Bóng đá Việt Nam 2010-2019: Hành trình một thập kỷ trở lại vinh quang

Bóng đá Việt NamThứ Ba, 31/12/2019 07:22:39 +07:00
(VTC News) -

Bóng đá Việt Nam trải qua một thập kỷ (2010 - 2019) đi từ tột cùng thất vọng đến vinh quang chói lọi.

2010 - 2013: Từ đỉnh cao xuống vực sâu khủng hoảng

Bước vào thập niên thứ hai của thế kỷ XXI với vị thế số một Đông Nam Á nhờ chức vô địch AFF Cup 2008, bóng đá Việt Nam vẫn còn dư âm từ thất bại đau đớn ở chung kết SEA Games 25. Một năm sau thất bại ở cấp độ U23, HLV Henrique Calisto và đội tuyển Việt Nam một lần nữa "nếm trái đắng" trước Malaysia của HLV Rajagobal Krishnasamy.

Việc bị hất khỏi ngai vàng khu vực ở AFF Cup 2010 là dấu mốc mở màn cho giai đoạn tụt dốc của bóng đá Việt Nam. HLV Calisto từ chức, nhiều trụ cột của đội hình "thế hệ vàng" sa sút dù đang ở độ tuổi đỉnh cao sự nghiệp trong khi các lứa trẻ không kịp cung cấp đủ nhân sự kế cận. 

Bóng đá Việt Nam 2010-2019: Hành trình một thập kỷ trở lại vinh quang - 1

AFF Cup 2010 là dấu mốc đi xuống của bóng đá Việt Nam.

Sau khi U23 Việt Nam chỉ đạt hạng tư, không có huy chương ở SEA Games 26, HLV người Đức Falko Goetz bị sa thải. Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) chuyển sang sử dụng các HLV nội, nhưng cả HLV Phan Thanh Hùng (AFF Cup 2012) và HLV Hoàng Văn Phúc (SEA Games 27) đều thất bại nặng nề khi đội tuyển không vượt qua được vòng bảng. 

Bóng đá Việt Nam đánh mất niềm tin nơi người hâm mộ và tạo ra cảm giác về sự mất phương hướng trong giai đoạn này. Năm 2013, đội tuyển Việt Nam có lúc rơi xuống vị trí thứ 158 trên bảng xếp hạng FIFA, thấp nhất kể từ sau chức vô địch AFF Cup 2008. 

Trong giai đoạn này, V-League cũng có những biến động đầy tai tiếng với sự lũng đoạn của những ông bầu vung tiền chơi bóng đá vô tội vạ rồi lại rút lui. Vấn đề "một ông chủ nhiều đội bóng" cũng gây ra nhiều bức xúc từ chức vô địch của SHB Đà Nẵng năm 2012.

2014 - 2017: Lứa Công Phượng, Quang Hải và sinh khí mới từ bóng đá trẻ

Chứng kiến đội tuyển quốc gia chạm đáy khủng hoảng, sự quan tâm của người hâm mộ được kéo trở lại theo làn gió mới U19 Việt Nam với nòng cốt là thế hệ đầu tiên của học viện danh tiếng HAGL-Arsenal-JMG ra lò. Những cái tên như Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh... được chú ý đến từ cuối năm 2013 và tạo nên "cơn sốt" trong suốt năm sau đó.

Bóng đá Việt Nam 2010-2019: Hành trình một thập kỷ trở lại vinh quang - 2

Lứa Công Phượng mở ra giai đoạn phục hưng bóng đá Việt Nam bằng thế hệ trẻ.

U19 Việt Nam với những pha ban bật hoa mỹ và kỹ thuật khéo léo vượt trội so với lứa tuổi liên tục cống hiến những màn trình diễn mãn nhãn, giàu cảm xúc trước những đối thủ như Tottenham, AS Roma, Nhật Bản, Australia. Không giành được danh hiệu nào nhưng các trận đấu của U19 Việt Nam ở giải U19 quốc tế, U19 Đông Nam Á, U21 quốc tế và Cúp Hassanal Bolkiah đã thắp lại niềm tin nơi người hâm mộ.

Nối tiếp lứa Công Phượng, U19 Việt Nam của Quang Hải, Văn Hậu, Bùi Tiến Dũng... tạo nên kỳ tích bằng tấm vé tham dự U20 World Cup 2017. Trong giai đoạn này VFF xác định rõ phương hướng đưa bóng đá Việt Nam tìm lại vinh quang từ bóng đá trẻ. 

Trong khi đó, đội tuyển quốc gia và U23 Việt Nam cũng có dấu hiệu khởi sắc dưới sự dẫn dắt của HLV trưởng mới Toshiya Miura, dù vẫn bị lu mờ trước "cơn sốt" mà đàn em U19 tạo ra. Vượt qua vòng bảng ASIAD 17 (trong đó có trận thắng Iran 4-1), vào bán kết AFF Cup 2014 và giành huy chương đồng SEA Games 28 là những kết quả không tệ, thậm chí có phần kém may mắn. 

Bóng đá Việt Nam 2010-2019: Hành trình một thập kỷ trở lại vinh quang - 3

Sau AFF Cup 2016, ĐT Việt Nam chia tay những gương mặt cuối cùng của thế hệ vô địch Đông Nam Á 2008.

Tuy nhiên thành tích này chưa đủ làm hài lòng người hâm mộ và VFF. Đội tuyển Việt Nam thể hiện sự sa sút nhất định trong năm 2015 và đỉnh điểm là trận thảm bại 0-3 trước Thái Lan ngay trên sân nhà ở vòng loại World Cup.

Ông Miura mất việc, HLV Nguyễn Hữu Thắng tiếp nối công cuộc chuyển giao thế hệ. Dưới sự dẫn dắt của nhà cầm quân xứ Nghệ, các đội tuyển Việt Nam không cải thiện được thành tích (thua bán kết AFF Cup 2016, bị loại từ vòng bảng SEA Games 29) nhưng vẫn cho thấy tiềm năng rất lớn với lứa cầu thủ chất lượng. 

2018 - 2019: "Phép màu Park Hang Seo"

Sau khi HLV Hữu Thắng từ chức, VFF quyết tâm phải tìm một HLV ngoại giỏi và phù hợp để phát huy lứa cầu thủ trẻ tài năng. HLV Park Hang Seo được chọn trong rất nhiều ánh mắt nghi ngờ. Tuy nhiên, bản hợp đồng giữa VFF và cựu trợ lý của HLV Guus Hiddink đã mở ra những chương thành công chói lọi chưa từng có trong lịch sử bóng đá Việt Nam cũng như chính vị HLV người Hàn Quốc.

Bóng đá Việt Nam 2010-2019: Hành trình một thập kỷ trở lại vinh quang - 4

 

"Phép màu Park Hang Seo" là khái niệm được nhắc đến sau kỳ tích á quân U23 châu Á ở Thường Châu. Tuy nhiên ông Park và dàn cầu thủ "thế hệ vàng" 2018, 2019 dần chứng minh rằng câu chuyện mang màu sắc thần thoại ấy là thành công hoàn toàn xứng đáng. 

ĐTQG và U23 Việt Nam giành hạng tư ASIAD, vô địch AFF Cup, top 8 Asian Cup, huy chương vàng SEA Games 30, đứng đầu bảng vòng loại World Cup 2022 khu vực châu Á với thành tích bất bại. Tất cả đều là những chiến công lịch sử để khép lại một thập kỷ đi từ vực sâu lên đỉnh cao của bóng đá Việt Nam.

Minh Ngọc
Bình luận
vtcnews.vn