Cải tiến chữ viết tiếng Việt: 'Tiết kiệm chữ viết không bù được công sức bỏ ra học hệ thống chữ mới'

Giáo dụcThứ Năm, 30/11/2017 07:16:00 +07:00

PGS.TS Lưu Văn An (Phó Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền) cho rằng việc tiết kiệm hoặc giản tiện chữ viết không bù đắp được công sức bỏ ra để học làm quen với hệ thống chữ mới.

Đến thời điểm hiện tại, dư luận vẫn chưa hết tranh cãi về đề xuất cải tiến chữ viết tiếng Việt do PGS.TS Bùi Hiền (nguyên Hiệu phó trường Đại học Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội) đưa ra trong cuốn sách vừa xuất bản.

img_0785-0624134

PGS.TS Lưu Văn An cho rằng không cần thiết phải thay đổi chữ viết tiếng Việt. 

PGS.TS Lưu Văn An (Phó Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền) cho biết, ở Việt Nam từ năm 1945 đến nay cũng có thay đổi một số chữ cái, chữ viết và diễn ra trong một thời gian dài. Tuy nhiên, việc thay đổi cũng chỉ có một số chữ như "z, j, k" nên không ảnh hưởng nhiều đến thói quen viết và cách phát âm.

“Hiện tại, tôi cũng chưa nghe ai nói chữ viết của chúng ta có vấn đề như khó viết, dễ viết sai, không thống nhất giữa các vùng miền... Mặc dù một số chữ cái trong tiếng Anh được dùng trong tiếng Việt như w, j, z... nhưng tỷ lệ dùng rất thấp, không ảnh hưởng đến tiếng Việt. Vì vậy, không cần thiết phải thay đổi, kể cả rút bớt một số chữ cho ngắn gọn”, PGS Lưu Văn An nói.

Vì vậy, ông An cho rằng không cần thiết, không nên thay đổi chữ viết tiếng Việt trong giai đoạn hiện nay.

Tuy nhiên, vị chuyên gia này cũng hoan nghênh đề xuất cải cách chữ viết tiếng Việt của PGS Bùi Hiền - một người tâm huyết với nghề, với tiếng nói của dân tộc. Tuy nhiên, ông An cho rằng phải tính đến hệ lụy mang lại khi áp dụng phương án này.

Video:Xôn xao đề xuất cải cách Tiếng Việt thành 'Tiếq Việt"

TS Lưu Văn An cho rằng, không người Việt nào muốn thay đổi chữ viết - vốn đã thân thuộc và là một phần quan trọng của văn hoá Việt.  

Vì vậy, việc tiết kiệm hoặc giản tiện chữ viết không bù đắp được công sức bỏ ra để học làm quen với hệ thống chữ mới. Điều này chắc chắn sẽ gây nhầm lẫn cũ- mới và làm rối tư duy của người viết, người đọc.

"Thà chấp nhận dài hơn một chút nhưng dễ hiểu và không phải giải thích, tránh nhầm lẫn, hơn là ngắn gọn nhưng dễ gây hiểu nhầm. Điều này rất tai hại nếu là hợp đồng kinh tế", PGS An dẫn chứng.

Ông An nhận thấy ở hầu hết các nước đều có ngôn ngữ chính thức – phổ thông và ngôn ngữ địa phương. Tuy có một số cách phát âm khác biệt, nhưng không nhiều và mọi người vẫn hiểu được vì là đặc trưng của ngôn ngữ và của văn hoá khu vực, vùng miền.

Tuy vậy, trong bối cảnh phát triển như hiện nay, sự thống nhất trong cách nói, cách viết ngày càng tăng, phương ngữ giảm dần do tương tác, giao lưu gia tăng giữa các cộng đồng nên khoảng cách vùng miền cũng giảm.

Việc thay đổi về chữ viết sẽ gây thêm phiền phức, tốn kém thời gian, công sức, lợi bất cập hại, không phù hợp với văn hoá Việt Nam. 

bui-hien-5-3-0824497-4-1227472

Đề xuất cải cách tiếng Việt của PGS Bùi Hiền gây nhiều tranh cãi.

Ông An cho biết, để giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt thì trước hết hãy cẩn trọng trong dùng từ, phát âm.

"Hãy cố gắng theo giọng chuẩn, giọng cả nước công nhận là giọng Hà Nội. Mặc dù người Hà Nội bây giờ phát âm nhiều từ không chuẩn. Vấn đề bây giờ là phát âm chứ không phải chữ viết. Người miền Bắc hay phát âm sai phụ âm đầu từ: ch-tr, x- s, l-n, r-d-gi...; người miền Trung hay phát âm sai dấu ( hỏi, ngã, nặng...), còn người miền Nam phát âm sai phụ âm cuối từ (anh-ăn, chính-chín...). Cho nên, phải nghiên cứu để thống nhất trên cả nước", PGS An nói.

Bên cạnh đó, ông An cho rằng cần phải thống nhất cách viết hoa trong tiếng Việt.

"Ví dụ: Tổng bí thư hay Tổng Bí thư; đại biểu Quốc hội hay Đại biểu quốc hội... hay được viết khác nhau ở các văn bản", ông An dẫn chứng.

Vì vậy, vị chuyên gia này cho rằng các nhà ngôn ngữ nên nghiên cứu và đưa ra bộ quy chuẩn về việc viết hoa để đưa ra sự thống nhất.

Lưu Ly
Bình luận
vtcnews.vn