Cảng Tân Cảng - Hiệp Phước chính thức vận hành

Thời sựThứ Ba, 19/05/2015 05:19:00 +07:00

Cảng Tân Cảng - Hiệp Phước đi vào vận hành có ý nghĩa lớn đối với ngành vận tải đường thủy của Việt Nam và nối kết hàng hóa quan trọng vùng nội Á.

(VTC News) - Cảng Tân Cảng - Hiệp Phước đi vào vận hành có ý nghĩa lớn đối với ngành vận tải đường thủy của Việt Nam và nối kết hàng hóa quan trọng vùng nội Á.

Ngày 19/5, tại lô A9 xã Long Thới, huyện Nhà Bè, TP.HCM đã diễn ra lễ cắt băng khánh thành khai trương cảng Tân Cảng- Hiệp Phước.

Tại buổi lễ, ông Nguyễn Văn Hiến - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Tư lệnh quân chủng Hải quân Việt Nam khẳng định, cảng Tân Cảng - Hiệp Phước có vị thế chiến lược quan trọng, là giao điểm giữa vùng kinh tế trọng điểm phía Nam của TP.HCM và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, một mặt giáp ngã ba sông Soài Rạp hướng ra biển Đông, một mặt giáp sông Đông Điền.

Đây là môt công trình mang ý nghĩa lớn đối với ngành vận tải đường thủy của Việt Nam và nối kết hàng hóa quan trọng vùng nội Á.

 Cắt băng khánh thành cảng Tân Cảng Hiệp Phước. Ảnh: Phan Cường

Sau hai giai đoạn thi công (tháng 12/2013-11/2014 và từ tháng 12/2014-5/2015) cảng đã xây dựng được 420m cầu tàu, tiếp nhận tàu 50.000 DWT, 250m bến trung chuyển sà lan, sà lan 2000 DWT, 6,2 ha bãi hàng và 198 m kè bờ trên sông Soài Rạp. 

Hệ thống cảng Tân Cảng Sài Gòn có thể tiếp nhận được tất cả các cỡ tàu từ 3-4 vạn tấn tại Cát Lái; từ 5-7 vạn tấn từ Hiệp Phước và trên 11 vạn tấn tại Cái Mép, khẳng định phát triển bền vững trên 3 trụ cột: Kinh doanh khai thác cảng, kinh doanh dịch vụ logistics, kinh doanh vận tải biển nội địa. Cảng có bến sà lan riêng để phục vụ nhu cầu đóng rút hàng.

Nằm trong mạng lưới cung ứng dịch vụ khai thác cảng của Tổng công ty TCSG, cảng Tân Cảng Hiệp Phước đã có nhiều kinh nghiệm quản lý và hệ thống công nghệ hiện đại có thể dễ dàng kết nối hàng hóa với cảng Tân Cảng Cát Lái, các ICD, cảng Tân Cảng Cái Mép, các cảng Đồng bằng sông Cửu Long và cảng Phnompenh- Campuchia.

Ông Nguyễn Văn Công - Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải cho biết, dự kiến 2020 sẽ cho phép triển khai đầu tư cảng phù hợp với  tiến độ đầu tư của cơ sở hạn tầng của TP.HCM. Với vị trí chiến lược quan trọng, là giao điểm phía Nam TP.HCM và biển Đông, kết nối với vành đai mới và hàng loạt khu công nghiệp. Đây sẽ là nơi tập trung hàng hóa khu vực ĐBSCL và các khu công nghiệp phía Nam.

Sáng 15/12, Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn (TCSG) đã đón chuyến tàu đầu tiên cập cảng. Chiếc tàu mang tên SAIGON BRIDGE của hãng tàu SITC. Đến nay đã tiếp đón nhiều hãng tàu lớn như SITC, PIL,TSL,OOCL, Wanhai, K’LINE/HJC/PIL, EVERGREEN  với số lượng từ 12-15 chuyến tàu/ tuần

» Nữ quái đất Cảng buôn ma túy như đi chợ
» Để lọt xe quá tải, một giám đốc cảng bị đình chỉ công tác
» Tổng giám đốc cảng Nghệ Tĩnh 'sốc' khi bị đình chỉ công tác

Mỹ Dung
Bình luận
vtcnews.vn