây giờ bảo bỏ xong ở nhà ngồi không thì cũng chán", bà Lan chia sẻ.

Sợ nghề truyền thống dần bị mai một

Với sự xuất hiện các món đồ chơi hiện đại, nghề làm mặt nạ giấy bồi của ông Hòa và bà Lan đứng trước nhiều thử thách. Bà Lan tâm sự, cách đây khoảng chục năm, nghề làm mặt nạ giấy bồi rất "hot", nhiều gia đình ở Phố cổ cũng làm. Khi ấy mỗi ngày bà và chồng làm không xuể tay, có lúc quên ăn quên ngủ. Thời đỉnh cao, mỗi tháng ông bà làm ra 1.000 chiếc mặt nạ giấy bồi các loại.

“Khách ngày càng ít, cái nghề truyền thống cũng nhiều người bỏ. Có những lúc thật sự rất nản vì số lượng mặt nạ bán ra không nhiều”, bà Lan nghẹn ngào tâm sự.

Khó khăn là vậy, đến nay, mặt nạ giấy bồi vẫn có lượng khách trung thành, đều đặn, đặc biệt vào các dịp trung thu. Ông Hòa nói: “Có các gia đình mua mặt nạ chúng tôi đã kéo dài 3 - 4 thế hệ, thật sự nhìn như thế tôi rất vui, có thêm động lực làm nghề”.

Thời đỉnh cao, mỗi tháng vợ chồng ông Hòa sản xuất ra 1.000 chiếc mặt nạ giấy bồi.

Thời đỉnh cao, mỗi tháng vợ chồng ông Hòa sản xuất ra 1.000 chiếc mặt nạ giấy bồi.

Nhìn vào chiếc mặt nạ tên tay, ông Hòa chia sẻ, mỗi chiếc mặt nạ giấy bồi đều có ý nghĩa riêng biệt, không chỉ là món đồ chơi mà còn là văn hóa Việt Nam. 

“Những chiếc mặt nạ tưởng chừng như chỉ có tác dụng mang lại niềm vui cho trẻ em nhưng thực tế là những bài học về nét đẹp con người... giáo dục mỗi chúng ta nhớ về cội nguồn cha ông”, ông Hòa nói.

Cũng như bao nghệ nhân làm nghề truyền thống, ông và vợ cũng chung một nỗi lo, sợ nghề mình đang làm sẽ biến mất. Hiện gia đình ông có 2 người con, thời còn bé cả 2 cũng phụ giúp bố mẹ làm mặt nạ, thế nhưng đến khi lớn, tất cả đều có công việc riêng, không theo nghề truyền thống.

“Chúng tôi sợ nghề truyền thống này bị mai một. Gia đình tôi luôn muốn cái nghề làm mặt nạ giấy bồi này tồn tại được với xu thế hiện đại”, ông Hòa tâm sự.

Mỗi chiếc mặt mạ đều có cho mình một ý nghĩa riêng.

Mỗi chiếc mặt mạ đều có cho mình một ý nghĩa riêng.

Gần đây, hai vợ chồng ông bà rất vui khi nhiều người đến tìm hiểu về cái nghề truyền thống. Bà Lan cho biết, nhiều trường học đã nhập những mặt nạ trắng của gia đình bà để đưa vào môn mỹ thuật để giảng dạy, cho các em nhỏ tập tô.

"Những chiếc mặt nạ này khi được tô màu tạo nên trải nghiệm thú vị, nhiều cô giáo đến đây nhập hàng liên tục và bảo các bé rất thích", bà Lan nói.

Biết ông Hòa và bà Lan là những nghệ nhân cuối cùng ở Hà Nội gắn bó với nghề, nhiều du khách thậm chí còn tìm đến tận nhà tìm hiểu về lịch sử, quy trình tạo ra những chiếc mặt nạ giấy bồi. Có đoàn du khách còn xin ông bà cho phép tự tay làm thử.

"Không chỉ làm nghề truyền thống, giờ đây, nhà tôi còn là điểm đón khách du lịch đến trải nghiệm, tìm hiểu nét đẹp văn hóa truyền thống", ông Hòa tự hào chia sẻ.

Vợ chồng bà Lan rất vui vì giờ đây nhiều người dần quay lại tìm hiểu về nét đẹp nghề truyền thống.

Vợ chồng bà Lan rất vui vì giờ đây nhiều người dần quay lại tìm hiểu về nét đẹp nghề truyền thống.

Một số người ở các nơi khác nhiều lần đến xin học nghề, có những người đã thử việc, được ông bà chỉ tay tận tình nhưng rồi cũng bỏ. Theo bà Lan chia sẻ, một phần là do thấy những người học việc chưa quá tỉ mỉ, tận tâm với nghề, làm các bước chưa đến độ hoàn thiện ông bà muốn.

"Hiện có một anh là giám đốc làng nghề Việt Nam đang muốn theo học nghề của vợ chồng tôi. Sau này, khi chúng tôi hết khả năng làm nghề, tôi và chồng sẽ truyền nghề cho anh ấy để giữ nghề truyền thống của gia đình", bà Lan nói.

Với ông Hòa và bà Lan, việc giữ được nghề không chỉ cho bản thân, mà còn giữ gìn những nét văn hoá đặc sắc của dân tộc, để những giá trị và ý nghĩa của cái nghề không bị lãng quên.

Nguyễn Đức
Bình luận
vtcnews.vn