Cách nâng hạn mức thẻ tín dụng

Tài chínhThứ Ba, 19/09/2023 09:08:00 +07:00
(VTC News) -

Hạn mức tín dụng là một khái niệm quan trọng trong lĩnh vực tài chính, tuy nhiên không phải ai cũng hiểu rõ về khái niệm và cách thức sử dụng.

Hạn mức tín dụng là gì?

Hạn mức tín dụng là số tiền tối đa mà ngân hàng hoặc tổ chức tín dụng cho phép người dùng chi tiêu trên thẻ tín dụng. Số tiền này có thể được xác định dựa trên nhiều yếu tố như thu nhập, điểm tín dụng, lịch sử tín dụng và hồ sơ tài chính cá nhân của người đăng ký thẻ. Hạn mức tín dụng có thể được điều chỉnh theo yêu cầu và thỏa thuận giữa người dùng và nhà cung cấp thẻ.

Giả sử bạn có một thẻ tín dụng với hạn mức là 10 triệu đồng. Nếu bạn mua sắm và thanh toán một hóa đơn mua hàng trị giá 5 triệu đồng bằng thẻ tín dụng, số tiền này sẽ được trừ vào hạn mức tín dụng của bạn. Khi đó, hạn mức tín dụng còn lại sẽ là 5 triệu đồng. Tiếp theo, nếu bạn rút tiền mặt từ thẻ tín dụng với số tiền là 3 triệu đồng, hạn mức tín dụng sẽ được giảm xuống 2 triệu đồng. Lưu ý rằng việc rút tiền mặt từ thẻ tín dụng có thể áp dụng mức phí và lãi suất cao hơn.

Hạn mức tín dụng có thể được điều chỉnh theo yêu cầu và thỏa thuận giữa người dùng và nhà cung cấp thẻ. (Ảnh minh họa: MSB)

Hạn mức tín dụng có thể được điều chỉnh theo yêu cầu và thỏa thuận giữa người dùng và nhà cung cấp thẻ. (Ảnh minh họa: MSB)

Cứ như vậy hạn mức thẻ tín dụng sẽ tiếp tục giảm đi cho đến khi bạn đạt đến giới hạn tối đa. Để tiếp tục sử dụng thẻ và chi tiêu, bạn cần thanh toán các khoản nợ để nó được khôi phục lại.

Có rất nhiều yếu tố để quyết định hạn mức thẻ tín dụng. Nếu bạn là người mới sử dụng thẻ tín dụng, chưa có lịch sử tín dụng, thu nhập chưa cao hoặc có nợ nần nhiều thì chắc chắn hạn mức của bạn sẽ thấp. Bởi lẽ chiếc thẻ tín dụng ngoài tính năng chính là để thanh toán thì đây cũng như một món vay ngân hàng. Các ngân hàng sẽ không thể cho bạn mượn nhiều nếu uy tín của bạn chưa cao.

Bạn sẽ không thể biết được hạn mức của mình là bao nhiêu nếu chưa nộp đơn đăng ký thẻ tín dụng. Nếu bạn không hài lòng với hạn mức mà ngân hàng cấp thì có thể yêu cầu hạn mức cao hơn. Bạn cần biết là hạn mức thẻ tín dụng không cố định. Sau một khoảng thời gian sử dụng tốt, bạn hoàn toàn có thể yêu cầu ngân hàng xét duyệt tăng hạn mức thẻ tín dụng hoặc có khi ngân hàng sẽ tự động tăng cho bạn.

Nâng hạn mức tín dụng bằng cách nào?

Tăng hạn mức tự động

Khi thu nhập của bạn tăng lên và có xu hướng chi tiêu nhiều hơn, một số ngân hàng có thể tự động xem xét và tăng hạn mức tín dụng. Điều này có thể coi là phần thưởng cho việc sử dụng thẻ tín dụng lâu dài.

Ngân hàng có thể tự động tăng hạn mức tín dụng khi thu nhập của khách tăng lên.

Ngân hàng có thể tự động tăng hạn mức tín dụng khi thu nhập của khách tăng lên.

Thông thường, ngân hàng sẽ thông báo cho bạn khi hạn mức tín dụng tự động thay đổi. Tuy nhiên, nếu bạn không đồng ý với hạn mức mới, bạn hoàn toàn có thể liên hệ với ngân hàng để yêu cầu giữ nguyên hạn mức cũ của bạn.

Gửi yêu cầu tăng hạn mức đến ngân hàng

Mỗi ngân hàng đều có thủ tục nâng hay giảm hạn mức tín dụng khác nhau. Bạn chỉ cần trình bày và gửi yêu cầu với nhân viên ngân hàng. Trong trường hợp yêu cầu nâng hạn mức tín dụng, ngân hàng sẽ xét duyệt dựa trên những giấy tờ của bạn gồm lịch sử tín dụng, mức thu nhập và tài sản đảm bảo.

Khi bạn cung cấp đầy đủ bộ chứng từ liên quan, các ngân hàng sẽ bắt đầu quy trình xét duyệt là thông báo cho bạn có tăng hạn mức được hay không. Bí quyết tăng hạn mức thành công vẫn là bạn có sử dụng tốt thẻ tín dụng hay không.

Ngoài ra, nhiều ngân hàng còn cho phép bạn nâng hạn mức khi có nhu cầu đột xuất. Hạn mức thẻ tín dụng sẽ được tăng lên trong khoảng thời gian ngắn sau đó sẽ trở lại như cũ.

Linh Chi(Tổng hợp)
Bình luận
vtcnews.vn